- Đê sông Cầu Chày bị vỡ vào đúng lúc nửa đêm khiến hàng nghìn hộ dân không kịp trở tay. Hiện hơn 6.000 người dân tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá vẫn đang bị cô lập. Họ vật lộn trong vùng lũ với rất nhiều khó khăn thiếu thốn.

Trận lụt lịch sử trong vòng nhiều năm trở lại đây khiến 11/17 thôn của xã bị ngập chìm trong biển nước. Tính đến ngày 10/9, nước lũ đã nhấn chìm hơn 300ha lúa, 302ha mía, hơn 100ha ngô, hơn 100ha khoai, sắn và làm tràn ngập 120ha ao, hồ nuôi thủy sản của bà con. Đặc biệt, nước lũ đã nhấn chìm 674 hộ dân trong biển nước, khiến 3.565 người dân không có nhà ở… 

“Ước tính thiệt hại ban đầu do lũ lụt gây ra ở xã này đến thời điểm này đã lên đến khoảng hơn 100 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Lê Bá Lộc nói.




Nước lũ bất ngờ làm vỡ đê khiến hàng trăm gia đình ngập chìm giữa biển nước.

Trước đó, đêm mùng 6, rạng sáng 7/9, tuyến đê bao sông Cầu Chày đoạn qua xã Xuân Châu và xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa bị tràn hàng trăm mét, nhiều đoạn bị vỡ.

20 giờ tối 6/9, kẻng báo động vang lên, hàng trăm người dân được huy động lên bờ đê khiêng đất đắp đê chống tràn. 2 giờ sau, nước sông dâng lên quá cao, nhiều đoạn đê yếu đã bị vỡ.

Không cứu được đê, người dân hoảng loạn chạy đi sơ tán trước khi dòng nước bao trùm nhiều ngôi làng. Vỡ đê quá bất ngờ đã đẩy hàng trăm hộ dân ở hai xã Xuân Châu và Quảng Phú, huyện Thọ Xuân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trong phút chốc.

Tuyến đường vào trung tâm xã Quảng Phú bị chia cắt nhiều ngày. Ngày 10/9, sau khi mực nước rút xuống được chừng 1m, chúng tôi mới tiếp cận được với xã “đảo” này bằng cách đi xuồng máy.

Con đường vào làng biến thành sông.

Nước trắng băng cả một vùng. Hàng trăm căn nhà chỉ nhô lên mái ngói, nhiều căn bị nước lũ phá sập, cuốn trôi. Hầu hết người dân đã kịp sơ tán lên các khu vực cồn nổi. Tuy nhiên, hiện điều kiện sinh hoạt của người dân trong vùng ngập lụt đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt và chất đốt khi bị nước lũ cô lập tứ bề.

Theo chính quyền địa phương, tình trạng ngập lụt sẽ còn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới vì nước lũ rút rất chậm. Toàn bộ học sinh các cấp ở hai xã này vẫn chưa thể đến trường.

Chưa hết bàng hoàng sau cơn hồng thuỷ, chị Trần Thị Huyên (32 tuổi, ở thôn 13, xã Quảng Phú) kể lại, khoảng 2 giờ sáng ngày 7/9, mấy mẹ con đang nằm ngủ trong nhà thì nghe tiếng loa thông báo vỡ đê.

Mấy mẹ con hoảng loạn trong đêm tối. Bật dậy, tôi vội chạy ra dắt con nghé sang nhà em gái đi gửi, lúc quay về thì nước đã ngập lên nửa căn nhà. Hai đứa con nhỏ vẫn mắc kẹt ở phía trong nhà. Nghe tiếng kêu thảm thiết của các con, tôi lao vào và kịp cứu các cháu khỏi dòng nước đang ào ào tràn vào nhà” - chị Huyên chưa hết bàng hoàng kể lại.

Hàng trăm ha lúa, ngô...và hoa màu của người dân bị ngập trong nước lũ.

Gạt ngang dòng nước mắt, người phụ nữ tội nghiệp kể tiếp, 3 ngày trước trận lụt, chồng chị đi miền nam làm ăn để lấy tiền trả nợ, ở nhà chỉ có mấy mẹ con nên khi nước lụt về chẳng cứu được gì. “Giờ gia đình rơi vào cảnh trắng tay. Hơn tấn thóc, chiếc xe máy và đồ đạc trong nhà ngập sâu trong nước đến nay vẫn chưa thể đưa lên khỏi mặt nước được”, chị Huyên nghẹn ngào.

Ông Đỗ Văn Trung (xóm 6, xã Quảng Phú) hoang mang kể: "Tối hôm đó, cả nhà tôi đang ngủ, bỗng dưng thấy tiếng róc rách dưới chân giường, giật mình tỉnh giấc thấy nước ngập khắp nhà. Hoảng hốt, tôi hô mọi người trong gia đình dậy bê vội được vài bì lúa, chiếc ti vi còn các vật dụng khác đều bị nhấn chìm cùng căn nhà cấp bốn. Rất may mọi người đều an toàn”.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, ông Lê Bá Lộc cho biết, mặc dù địa phương đã huy động tối đa lực lượng túc trực, ứng cứu các tuyến đê, thế nhưng do nước ở thượng nguồn đổ về quá nhanh, đê lại yếu nên rạng sáng ngày 7/9, tuyến đê Đá Lát đã bị vỡ ở 2 đoạn khoảng 100m và tuyến đê bao Quảng Phú bị tràn 5km, vỡ 3 đoạn khoảng 100m.

Thanh Lê