- “Chúng tôi đã nhiều lần chỉ đạo hai địa phương này kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm. Tuy nhiên, kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này…”.
Ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB- XH) khẳng định tại buổi toạ đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi.
- Ông đánh giá như thế nào khi hiện nay tại một số "điểm nóng" như Đồ Sơn (Hải Phòng), Quất Lâm (Nam Định) hoạt động mại dâm diễn ra công khai?
Đúng là thời gian qua rất nhiều báo đài phản ánh về tình trạng hoạt động mại dâm tại hai địa phương trên. Chúng tôi đã nhiều lần chỉ đạo hai địa phương này kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm.
Tuy nhiên, kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.
Ranh giới tiếp viên và mại dâm rất mong manh. |
Muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Quá trình kiểm tra thấy có các tiếp viên nhưng các tiếp viên này thường làm cho các cơ sở dịch vụ và có hợp đồng lao động nên rất khó xử lý.
Đối với các tụ điểm nóng, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra. Tuy nhiên, việc báo cáo có mại dâm tại Đồ Sơn và Quất Lâm hay không chúng tôi nhận được rất ít thông tin.
Vừa rồi, chúng tôi có làm việc với TP Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định là không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn!
Chúng tôi đang tiến hành thí điểm mô hình can thiệp giảm hại cho người hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn. Nhưng sau khi tiếp xúc, chúng tôi phải thay đổi tên gọi thành “thực hiện các biện pháp giảm hại cho những nhóm người có nguy cơ” chứ nếu sử dụng cụm từ “cho người hoạt động mại dâm” là các cơ quan tại Hải Phòng họ không chấp nhận.
- Ông có thể cho biết hiện nay có bao nhiêu người đang hoạt động mại dâm?
Hiện, có khoảng 30.000 người đang hoạt động mại dâm, nhưng chỉ có một nửa trong số đó là có hồ sơ quản lý. Đây vẫn là con số chính thống cho đến thời điểm này và hiện chưa có số liệu mới. Phải đợi đến sau khi triển khai đề án theo chỉ đạo của Chính phủ về công tác rà soát mại dâm trên toàn quốc, lúc đó mới có số liệu cụ thể hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi đưa các chị em quay trở về cộng đồng theo Nghị quyết của Quốc hội, tệ nạn mại dâm đường phố đang có chiều hướng gia tăng?.
Nghị quyết 24 của Quốc hội bắt đầu thực hiện từ 7/2012, đưa các đối tượng đang giáo dục chữa bệnh tại các trung tâm về cộng đồng. Ngay sau đó, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương đưa hơn 860 chị em quay trở về hoà nhập cộng đồng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ.
Hiện, tác động của Nghị quyết 24 chưa có thời gian để đánh giá vì chưa tròn một năm thực hiện. Tuy nhiên, qua báo cáo của một số địa phương, tình hình mại dâm công cộng đang có dấu hiệu quay trở lại hoạt động. Trong đó, nổi lên là TP.HCM, Hà Nội và thậm chí Đà Nẵng cũng có.
- Có một vấn đề nhức nhối mà báo chí phản ánh thời gian qua là tại một số địa phương đang rộ lên tệ nạn mại dâm nam?
Trong hai năm trở lại đây, đúng là tình hình mại dâm nam đang nổi lên ở một số địa phương, đặc biệt là tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay thống kê cụ thể về mại dâm nam trên toàn quốc chưa có số liệu chính xác…
- Ông có thể cho biết các biện pháp đang được triển khai để hỗ trợ người hoạt động mại dâm?
Chúng tôi đã triển khai mô hình can thiệp giảm hại tại 63 tỉnh, thành phố. Tập huấn để các địa phương thực hiện. Trong hai năm vừa qua, chúng tôi còn hỗ trợ cả kinh phí cho địa phương thực hiện, tập trung vào các giải pháp mà có thể hỗ trợ các chị em một cách thiết thực nhất.
Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ cho chị em trước hết là có định hướng về nghề nghiệp và nâng cao nhận thức cần thiết để có thể làm các nghề khác.
- Cảm ơn ông!
Gia Văn (thực hiện)