60 năm đã trôi qua nhưng kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, oai hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử vẫn in sâu trong ký ức của những chiến sỹ từng xông pha nơi trận mạc.

{keywords}
Bộ đội kéo pháo vào trận địa (Ảnh tư liệu TTXVN)

Với Trung tướng Nguyễn Trung Kiên, nguyên Tư lệnh Pháo binh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, kỷ niệm theo ông suốt cuộc đời là niềm vinh dự bốn lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung tướng Nguyễn Trung Kiên bồi hồi nhớ lại, tại cuộc họp lịch sử ngày 13/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng mặt trận đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị tác chiến tại chiến dịch Điện Biên Phủ với tên gọi “Chiến dịch Trần Đình.”

Theo phương châm tác chiến “Đánh nhanh, giải quyết nhanh,” hai trung đoàn pháo xe kéo sẽ bỏ xe lại khu tập kết, dùng sức người để kéo mấy chục cỗ pháo vượt qua các dải núi hiểm trở. 

Lệnh kéo pháo bằng sức người đã khiến bộ đội ta có tâm tư lo lắng, bởi kéo bằng xe đã khó, nay dùng sức người kéo những cỗ pháo nặng trên 2 tấn qua những đỉnh núi cao hiểm trở, liệu có hoàn thành đúng kế hoạch?

Nắm được tâm tư lo lắng của anh em, Chỉ huy trưởng mặt trận giải thích: “Dùng sức người để kéo pháo không phải vì chúng ta không làm được đường cho xe chạy, mà chính là để giữ bí mật, để giành yếu tố bất ngờ…”

Để bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch, bộ đội ta kéo pháo không kể ngày, đêm, đối mặt với dốc cao, vực sâu.

Trải qua bao gian nan vất vả, ngày 25/1, toàn bộ số pháo đã được bí mật đưa vào trận địa, mọi công việc chuẩn bị đã được gấp rút hoàn thành.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc toàn diện địch, ta, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã quyết định thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc.” Với quyết tâm đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch hạ lệnh tất cả các lực lượng pháo binh kéo pháo quay trở lại vị trí tập kết ngay trong đêm 26/1.

Lệnh của cấp trên đã gây xáo trộn về tư tưởng đối với bộ đội. Bởi bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua, đến giờ lập công lại kéo pháo ra.

Chập tối 26/1, pháo binh đồng loạt rút khỏi trận địa. Cuộc vật lộn với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu. Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ, nay kéo pháo ra lại càng gian khổ gấp bội phần...

{keywords}

 Pháo binh sẵn sàng cho chiến đấu. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Sau những ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm," ngày 5/2, khẩu pháo cuối cùng đã về nơi tập kết an toàn. Ngày 7/2 (mùng 5 Tết), trong khu rừng già ở Km 63, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến chúc Tết, ân cần thăm hỏi và khích lệ tinh thần anh em bộ đội.

Đại tướng căn dặn: "Thời gian qua, các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ vận chuyển pháo vào trận địa, chuyển pháo ra vị trí tập kết. Nhiệm vụ sắp tới còn nhiều khó khăn và nặng nề hơn, các đồng chí phải chuẩn bị thật chu đáo, giữ gìn vũ khí tốt, tranh thủ ôn luyện kỹ thuật, sử dụng đạn dược tiết kiệm. Không bắn thì thôi, nhưng đã có lệnh bắn, nhất định phải bắn trúng đích, làm cho quân địch phải khiếp sợ trọng pháo và cao xạ của ta…".

Những lời căn dặn ân tình của Chỉ huy trưởng mặt trận những ngày đầu Xuân không chỉ là chỉ thị nóng bỏng, mà còn nhắc nhở các chiến sỹ pháo binh về phương hướng chiến đấu những ngày tiếp theo. Đó cũng là lần thứ hai ông được gặp Đại tướng.

Kể về kỷ niệm lần thứ ba gặp vị Đại tướng tài ba của dân tộc, ông xúc động nhớ lại, kết thúc đợt tiến công thứ 2 của chiến dịch, ta thu được một số thắng lợi quan trọng nhưng chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra. Lực lượng của ta thương vong nhiều.

Để sốc lại tinh thần cán bộ, chiến sỹ, ngày 7/4, Bộ Chính trị triệu tập Đại hội đại biểu Đảng ủy và các Đại đoàn, cơ quan.

Tại hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định tình hình địch, ta một cách khách quan, đồng thời giao nhiệm vụ mới cho các đơn vị bộ đội, chuẩn bị mọi điều kiện chuyển sang tổng công kích.Đại tướng đã phê phán không nhân nhượng những biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh, tiêu cực.

Sau hội nghị, một cuộc giáo dục và đấu tranh tư tưởng được triển khai sâu rộng từ các cấp ủy đến chi bộ, từ cán bộ đến chiến sỹ, trong tất cả các đơn vị tham chiến. Nhờ đó, những biểu hiện của tư tưởng sai lầm đã được khắc phục. Toàn thể đảng viên, cán bộ và chiến sỹ đều củng cố lòng tin, tích cực chuẩn bị cho đợt tiến công sắp tới.

Bao năm đã trôi qua, bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được ông Kiên treo trang trọng ở phòng khách.

Ông tự hào kể, trong Lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ tại Mường Phăng ngày 13/5/1954, ông vinh dự được chụp ảnh cùng Đại tướng. Đây là lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng ông gặp Đại tướng trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên phủ.

Dẫu biết rằng quy luật của cuộc đời "sinh, lão, bệnh, tử," nhưng sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mất mát lớn đối với ông Kiên cùng đồng đội từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi nghe tin Đại tướng từ trần, người cựu chiến binh đã đến nhà riêng của Đại tướng, thành kính thắp nén hương thơm thay lời tri ân của một người lính đối với người anh Cả đáng kính của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

(Theo VietNam+/TTXVN)