- Cả năm bị “lô cốt” án ngữ, cứ ngỡ cuối năm sẽ… thoát nạn, nhưng nhiều người dân buôn bán ở TP.HCM đang muốn khóc ròng vì rào chắn tiếp tục chình ình trước nhà. Một số “lô cốt” còn tái xuất hiện sau khi đã dọn đi.

“Thấy họ dựng “lô cốt” mà nản!”

Mùa mua sắm, buôn bán cuối năm đang trở nên tấp nập. Thế nhưng, thay vì vui mừng bán đắt hàng, các cửa hàng có “lô cốt” án ngữ lại khóc ròng.

Hết “lô cốt” to của dự án lắp đặt đường ống thoát nước lại đến “lô cốt” nhỏ của dự án cấp nước. Và người dân dù đã quá quen với cảnh có rào chắn trước nhà cũng không khỏi ngán ngẩm “lại mùa làm ăn tết thất bát vì… “lô cốt”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ cửa hàng nhôm kính Đại Nam, 28 Phan Đình Phùng dường như đã chấp nhận “sống chung với lô cốt”. Không chỉ anh mà người dân sống dọc hai bên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận từ khoảng 2 năm nay đã quá quen với việc “lô cốt” án ngữ trước nhà.

“Cứ hết đào đường đặt cống thoát nước lấp xuống rồi lại đào lên đặt ống cấp nước, từ tháng này qua tháng khác. Chúng tôi chưa kịp thở phào khi thấy Dự án vệ sinh môi trường TP Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoàn thành trên tuyến đường này. Bỗng dưng giờ lại thấy có nhà thầu đến đào đường để lắp đặt ống cấp nước” - anh Dũng bức xúc.

Còn người dân trên đường Võ Thị Sáu, Q.3 cũng bất ngờ khi thấy “lô cốt” tái mọc trên đoạn đường này. Những hộ dân 2 bên đường đang vào mùa mua bán cuối năm, Noel ngán ngẩm bởi “lô cốt” án ngữ xem như chặn đường làm ăn của họ. Theo thời gian thi công trên bảng thông tin “lô cốt” thì rào chắn này chỉ dựng từ ngày 21-28/11. Thế nhưng đến nay đã 1/12 mà vẫn chưa thấy ‘lô cốt’ rục rịch dọn đi.


Buôn bán ế ẩm trên đường Lê Văn Sỹ, Q.3 vì "lô cốt" án ngữ. Ảnh: Thái Phương


“Ế ẩm thế này đấy cô ạ! Cứ tưởng cửa hàng mình thoát nạn “lô cốt”, ai ngờ cuối năm mà còn xuất hiện chình ình thế này” – nhân viên cửa hàng xe đạp 150 Võ Thị Sáu than thở. Nhìn quanh các shop, cửa hàng có “lô cốt” án ngữ, cảnh vắng vẻ không một bóng khách diễn ra thường xuyên.

Việc buôn bán mùa cuối năm thê thảm hơn phải kể đến tuyến đường Lê Văn Sỹ, quận 3, quận Phú Nhuận. Đây được xem là tuyến đường mua sắm của Sài Gòn với hàng trăm cửa hàng thời trang, giày dép quần áo…

Đến trưa 2/12, ghi nhận của PV VietNamNet, hàng loạt ống cấp nước trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận đã được đơn vị thi công lắp đặt xuống lòng đường. Nhưng rào chắn chiếm dụng mặt đường, trước nhà dân vẫn nằm chình ình, ảnh hưởng đến việc buôn bán. Một vài đường ống nước chưa được thi công vẫn nằm án ngữ ngay mặt tiền các cửa hàng buôn bán, kinh doanh.

Trước đó, ngày 1/12 những ống cấp nước này nằm trên đường Phan Đình Phùng rất nguy hiểm. Anh Duy Anh Tuấn, công nhân cửa hàng nhôm kính, sắt thép số 16 Phan Đình Phùng than thở, những ống nước chắn trước cửa nhà không chỉ nguy hiểm mà còn ảnh hưởng việc buôn bán.

“Sáng sớm, mở cửa nhà ra hết hồn vì những đường ống nước khổng lồ chắn ngang. Mọi người rủ nhau… đẩy chúng ra xa cửa để lấy lối đi rồi chặn gạch đá lại cho khỏi trôi ra giữa đường” - anh Tuấn nói.


Những ống nước nằm chình ình giữa đường Phan Đình Phùng rất nguy hiểm (ảnh chụp trưa 1/12). Ảnh: Thái Phương



Bức xúc “lô cốt” án ngữ, dân kiện Sở GTVT      

Liên quan đến một số “lô cốt” mới xuất hiện, cán bộ Sở GTVT cho biết nguyên nhân do rào chắn mặt đường để đấu nối tuyến cống nhánh, hố ga thoát nước… Các tuyến đường trung tâm TP có “lô cốt” là Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng (hai đầu cầu Kiệu), Nguyễn Kiệm, Nguyễn Trọng Tuyển, CMT8 – Phạm Văn Hai, Lê Văn Sỹ… Mỗi tuyến đường hiện chỉ còn khoảng vài chục mét cống cần lắp đặt nhưng đây là những “khúc xương” của dự án được nhà thầu chừa lại. Vì thế, hầu hết “lô cốt” xuất hiện ở các giao lộ, hai đầu cầu khiến ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên vào giờ cao điểm.

Sở GTVT cho rằng, cuối năm nay tình hình “lô cốt” xuất hiện ở các tuyến đường trung tâm TP đã giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Theo đó, từ đầu năm 2009, TP có khoảng 180 “lô cốt” chiếm dụng mặt đường thi công các công trình thì nay chỉ còn 63 “lô cốt”.

Người dân buôn bán trên đường Phan Đình Phùng ngán ngẩm đến nỗi phải học cách chấp nhận "sống chung với 'lô cốt". Ảnh: Thái Phương

“Lô cốt” xuất hiện không chỉ khổ người đi đường bởi kẹt xe, ngập nước mà các hộ buôn bán cũng bị thiệt đơn, thiệt kép. Thiệt hại của người dân buôn bán, kinh doanh được tính bằng tiền trả mặt bằng, lương nhân viên hàng tháng, mua bán ế ấm… 

Mới đây, vụ người dân kiện Sở GTVT TP bởi “lô cốt” chắn trước nhà làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, làm nứt nhà nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ông Nguyễn Văn Lang, người dân đầu tiên ở Sài Gòn đứng ra kiện Sở GTVT (chủ đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) vì dựng rào chắn thi công làm nứt nhà, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc buôn bán, thu nhập của gia đình ông trong suốt 4 năm. Đây được xem là vụ kiện dân sự đầu tiên chưa có trong tiền lệ tố tụng ở TP.HCM.

Vụ kiện chưa có kết quả nhưng điều quan trọng hơn cả là người dân thấy rằng họ có quyền đòi yêu cầu bồi thường khi bị thiệt hại, ảnh hưởng bởi các công trình công cộng. Và biết đâu, sẽ có nhiều “ông Lang” đi kiện chủ đầu tư các dự án có “lô cốt”?

  • Thái Phương