a1.jpg
Đã từ lâu, những chiếc CardPhone không còn phát huy tác dụng và trở nên gây mất mỹ quan đô thị.

Đã hoàn thành sứ mạng lịch sử

Khai trương từ năm 1997, trạm điện thoại công cộng (CardPhone) được cho là hình thức tiện lợi cho nhiều người có thể sử dụng điện thoại khi mà điện thoại cố định và di động đang thuộc hàng xa xỉ. VinaPhone được giao trách nhiệm quản lý dịch vụ CardPhone này. Năm 2001, khi VinaPhone khai sinh thêm dịch vụ nhắn tin chỉ hiển thị số thì nhà mạng này hy vọng sự lai gép dịch vụ này với CardPhone để tương tự như dịch vụ di động và với giá phải chăng. VinaPhone giải thích rằng một người chỉ cần sở hữu chiếc máy nhắn tin hiển thị số và một chiếc thẻ CardPhone thì khi có người cần gọi có thể nhắn tin vào máy nhắn tin từ di động hoặc cố định và người được nhắn tin sẽ tìm trạm CardPhone gần nhất để gọi lại. Tuy sự lai ghép này khá phức tạp nhưng tránh được mức cước di động đắt đỏ thời bấy giờ.

Không thể phủ nhận được vai trò của dịch vụ CardPhone thời điểm đó tại các điểm công cộng như bến tầu, bến xe, bệnh viện… khi mà dịch vụ này đã đem lại nhiều giá trị cho khách hàng.

Vào thời điểm cực thịnh, dịch vụ này đã phát triển đến trên 11.000 trạm, chủ yếu ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Dịch vụ CardPhone được phát triển tốt từ năm 1997 đến 2002, sau đó bắt đầu tụt dốc. Sự bùng nổ liên tục của thuê bao cố định, di động đã khiến CardPhone trở thành dịch vụ của dĩ vãng. Con số thống kê mới đây của Bộ TT&TT cho thấy hiện mật độ di động của Việt Nam đã phủ tới 1,5 thuê bao/người dân. Như vậy, dịch vụ CardPhone oai hùng một thời đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.

Âm thầm khai tử

Sau khi CardPhone tụt dốc vì nhu cầu sử dụng ít thì việc tu sửa các trạm điện thoại này cũng chẳng còn được quan tâm. Nhiều trạm CardPhone hỏng hóc mà không được sửa chữa. Liên tục trong nhiều năm qua, giới truyền thông nhiều lần lên tiếng về tình trạng nhiều trạm CardPhone trở thành nơi bán trà đá, dán quảng cáo rao vặt, bỏ hoang… và gây mất mỹ quan đô thị. Thế nhưng sau tất cả các bài báo đó, dường như chưa có sự lên tiếng thỏa đáng của chính đơn vị đang sở hữu nó. Như vậy, CardPhone đã trở nên từ điểm tiện ích biến thành thảm họa của văn minh đô thị.

Trước bức xúc vì các trạm CardPhone hỏng gây mất mỹ quan đô thị, nhiều địa phương đã lên tiếng đề nghị dỡ bỏ các trạm này. Tháng 2/2011, UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải làm việc với Viễn thông Đà Nẵng và các đơn vị, địa phương liên quan tiến hành rà soát, để có phương án nâng cấp hoặc thu hồi các trạm CardPhone hỏng hóc, không còn sử dụng trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả xử lý trước ngày 31/3/2011. Mục đích của việc thu hồi hệ thống điện thoại thẻ là để trả lại không gian vỉa hè, bảo đảm mỹ quan, không để các tệ nạn xã hội có nơi trú ở và hoành hành.

Ông Đặng Tiến Hành, Giám đốc Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) chia sẻ: Trước khi có chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng, về phía đơn vị đã cho tháo dỡ nhiều cabin điện thoại không còn sử dụng. Năm 2010, đơn vị đã tiến hành 2 đợt rà soát và tháo dỡ một số cabin hỏng hóc. Cụ thể: Giữa năm 2010 cho tháo bỏ 100 cabin; trước dịp Tết Dương lịch 2011 hơn 90 cabin trong tình trạng hư hỏng nặng không thể sử dụng cũng được tháo dỡ. Đến thời điểm có công văn yêu cầu của UBND TP. Đà Nẵng, trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ còn lại khoảng chừng 50 cabin điện thoại thẻ còn sử dụng được, chủ yếu đặt tại những nơi tập trung đông dân cư, du khách như: chợ, bệnh viện, nhà ga, sân bay…

Ông Hành cho rằng: “Tuy dịch vụ điện thoại thẻ không còn mang lại giá trị kinh doanh nhưng vẫn còn giá trị về phục vụ cộng đồng. Việc duy trì một số cabin điện thoại thẻ ở các nơi công cộng là nhằm phục vụ người dân và du khách sử dụng các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn như 113, 114, 115… Tại một số trường học, phụ huynh có thể gọi lại các cabin điện thoại thẻ để tiện đưa đón học sinh khi có cuộc gọi đến của con em mình…

Tuy nhiên, trước yêu cầu của UBND TP. Đà Nẵng, Công ty Dịch vụ viễn thông Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) đã gỡ bỏ toàn bộ hệ thống các trạm CardPhone còn lại. Như vậy, từ tháng 4/2011, 380 trạm CardPhone tại Đà Nẵng đã bị xóa sổ hoàn toàn.

Tại TP.HCM, nhiều trạm CardPhone bị bỏ hoang gây mất mỹ quan độ thị. Vì thế, Sở TT&TT TP.HCM đã kiến nghị bỏ CardPhone trên địa bàn thành phố. Tháng 6/2012, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã gửi công văn chỉ đạo yêu cầu VNPT TP.HCM phải tháo dỡ hết các trạm điện thoại thẻ trên địa bàn thành phố trước ngày 1/10/2012. Thực hiện chỉ đạo trên, phía VNPT TP.HCM đã bắt đầu tiến hành tháo dỡ các trạm điện thoại thẻ này trên địa bàn thành phố. Cho đến nay, tại nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM, các điểm vui chơi hay một số trường học, các trạm điện thoại thẻ này đã được tháo dỡ khỏi vị trí.

Theo công văn của VNPT TP.HCM gửi tới Sở TT&TT TP.HCM về việc tiến hành thu hồi các trạm điện thoại công cộng dùng thẻ trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 31/7/2012 đã có 958/1147 trạm CardPhone đã được tháo dỡ khỏi các điểm đã cắm trước đây. Còn 189 trạm, VNPT TP.HCM cũng khẳng định sẽ tháo dỡ hoàn toàn trong tháng 8 – 9/2012. Về việc tái lấp mặt bằng, vỉa hè thành phố khi tháo các trạm điện thoại thẻ này, phía đơn vị này cũng cam kết sẽ thực hiện đúng như yêu cầu, nhằm đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Cũng tương tự như tình trạng ở TP.HCM và Đà Nẵng, cơ quan chức năng của Hà Nội cũng đã có ý kiến với VNPT Hà Nội về “thảm họa” CardPhone đang gây mất mỹ quan trên địa bàn. Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc VNPT Hà Nội cho biết, Thành phố cũng đã hỏi VNPT Hà Nội về vấn đề này. Năm 2000, VNPT Hà Nội đã sơn sửa lại các trạm CardPhone trên địa bàn thành phố để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long với khoảng 1000 trạm CardPhone. Ông Trần Mạnh Hùng còn cho biết, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên xoá bỏ các trạm điện thoại này bởi duy trì sẽ bị thua lỗ khi ít người sử dụng. “Chúng tôi cũng đã trả lời rằng nếu Thành phố có chủ trương dẹp bỏ CardPhone thì VNPT Hà Nội sẵn sàng bởi hiện có rất ít người sử dụng. Hiện VNPT Hà Nội cũng chưa có phương án chuyển đổi các trạm CardPhone thành các điểm kinh doanh dịch vụ kiểu khác như cung cấp dịch vụ Wifi mà một số nước đang làm”, ông Trần Mạnh Hùng nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông cho rằng đã đến lúc VNPT cần có tiếng nói chính thức cho việc khai tử dịch vụ CardPhone. Nếu để “thảm họa” CardPhone này tiếp tục tồn tại chỉ gây bức xúc cho xã hội, và gây thiệt hại cho chính VNPT. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cho rằng có lẽ VNPT sẽ tiến hành khai tử dịch vụ này một cách lặng lẽ bởi VNPT còn quá nhiều việc phải lo hơn là chuyện CardPhone.

Nhóm phóng viên ICT

Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 112 ra ngày 17/9/2012