Đầu tháng 9/2011, đồng loạt tại 40 huyện nghèo trên toàn quốc đã khai trương và đưa vào sử dụng Điểm Internet Thanh niên. Đây là chương trình phối hợp giữa Tập đoàn BCVT Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Háo hức với điểm truy cập Internet miễn phí

Trong Lễ trao tặng và khai trương điểm Internet Thanh niên tại trường THCS La Pán Tẩn, Hiệu trưởng Trường THCS La Pán Tẩn Phạm Tiến Quảng chia sẻ: “Lâu nay đời sống tinh thần của gần 250 học sinh và đội ngũ giáo viên Trường THCS La Pán Tẩn chỉ giới hạn với tivi, đài, báo. Khi biết tin được chọn là nơi đặt Điểm Internet thanh niên, tất cả thầy trò đều rất vui vì từ trước đến nay, cả trường chưa được đầu tư một chiếc máy tính nào".

“Nhà trường đã lên kế hoạch xây dựng chương trình lồng ghép lớp học tại điểm Internet cho học sinh, thanh niên trong bản có nhu cầu làm quen dần với máy tính. Theo đó, điểm Internet này sẽ mở từ 7 giờ 30 đến 17 giờ để phục vụ truy cập miễn phí. Còn ngoài giờ sẽ ưu tiên các giáo viên tìm kiếm kiến thức chuyên môn phục vụ công tác giảng dạy,” thầy Quảng hồ hởi cho biết.

Phó Tổng giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức trao học bổng khuyến học VNPT cho học sinh nghèo Yên Bái.
Thực hiện chương trình đưa Internet về vùng sâu, La Pán Tẩn là một trong những xã đầu tiên được VNPT và Trung ương Đoàn trao tặng Điểm Internet Thanh niên. “Điểm Internet Thanh niên” tại La Pán Tẩn với 6 bộ máy tính kết nối Internet, tuy không phải là nhiều nhưng bước đầu cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu cho các em học sinh học tập. Ngoài việc hỗ trợ các trang thiết bị, VNPT còn cung cấp đường truyền Internet, bộ giáo trình, các bài giảng trực tuyến và tài liệu hướng dẫn sử dụng Internet, tin học căn bản cho các em học sinh.

Em Lý Thị Sua, học sinh lớp 9 của Trường THCS La Pán Tẩn khoe “Em sẽ sử dụng máy tính và Internet để tìm hiểu những thông tin hữu ích cho học tập và cuộc sống”.
Không chỉ học sinh háo hức với phòng máy tính mới, mà thầy giáo trẻ Đỗ Văn Dũng cũng có tâm trạng y như vậy.

Dũng đã tốt nghiệp ngành CNTT Đại học Sư phạm Hưng Yên, về công tác tại trường Tiểu học La Pán Tẩn, với chức danh nhân viên văn thư. “Lâu không dạy rất nhớ nghề, nhưng điều kiện hạn chế nới đây không cho chúng tôi nhiều điều kiện tiếp xúc với máy tính và mạng. Giờ có phòng máy này, tôi có điều kiện “văn ôn võ luyện”, và biết đâu, trong thời gian tới, tôi sẽ có dịp trở lại với công việc giảng dạy môn học này”.

Phối hợp với địa phương đạt hiệu quả mô hình

Điểm Internet thanh niên là một trong những hành động thiết thực mà Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng Tập đoàn VNPT tổ chức để giúp thanh niên vùng khó. Song, hiệu quả của những mô hình này vẫn phải chờ đợi vào sự phối hợp của các đơn vị liên quan, đặc biệt là sự nhiệt huyết của cơ sở Đoàn địa phương.

Để tránh tình trạng đưa Internet về bản nhưng chỉ được một thời gian, máy móc lại “đắp chiếu,” trong hợp tác giữa VNPT và Trung ương Đoàn, việc quản lý điểm Internet do Ban Giám hiệu, Đoàn trường, Đoàn xã phối hợp thực hiện. Trung ương Đoàn chịu trách nhiệm tập huấn lực lượng tình nguyện viên nòng cốt, xây dựng quy chế tổ chức và sử dụng điểm Internet, kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng điểm Internet…

Phát biểu trong Lễ khai trương Điểm Internet Thanh niên tại La Pán Tẩn Ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho tỉnh đoàn Yên Bái, huyện đoàn Mù Cang Chải phối hợp, chỉ đạo Đoàn Thanh niên xã La Pán Tẩn vận hành thật tốt điểm Internet này.
Cán bộ đoàn phổ cập tin học cho học sinh La Pán Tẩn tại Điểm Internet Thanh niên
Về phía VNPT, Phó Tổng giám đốc Thường trực Phan Hoàng Đức cũng cam kết bảo đảm chất lượng cho các điểm Internet thanh niên. Qua đó, giúp thanh thiếu niên tiếp cận với công nghệ, thông tin mới để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thôn bản.

Thực tế, việc đưa Internet thực sự lên ngàn và người dân được thụ hưởng thành tựu khoa học kỹ thuật mới hay không, có lẽ phụ thuộc phần lớn vào lực lượng ở địa phương.

Theo Kế hoạch giữa VNPT và Trung ương Đoàn, trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2011, toàn bộ 62 Điểm Internet Thanh niên nằm trong các trường học thuộc 62 huyện nghèo trên cả nước sẽ đi vào hoạt động, đánh dấu bước đầu việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng 1000 điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ và truy cập Internet cho thanh niên nông thôn, miền núi” của Trung ương Đoàn.

Đây là hoạt động nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và hưởng ứng Năm Thanh niên 2011.

  • Châu Anh