- “Chỉ thương cho con Liễu, 5-6 năm trời, sang xứ người làm osin cho người ta để
kiếm tiền gửi về cho chồng nuôi con, xây nhà và trả nợ, ấy thế mà nhà chẳng thấy
đâu, nợ vẫn hoàn nợ , tiền thì không cánh mà bay...”.
Chồng ăn tạp
Về (Ý Yên - Nam Định), biết chúng tôi đang tìm hiểu về cuộc sống của những gia
đình có vợ đi xuất khẩu lao động, một người dân trong xã hồ hởi: “Xã tôi, nhiều
nhà có vợ cho đi xuất khẩu lao động lắm, có những người đi cả chục năm chưa về.
Họ kiếm được cũng khá lắm, không tin cô cứ thử vào cái nhà nào to nhất trong
làng mà xem, kiểu gì cũng là nhà có người đi xuất khẩu lao động.
Nhưng đấy là phần đa thôi, chứ cũng có những nhà, vợ đi làm cặm cụi 5, 6 năm
trời mà đến lúc về, nghèo vẫn hoàn nghèo, vì có bao nhiêu tiền ông chồng ở nhà
nướng sạch cho lô đề, cờ bạc và bao gái rồi, như vợ chồng Liễu - Tỉnh ở làng B
ấy, cả xã có ai là không biết” - người phụ nữ này nói tiếp.
Trong khi vợ lao động cặm cụi bên xứ người để kiếm đồng tiền gửi về, thì chồng lại mang đi để bao gái (ảnh minh họa) |
Theo lời người phụ nữ này, thì trước kia vợ chồng Liễu - Tỉnh nghèo gần nhất thôn, “cơm ăn còn chẳng đủ chứ đừng nói là có nhà cao để ở”. Đến năm 2003, thì chị Liễu đi sang Đài Loan, theo cơn bão xuất khẩu lao động.
Chính vì ý thức được cái nghèo cái đói đang đeo bám lấy chồng, con từng ngày từng giờ, nên mới sang Đài Loan được 3 tháng, trong khi những người đi cùng đợt vẫn im hơi lặng tiếng thì anh Tỉnh ở nhà đã có giấy gọi xuống bưu điện nhận tiền từ chị Liễu gửi về.
Theo lẽ thường, khi nhận được tiền, những ông chồng này sẽ dồn xếp để trả nợ, trả hết nợ thì đến xây nhà, nhưng chồng chị Liễu thì khác.
Có tiền trong tay, Tỉnh đi sắm ngay con xe máy Dream, mà thời đó, cả làng chỉ có 3, 4 nhà có. Có xe đẹp, Tỉnh lại đi sắm quần áo đẹp, rồi giầy da đen bóng lộn, đồng hồ đeo trễ cả một bên tay. Và ngày nào cũng chải tóc bóng lộn, rồi đi... chơi gái.
Chuyện Tỉnh bồ bịch, những người có tư tưởng thoáng thì bảo, “đàn ông còn trẻ mà phải xa vợ lâu thế thì ai mà chịu được, ông nào chả ăn vụng”. Nhưng chuyện Tỉnh “ăn tạp” thì trong xã ai cũng coi khinh. Vì trong xã, hầu hết mọi người đều biết nhau, thế mà Tỉnh lại chẳng chừa một làng nào. Đến đâu Tỉnh cũng tán gái.
Rồi, cái sự ăn chơi của Tỉnh cũng chẳng kéo dài được bao lâu vì chuyện Tỉnh ở nhà, không chịu làm lụng lại mang tiền của vợ đi tiêu xài đến tai Liễu. Thế là Liễu cắt viện trợ.
400 triệu và một đứa con hoang
Không có tiền, Tỉnh mang xe máy đi làm xe ôm, nhưng thời đó, ở cái làng quê nghèo này, lấy ai thuê. Vậy là Tỉnh lại thất nghiệp, phải mang xe máy đi bán để tiêu xài.
3 năm sau, thấy chồng có vẻ tu chí, hơn nữa khi điện về, Liễu cũng thấy nhiều người nói rằng ngôi nhà Tỉnh ở với con và mẹ già đã quá xập xệ. Trời nắng, trời mưa đều khổ sở. Thế là Liễu quyết định gửi về cho chồng 400 triệu để xây lại căn nhà cho đoàng hoàng.
Cầm 400 triệu trong tay, Tỉnh chưa xây nhà vội mà bàn với vợ trích ra một nửa mua con xe ô tô cũ để lấy phương tiện làm ăn.
Có xe ô tô chạy vèo vèo, Tỉnh thành ra oai nhất xã. Lúc này, các cô, các bà càng bám Tỉnh nhiều hơn. Đã thế, Tỉnh lại càng chơi sang, mua sắm không tiếc tay cho các cô nhân tình. Khiến các cô, dù biết nhau cũng chẳng ai dám tị nạnh. Nghe đâu, một cô trong số những nhân tình của Tỉnh còn đang mang bầu và bắt Tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Chuyện đến tai Liễu. Đúng lúc Liễu hết hạn hợp đồng nên tức tốc về nước. Chưa biết, Liễu sẽ giải quyết thế nào, nhưng những người trong xã thì ai gặp Liễu cũng thương. “5, 6 năm trời, sang xứ người làm osin cho người ta để kiếm tiền gửi về cho chồng nuôi con, xây nhà và trả nợ, ấy thế mà nhà chẳng thấy đâu, nợ vẫn hoàn nợ, tiền thì không cánh mà bay...”
Minh Minh