- 20 năm nay, tuần nào chị cũng lên thăm chồng nhưng không dám ngủ lại qua đêm chỉ vì bệnh tiểu dầm khó nói của mình.
20 năm không dám ngủ cùng chồng
Tiểu dầm (đái dầm) là hiện tượng phổ biến ở trẻ 1-5 tuổi do rối loạn tiết niệu và sẽ tự hết khi lớn nhưng cũng có không ít người trưởng thành vẫn bị tiểu dầm (bệnh lý) với tỉ lệ khoảng 1%.
TS.BS Đỗ Đào Vũ, Phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, chuyên khoa Niệu Động Học, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, hầu hết bệnh nhân khi đến khám đều đã chịu đựng, giấu giếm căn bệnh khó nói này trong suốt thời gian dài. Nhiều người tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Ảnh minh họa |
Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hà (43 tuổi, Hưng Yên). Chị Hà làm giáo viên dạy cấp 3 tại quê, còn chồng công tác trên Hà Nội. 20 năm nay, tuần nào chị cũng lên thăm chồng nhưng không dám ngủ lại qua đêm chỉ vì bệnh tiểu dầm khó nói của mình.
Chị Hà kể, hầu như tuần nào chị cũng bị tiểu dầm 3-4 lần. Lần nào cũng mơ đang tiểu tiện trong nhà vệ sinh hoặc đang "giải quyết" ở chỗ khuất. Đã bao lần chị định đi khám nhưng xấu hổ rồi thấy sức khỏe vẫn bình thường nên lần lữa mãi không đi. Mới đây, đấu tranh mãi chị mới dám đến gặp bác sĩ Vũ đề tư vấn, điều trị nhưng vẫn kiên quyết giấu chồng.
BS Vũ cho biết, hầu hết các trường hợp đều giấu người thân đến khám, rất ít người tiết lộ với bạn đời hoặc người thân. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Điền (26 tuổi, Yên Phong, Bắc Ninh) may mắn được vợ đồng cảm, cùng chồng đến bệnh viện để nghe tư vấn, chữa trị.
Anh Điền chia sẻ, anh bị tiểu dầm từ nhỏ nhưng đến khi dậy thì vẫn không hết. Tối nào may mắn không ướt chăn đệm thì cũng phải dậy đi vệ sinh 4-5 lần, thỉnh thoảng có tiểu buốt.
"Tôi không dám nói với ai vì sợ tiết lộ sẽ bị cười chê. Sau nhiều lần uốn lưỡi, mới đây tôi mới dám khai thật với vợ vì biết không thể giấu mãi. Đi khám ra mới biết tôi bị tiểu dầm do đa niệu", anh Điền thật thà nói.
Hay như trường hợp của nữ sinh viên trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Thanh Thúy (20 tuổi).
"Biết mình bị tiểu dầm mất tự chủ, em phải thuê phòng trọ ở một mình. Để giữ bí mật, em hạn chế tham gia các hoạt động picnic qua đêm của lớp, nếu có đi, em phải đóng bỉm sẵn từ nhà, hết sức bất tiện", Thúy chia sẻ.
Theo BS Vũ, ngoài Thúy, còn có rất nhiều nữ sinh viên 19-22 tuổi khác cũng đến khám vì chứng tiểu dầm. Đây là số ít những bệnh nhân dũng cảm đi khám sớm còn thực tế có những người đã hơn 30 năm mặc bỉm quanh năm, khiến phần da quanh bộ phận sinh dục bị viêm nhiễm phải điều trị da liễu thường xuyên.
Bệnh có thể chữa được
BS Đỗ Đào Vũ cho biết, khi trưởng thành, cơ thể có cơ chế tự điều tiết nước tiểu ít về đêm để không phải đi tiểu nhiều lần mà chỉ tiểu 1 lần vào buổi sáng.
Tuy nhiên với những bệnh nhân mắc bệnh lý tiểu dầm, lượng nước tiểu lại được bài tiết nhiều về đêm. Nhưng do bệnh nhân ngủ say, nên khi não bộ báo nước tiểu đầy bệnh nhân vẫn không tự thức tỉnh được mà hay mơ đã ra nhà vệ sinh hoặc bụi chuối. Chỉ đến khi tè dầm rồi mới thức giấc.
Anh Đ. đang được BS Đỗ Đào Vũ dặn dò trước khi ra về. Ảnh: T.Hạnh |
Tiểu dầm ban đêm (Nocturnal enuresis) có thể xảy ra ở đủ lứa tuổi trưởng thành với rất nhiều nguyên nhân. Với người khỏe mạnh, có thể tiểu dầm đa niệu nguyên phát do cơ thể không sản xuất đủ nội tiết tố kháng lợi niệu (AntiDiuretic Hormone) hoặc do các bệnh lý về bàng quang như: Bàng quang tăng hoạt nguyên phát, rối loạn chức năng bàng quang, do một số bệnh lý thần kinh gây ra như bệnh nứt đốt sống, tổn thương tủy sống, động kinh….
Ngoài ra có thể do nhiễm trùng đường tiểu, do rối loạn thần kinh, do stress, mất ngủ hoặc do lạm dụng tình dục...
Tùy từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ được tư vấn, chỉ định thăm dò niệu động học để tìm nguyên nhân. Theo bác sĩ Vũ, việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân là quan trọng nhất, từ đó có những chỉ định và phác đồ điều trị phù hợp
Các phương pháp chữa trị chính hiện nay là điều chỉnh hành vi, lối sống, sử dụng phương pháp điều trị vật lí kết hợp dùng thuốc. Thường sau khoảng 1 tháng điều trị kiên trì, chứng tiểu dầm sẽ giảm dần.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Thúy Hạnh