- Tham gia diễn đàn "Nên hay không việc bỏ “đường sắt đồ cổ”, tập trung cho đường sắt tốc độ cao", nhiều bạn đọc rất tâm đắc với ý kiến của TS Trần Đình Bá. Trong đó, có một độc giả nhấn mạnh: “Một đất nước muốn phát triển tốt, có những bước đi tốt trước hết phải làm được những con đường tốt”.

“Đường sắt Việt Nam có nhiều cái "nhất"

Hơn 90% trong số hàng trăm phản hồi của độc giả VietNamNet tham gia diễn đàn góp ý cho sự phát triển của đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã đồng tình với ý kiến của ông Trần Đình Bá là: Bỏ đường sắt 'cổ điển', mở rộng đường sắt quốc gia 1.435 m tốc độ cao.

“Những người trong ngành thường nói vui rằng, ĐSVN của chúng ta “đạt nhiều kỷ lục nhất thế giới” như: chạy chậm nhất, góc cua nhỏ nhất, độ dốc cao nhất ..”, một độc giả chia sẻ ý kiến với VietNamNet.

Vì lý do trên bạn đọc này khẳng định: “Hoàn toàn đồng tình với ý kiến bỏ “đường sắt đồ cổ”.

Để củng cố ý kiến của mình, nhiều độc giả đã đưa ra những lập luận hết sức chặt chẽ.

Độc giả Hai Bang phân tích: “Trên thế giới người ta đã bỏ hết đường khổ 1m rồi (đúng hơn là chỉ còn sử dụng trong các tuyến đường nội bộ của một số khu mỏ than, mỏ quặng) để chuyển sang khổ rộng 1.435m vì như vậy mới nâng được tốc độ và an toàn. Xin thôi những "sáng kiến", "phát minh" này nọ chỉ tốn thêm chi phí mà hãy làm cái việc người ta đều làm gần thế kỷ trước là: Bỏ đường sắt 1m và thay thế bằng 1.435m”.

{keywords}

Hàng ngàn hành khách trên hành trình đường sắt Bắc-Nam bị kẹt, trễ tàu tại các ga miền Trung ngày 20/1/2011 (Ảnh: Laodong Online)

Dựa trên điều kiện địa hình của Việt Nam, độc giả Trần Văn Chu nói: “Thực tế tôi đã đi từ Thượng Hải đến Bắc Kinh bằng loại tàu khổ 1.435m tôi thấy rất tuyệt vời, tàu chạy nhanh và rất êm. Tôi nghĩ nó rất phù hợp với điều kiện kinh tế và đặc biệt là địa hình Việt Nam, là đất nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch có nhiều đường ngang cắt qua đường sắt, nhiều chỗ quanh co, leo núi, đi sát biển...”.

Là một người trong ngành, độc giả Nguyễn Tài Phú rất tâm huyết với ý kiến của TS Trần Đình Bá. Anh cho rằng “Thực tế là khổ đường 1m, nhiều dốc, bán kính vòng cua quá nhỏ, với lại duy nhất một làn thì sự chạy nhanh của tàu này (tàu Thống Nhất) chỉ làm cho các tàu không được ưu tiên (như tàu nhanh, tàu hàng, tàu chợ) phải chạy chậm lại mà thôi”.

Một độc giả khác cho rằng: “Chưa nói đến việc hàng năm biết bao người chết vì tai nạn đường sắt hay lưu lượng hàng hoá giao thương chậm gây thiệt hại cho đất nước mà cứ đến ngày lễ, Tết cảnh người dân nhau chen chúc, dẫm đạp nhau mua vé, rồi khách bị nhồi nhét trên xe đường dài, bị nhà xe chặt chém...là tôi đã đủ rùng mình rồi”.

Độc giả này cũng nhấn mạnh rằng: “Một đất nước muốn phát triển tốt, có những bước đi tốt trước hết phải làm được những con đường tốt”.

Khổ 1.435m, muộn còn hơn không?

Không những đồng tình bỏ 'đường sắt đồ cổ', nhiều độc giả còn cho rằng, hiện nay xây dựng đường sắt khổ 1.435m là quá muộn so với thế giới.

Độc giả Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Trong những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ trước, khi còn là sinh viên của trường ĐH GTVT Hà Nội, chúng tôi đã được học và biết sự ưu việt của khổ đường sắt 1.435 so với khổ 1m. Từ khi tôi ra trường, nay cũng đã sắp nghỉ hưu vậy mà qua bao nhiêu đời Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐSVN vẫn loay hoay với khổ 1m”.

Tuy nhiên, người đọc này cũng khẳng định: “Việc mở rộng đường sắt khổ 1.435m lẽ ra phải được thực hiện lâu rồi nhưng bây giờ cũng vẫn chưa muộn. Ít ra phương án này cũng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay hơn là xây dựng đường sắt cao tốc”.

Cùng ý kiến trên, Nguyễn Thanh Thiên nhấn mạnh: “Tôi cho rằng giờ vẫn chưa muộn, hãy gắn thêm một ray nâng cấp đường cũ, đồng thời tiến hành kế hoạch mới để tiết kiệm vốn và thời gian”.

Bạn đọc Nguyễn Phú Tài (Long Biên, Hà Nội) cũng đề xuất: “Tốt nhất là dùng chính con đường cũ để làm cơ sở hạ tầng vận chuyển nguyên vật liệu để làm thêm một con đường mới song song với nó khổ quốc tế 1.435m. Sau khi hoàn thiện con đường mới, quay lại nâng cấp con đường cũ lên 1.435m. Như vậy chúng ta sẽ giảm được phí vận chuyển và vẫn có thể duy trì được hoạt động liên tục của đường sắt Bắc-Nam và lộ trình này cũng rất phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước hiện nay”.

Ngoài ý kiến đồng tình, nhiều độc giả cũng hào hứng hiến kế để đóng góp cho sự phát triển của ĐSVN.

Bạn đọc Dũng Hạnh ở địa chỉ email Dh13…@gmail.com, là một kỹ sư có thâm niên 5 năm làm công tác quản lý duy tu bảo dưỡng đường sắt, cho rằng: “Tôi thấy bài viết có chủ trương bỏ dần đường sắt khổ hẹp 1m là hợp lý. Nhưng để bỏ được chắc cũng phải 50 hoặc 100 năm nữa. Còn hiện tại đường sắt cũ nát lắm rồi cần phải đầu tư để thay thế kết cấu đường đã hư hỏng quá tiêu chuẩn”.

Về lo ngại chi phí lớn để thay đổi sang tuyến đường sắt khổ 1.435m độc giả Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Chưa có tiền thì chúng ta làm dần từng tuyến, đồng thời huy động thêm các nguồn lực của dân, vốn vay nước ngoài để làm cho bằng được”.

“Nên thực hiện xây dựng đường sắt tiêu chuẩn quốc tế, vận tốc tối đa. Còn không đủ nguồn lực thì ta xây dựng từ khúc ruột miền Trung trước, ví dụ 2000km ta nên thực hiện nhiệm kỳ này là 1000km trước”, độc giả Lê Văn Mạnh cũng đồng tình.

Tương tự, bạn đọc ở địa chỉ Email: hanv74@itgo.vn: “Phải chọn một tuyến cụ thể làm thí điểm, để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của nó. Sau đó, chúng ta mới tiến hành một cuộc cải cách trong ngành ĐSVN”.

Một độc giả khác ở địa chỉ Email: tmccranes@gmail.com cũng đưa ra những con số để thuyết phục ý kiến xây dựng đường sắt khổ 1.435m.

Anh tính toán: “3.200 km chiều dài thì cần 6.400 km ray, nếu là ray P43 thì cần 275.200 Tấn x 18 triệu/tấn. Cộng thêm khoảng 1.024,000 kẹp nối ray x 100.000 đồng/cái và 3,2 Triệu thanh tà vẹt mới khổ 1.435 mm x 2.000.000 đồng/cái. Tổng cộng khoảng 11.456 tỷ đồng…".

Anh cho biết thêm: "Đó là toàn bộ chi phí vật tư chính cho hành trình 12-15 tiếng Hà Nội – TP.HCM. Chỉ còn cộng thêm chi phí nhân công và chi phí nâng cấp cấp phối nền hạ sẵn có và gia cố các cầu... Trừ đi phần ray cũ và tà vẹt cũ thanh lý ít nhất cũng được 2.000 tỷ. Tốn chưa tới 1,5 tỷ USD để có tuyến 1.435 m dài 3.200 km”.

Từ con số này, độc giả trên nhấn mạnh: “Tại sao chúng ta không dám làm?”.

Lê Lam (Tổng hợp)

Bạn có chung quan điểm với TS Trần Đình Bá hoặc có những quan điểm khác đóng góp cho sự phát triển của đường sắt Việt Nam? Xin gửi Email về banxahoi@vietnamnet.vn