Ông Ma Văn Hác bắn rơi con voọc, thì con hổ to tướng xông đến quắp xác con voọc tha đi mất.
Sau khi chuẩn bị đồ ăn, nước uống, túi ngủ, đèn pin, cùng mấy con dao dắt lưng phòng thân, tôi và “nguyên” thợ săn Nông Văn Huy, cán bộ kiểm lâm Nguyễn Văn Thư, anh Ma Văn Nghị, người bản Nà Tông (Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang) và “người rừng” Trần Ngọc Lâm vào rừng.
Ông Trần Ngọc Lâm vốn bị ung thư phổi, sống nhiều năm trong hang đá giữa rừng Hoàng Liên Sơn, quá hiểu về các loài thú, rất yêu thiên nhiên hoang dã, nên khi nghe rừng Tuyên Quang còn hổ, ông đã đi từ Lào Cai sang để đi tìm dấu vết hổ cùng chúng tôi.
Chúng tôi cuốc bộ xuôi xuống phía bến đò hồ Na Hang, rồi bắt đầu leo núi từ con dốc có tên Hổ Vồ.
Theo anh Huy, trước đây, con dốc này là nơi hổ thường phục kích vồ người ăn thịt. Phía dưới con dốc là thung lũng rất sâu, có hang đá tên là Ngô Gia Khảm.
Hang đá đó rất sâu, nhiều ngóc ngách thông khắp quả núi đá vôi, là nơi ông Ngô Gia Khảm chế tạo vũ khí thời Pháp thuộc. Rất nhiều người dân, thậm chí bộ đội đi qua con dốc này bị hổ vồ.
Để hổ không ăn thịt người, thi thoảng dân bản phải dắt vào con dốc này lúc thì con dê, lúc con bò để cúng hổ. Hổ có mồi ăn, thì không bắt người nữa.
Thượng Lâm có 99 ngọn núi nhấp nhô, rừng già bao phủ |
Từ con dốc Hổ Vồ, chúng tôi bấu tay vào vách đá vôi và bắt đầu hành trình leo qua sườn núi dốc ngược tìm vào rừng già. Trèo qua vách của quả núi Chùa cũng bở hơi tai.
Ngay sau vách núi, rừng thẳm hiện ra mênh mang trước mắt. Những quả núi đá vôi xanh thẫm nhấp nhô lẫn trong mây mù đẹp như cổ tích. Nhiều khách lạ đến đây, ngắm những quả núi nhấp nhô, mà ví như Hạ Long trên cạn.
Các cụ già người Tày ở Lâm Bình vẫn kể cho con cháu nghe truyền thuyết về 99 ngọn núi tuyệt đẹp nhô lên giữa miền rừng. Chuyện rằng, thuở trời đất mới hình thành, ranh giới sinh sống giữa các tộc người chưa được phân định, một vị vua có công dẹp yên bốn cõi, được thần linh mách bảo phải tìm nơi có đủ 100 quả núi, thì cơ nghiệp mãi mãi vững bền.
Thông tin ấy lọt đến tai vị quan cai quản vùng Thượng Lâm. Thấy vùng đất mình quản có tới 99 ngọn núi điệp trùng, nên nảy sinh lòng tham. Ông ta sai tay chân đắp thêm ngọn núi nữa để được thành vua, và vùng đất Thượng Lâm sẽ thành kinh đô bền vững.
Tìm mãi không được vị trí, vua lại phải nhờ đến thần linh. Thần mang theo đàn chim phượng hoàng 100 con lên đường tìm kiếm.
Một ngày nọ, thần và đàn phượng hoàng đến vùng Thượng Lâm. Đàn chim chao lượn ba vòng rồi mỗi con sà xuống đậu trên đỉnh một ngọn núi. Nhưng một con phượng hoàng lượn vòng quanh mãi một ngọn núi, ba lần sà xuống rồi lại bay lên mà không đậu.
Bất ngờ, 99 con phượng hoàng kia cũng cất cánh bay đi. Thì ra đó chính là ngọn núi giả. Biết chuyện, thần nổi giận cho rồng làm một trận mưa lớn khiến ngọn núi giả bị đổ xuống.
Anh Huy chỉ Lũng Chuột |
Theo anh Huy, truyền thuyết kể rằng, cũng nhờ 99 ngọn núi có phượng hoàng đến đậu, mà khí hậu nơi đây luôn mát mẻ, trong lành. Sự mát mẻ đó thấm vào làm nõn nà làn da con gái. Con gái Thượng Lâm còn có vẻ đẹp của loài chim phượng với mái tóc dài như con suối chảy dài vô tận.
Sự ôn hòa của khí hậu không chỉ làm nên vẻ đẹp hình thức cho con gái nơi đây mà còn tạo nên những tâm hồn trong trẻo cùng với sự nết na, hiền dịu nức tiếng khắp thành Tuyên. Vậy nên, người xứ Tuyên mới có câu: “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”.
Đang miên man với câu chuyện về miền gái đẹp Thượng Lâm gắn với truyền thuyết về 99 ngọn núi, thì một thung lũng khá rộng hiện ra giữa 3 ngọn núi vây quanh. Người Tày gọi thung lũng này là Lũng Chuột.
Trên các quả núi, cây cối um tùm, cổ thụ rợp bóng, nhưng dưới thung lũng chỉ có cỏ dại, dây leo.
Theo lời anh Huy, trước đây, người dân các bản xung quanh vẫn vào các thung lũng này phát nương, làm rẫy. Tuy nhiên, việc canh tác chẳng ăn thua gì, vì bị bọn lợn rừng, khỉ, voọc phá sạch.
Sau này, rừng Thượng Lâm quy hoạch thành rừng phòng hộ, thì người dân không được vào rừng làm nương nữa, nên cỏ cây lại mọc rậm rì, dấu tích ruộng nương cũng biến mất. Sắp tới, kiểm lâm sẽ phát cỏ trồng lại rừng ở thung lũng này.
Anh Ma Văn Nghị chỉ lên quả núi dựng đứng án ngữ trước mặt, phô ra vách đá trắng phau. Trên vách đá ấy, có một miệng hang đen ngòm. Nhìn tinh mắt, thấy những chiếc thang tre buộc ròng vào nhau dài cả trăm mét vắt vẻo trên vách đá.
Anh Nghị bảo rằng, trước đây, thợ săn huyết lình ở xã Khuôn Hà tìm đến, kỳ công cả tháng giời bắc thang lên vách núi để lấy huyết lình. Theo lời đồn, nhóm người kia đã lấy được cả tạ huyết lình, bán được cả tỷ bạc.
Huyết lình là kinh nguyệt của khỉ, voọc, bám vào đá từ hàng trăm, thậm chí cả ngàn năm qua, cô lại cứng như đá. Hiện, rừng được quản lý ngặt nghèo, không ai dám vào bắn thú nữa, nên đàn voọc má trắng lại về hang trú ngụ. Đàn voọc rất khôn ranh, đã giật đứt thang, để không ai trèo lên được.
Anh Huy vẫn thường xuyên dựng lều ở thung lũng Lũng Chuột, sáng sớm hoặc chiều tà giương máy ảnh gắn ống têlê do các cán bộ dưới Hà Nội cấp cho để chụp ảnh loài voọc.
Theo lời anh Ma Văn Nghị, cách đây chừng 10 năm, khi đó chưa cấm rừng, anh cùng bố là ông Ma Văn Hác xách súng vào Lũng Chuột, phục kích dưới chân núi để bắn voọc lấy thịt nấu giả cầy và dùng xương nấu cao.
Anh Ma Văn Nghị chỉ nơi bố anh bắn rơi voọc và bị hổ cướp mất thành quả |
Biết rằng, chiều nào đàn voọc cũng về hang trú ngụ, nên hai bố con leo núi vào Lũng Chuột từ trưa, trèo lên vách đá, chọn điểm phục kích.
Chính tại điểm này, trước đó, ông Hác đã bắn hạ một con gấu ngựa rất lớn, khi làm thịt, moi nội tạng rồi, móc hàm lên vẫn được 1 tạ. Con gấu ngựa ấy cho túi mật to đến nỗi, khi sấy khô rồi vẫn còn bằng bàn tay người lớn, dùng đến giờ vẫn chưa hết.
Đúng như dự tính, khoảng 5 giờ chiều thì đàn voọc ríu rít kéo nhau về. Chúng chuyền cành trên vách đá làm náo động cả khu rừng.
“Póc” – tiếng nổ khô khốc vang lên, một con voọc trúng đạn rơi xuống sườn núi. Bỗng từ phía con voọc rơi xuống, cây cối xao động, rồi hai bố con anh Nghị rùng mình khi thấy cọp xám to như bò, cắn con voọc trên miệng. Phốc một cái, con cọp biến mất trong cánh rừng rậm rạp.
Cầm khẩu súng săn liên doanh Bỉ - Hà Lan trên tay, nhưng hai bố con ông Hác cũng chờn chợn, không dám đuổi theo con hổ.
Hôm sau, hai bố con mò vào rừng với súng ống nạp đầy đạn, lần theo dấu chân hổ. Trong khe núi cách Lũng Chuột độ 500m, dấu tích máu me, lông lá và vài mẩu xương voọc vẫn còn đó. Con cọp đã tha xác con voọc đến địa điểm đó và ăn sạch. Con voọc nặng độ 10kg, nên chỉ đủ một bữa cho hổ xám.
Sau vụ bắn con voọc, nhưng bị hổ cướp mất thành quả, thì rừng bị cấm, ông Hác cũng tự nguyện nộp khẩu súng săn, mà ông mua với giá 10 triệu đồng, số tiền khá lớn thời đó.
(Theo Phạm Ngọc Dương - VTC News)