Kỳ nam và trầm hương là 2 sản vật đặc biệt quý hiếm được thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Trong 2 loại này, kỳ nam có giá trị kinh tế rất lớn, thời điểm hiện tại mỗi ký loại hảo hạng có giá hơn 10 tỷ đồng. Vì giá trị cao nên có rất nhiều người dân ở tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là các xã Đại Quang, Đại Nghĩa, Đại Đồng (huyện Đại Lộc) ngày đêm khăn gói vào rừng tìm kỳ - trầm với hy vọng đổi đời.
Đã có người may mắn tìm được kỳ nam, một bước "lên tiên", tậu được nhà lầu, xe hơi kèm theo tiền tỷ gửi ngân hàng. Nhưng cũng có không ít người liên tục gặp vận hạn, nợ nần chồng chất, thậm chí bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc. Trong loạt bài viết này, chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống của những phu trầm với những câu chuyện của chính người trong cuộc.
Tháng 9-2012, hàng trăm người từ khắp nơi đổ về rừng Gộp Ngà (xã Sơn Trung, Khánh Sơn, Khánh Hòa) để tìm kiếm vận may, khi biết tin có nhiều người trúng tiền tỷ vì tìm được kỳ nam. Sự kiện này thu hút quan tâm của người dân cả nước, tuy nhiên câu hỏi đặt ra, ai là người đầu tiên phát hiện ra địa điểm có kỳ nam và họ đã kiếm được bao nhiêu tỷ đồng vẫn còn là ẩn số. Mãi đến tận tháng 5-2014, những bí mật đó mới dần hé lộ từ phản ánh của người trong cuộc.
Hàng trăm phu trầm vào rừng Gộp Ngà, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đào tìm kỳ nam |
Chúng tôi về thôn An Định (xã Đại Đồng), ngôi làng từ lâu nổi tiếng tìm trầm của huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Nhiều ngôi biệt thự mọc lên giữa vùng nông quê, minh chứng về sự đổi đời mà trầm kỳ mang lại cho người dân nơi đây. Bây giờ người dân nơi đây đang bàn tán xôn xao chuyện một người của làng kiếm được cả nghìn tỷ đồng trong rừng Gộp Ngà (tỉnh Khánh Hòa) vào năm 2012, nhưng lại không chia phần cho những phu trầm khác.
Ngồi trước sân nhà, anh Võ Hai (trú thôn An Định), một trong những người đầu tiên phát hiện ra địa điểm có kỳ nam ở núi Gộp Ngà tiếc rẻ về số tiền tỷ đáng lẽ mình cũng có phần. Anh bức xúc: "Cùng phát hiện ra chỗ có kỳ nam, nhưng sau nó lén đi làm, kiếm được cả nghìn tỷ. Hỏi sao chúng tôi không bức xúc".
Theo anh Hai kể, tháng 5-2012, anh cùng 5 người là ông Nguyễn Nhuấn, Võ Thịnh, Nguyên Xuân Hoàng, Nguyễn Xuân Huy, Đầu Hát Em (cùng trú thôn An Định) góp tiền, khăn gói vào rừng ở Khánh Hòa tìm trầm. Trước đó, cả nhóm đã có những chuyến đi khác nhưng không có kết quả, chính vì vậy mà họ đặt nhiều kỳ vọng vào lần này.
Võ Hai kể: "Vào rừng Khánh Sơn, sau 3 ngày đi bộ, chúng tôi đóng trại và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Theo đó, kế hoạch cả nhóm đưa ra là 4 thủ, 2 dương - nghĩa là 4 người gồm tôi, ông Nhuấn, anh Thịnh và Em đi đào mót lại những gốc dó mà người khác đã đào, Huy và Hoàng đi tìm gốc trầm hoặc kỳ nam mới. Qua gần 20 ngày, cả nhóm chẳng tìm được gì. Những ngày sau đó, khi đến ngọn đồi khác, Hoàng bất ngờ tìm được một cục kỳ nam. Cả nhóm mừng quá, lập tức rời khỏi rừng để trở về quê".
P.V Báo Công an TP Đà Nẵng phỏng vấn các phu trầm huyện Đại Lộc về chuyện trúng kỳ nam tại rừng Gộp Ngà |
Cục kỳ nam mà nhóm anh Hai phát hiện có trọng lượng hơn 1kg và họ bán cho đầu nậu Tý Khá ở Khánh Hòa được hơn 7 tỷ đồng, chia đều mỗi người được 960 triệu đồng, riêng Hoàng được chia nhiều hơn vì có công phát hiện. Bỗng chốc có gần cả tỷ đồng trong tay nên những người nông dân không khỏi vui mừng, tuy vậy họ vẫn giữ kín thông tin chuyện mình trúng kỳ nam. Họ hẹn nhau sẽ tiếp tục vào địa điểm cũ để tìm kỳ nam, vì biết chắc rằng vẫn còn kỳ nam nơi Hoàng phát hiện.
Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như thế, người thôn An Định kể rằng, Hoàng đã âm thầm rủ những người khác trở lại núi Gộp Ngà để lượm số kỳ nam còn lại. "Hoàng xuống xã Đại Nghĩa dẫn theo nhiều người khác vào địa điểm cũ và đào được rất nhiều kỳ nam. Vì đây là cây gió mục bị ngã, chôn dưới đất lâu năm nên nhóm đó cứ lần theo mà lượm kỳ nam. Nghe kể họ thu được cả trăm ký kỳ nam, riêng cái đe (gốc kỳ nam) đã hơn 30kg. Nhóm đó đi có 8 người và sau khi bán số kỳ nam, mỗi người được chia hàng trăm tỷ đồng. Hàng nghìn người vào lại núi Gộp Ngà sau này chỉ là mót lại, còn bao nhiêu nhóm của Hoàng lượm hết rồi " - anh Hai nói.
Sau khi địa điểm có kỳ nam ở núi Gộp Ngà được tiết lộ, hàng trăm người đã đổ xô vào đây và nhiều người đã kiếm được vài chục tỷ đồng nhờ mót sái. Nếu vậy thì số tiền mà nhóm đi sau của Hoàng kiếm được là không tưởng tượng hết. Thế nhưng Hoàng lại không chia phần cho những người đi cùng nhóm trước. Theo quy ước bất thành văn của dân đi điệu thì cả nhóm phải đồng cam cộng khổ. Nếu tìm được trầm, kỳ thì phải chia đều cho mọi người trong nhóm, người trực tiếp phát hiện sẽ được chia nhiều hơn.
Sau này, dù không đi nhưng những người trong nhóm phát hiện địa điểm có trầm, kỳ vẫn được chia phần. Ông Nhuấn nói: "Khi Hoàng phát hiện ra cục kỳ nam đầu tiên, vì quá mừng và tin tưởng nên chúng tôi không hỏi địa điểm cụ thể. Nếu là người khác sẽ bắt Hoàng dẫn đến tận nơi chỉ chỗ có trầm. Ai ngờ chỗ xóm làng với nhau mà Hoàng lại làm rứa. Sau này chúng tôi hỏi thì mấy người đi cùng chuyến sau với Hoàng nói rằng đã chia cho 4 người đi trước, mỗi người được 13,5 tỷ đồng, nhưng chỉ hai người là Huy và Em (người thân của Hoàng) nhận được số tiền đó, còn tôi, anh Võ Hai và Võ Thịnh chẳng được đồng nào. Như thế thật không công bằng".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, quả thật sau chuyến trúng kỳ nam ở núi Gộp Ngà, nhóm tìm trầm sau của Hoàng giàu lên nhanh chóng, khắp các vùng quê Đại Lộc ai cũng biết tiếng. Họ mua ô-tô xịn, xây biệt thự, có mức sống khác xa so với vùng quê thuần nông Đại Lộc. Nhiều người đồn rằng, nếu ở đâu có bán trực thăng họ cũng có đủ tiền để mua. Chính điều đó càng khiến cho những người như ông Nhuấn, anh Hai, Thịnh ấm ức. Từ sự ăn chia không đều của nhóm phu trầm ở thôn An Định, đến bây giờ câu chuyện về những người đầu tiên phát hiện kỳ nam ở núi Gộp Ngà mới được biết đến, với những tình tiết ly kỳ.
Làng An Định, nơi các phu trầm đầu tiên phát hiện ra kỳ nam tại Khánh Hòa |
Trở lại câu chuyện về cây kỳ trầm nghìn tỷ ở Khánh Hòa. Thật ra, năm 2012, thông tin nhóm phu trầm làng An Định kiếm được trăm tỷ đồng từ kỳ nam đã được bàn tán xôn xao. Tuy nhiên, khi đó chúng tôi hỏi chuyện thì cả anh Võ Hai hay ông Nguyễn Nhuấn một mực lắc đầu nói không biết. Nhưng đến giờ, khi mình không được chia phần, họ mới tiết lộ, kể cả chuyện giang hồ ra mặt đòi quyền lợi cho họ.
Thời điểm đó trên địa bàn Đại Lộc tình hình ANTT rất phức tạp, bởi có nhiều nhóm giang hồ đến xin đểu các phu trầm, mỗi lần như thế người trúng kỳ nam phải bỏ ra vài triệu đồng để được yên thân. Đó là lý do mà những phu trầm ở Đại Lộc rất kín tiếng mỗi khi được lộc rừng, thường cửa đóng then cài hoặc đến địa phương khác lánh nạn một thời gian. Tuy nhiên, các nhóm giang hồ vẫn đánh hơi được và gây sức ép để lấy tiền. Anh Hai kể, trong chuyến đi đầu tiên, khi được chia gần 1 tỷ đồng, mỗi người trong nhóm đã trích 5 triệu đồng để mua sự bình yên vì bị giang hồ uy hiếp.
Nhưng đó chỉ là phần mở đầu cho câu chuyện ăn chặn tiền của phu trầm. Khi biết tin của nhóm người đi sau do Hoàng dẫn đầu kiếm được cả trăm tỷ đồng từ rừng Gộp Ngà (Khánh Sơn - Khánh Hòa), nhiều nhóm giang hồ về đây xin đểu hoặc làm bảo kê. Để gây sức ép, các nhóm này thường tìm đến nhà người trúng trầm vào ban đêm, tổ chức ăn nhậu hoặc chạy xe ầm ĩ trong làng. Đã có trường hợp chúng ném bom xăng vào nhà người dân để uy hiếp. Trong đó, nhóm do Thái Salem - một dân anh chị có tiếng ở Đại Lộc là hoạt động mạnh nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thái Salem đã lân la hỏi chuyện và biết nhóm ông Nhuấn không được chia tiền nên nói giọng nhân nghĩa: “Tôi sẽ đòi công bằng cho các anh”. Từ cái cớ đó, nhóm của Thái Salem liên tục gây sức ép để Hoàng phải đưa tiền. Nhà của Hoàng nằm trong một con kiệt nhỏ ở thôn An Định (xã Đại Đồng), thế nên Thái Salem đã cho dựng một túp lều án phía trước kiệt, hằng ngày cho đàn em đến đó ăn nhậu.
Trước những uy hiếp của nhóm Thái Salem, Hoàng đã buộc phải chia tiền cho những người trong nhóm phát hiện có kỳ nam ở rừng Gộp Ngà. Trong giấy chia tiền được ghi vào ngày 3-11-2012, Hoàng viết rõ: “Chúng tôi cùng đi núi với nhau, cùng có chút lộc, sau đó anh em cùng về nhà. Sau này tôi đi lại chỗ cũ tìm kỳ nam nhưng không nói với anh em, tôi thấy việc tôi làm là không đúng. Nay tôi chia lại cho 3 anh Nhuấn, Hai và Thịnh số tiền 7 tỷ đồng”.
Gia đình ông Nhuấn, anh Hai, anh Thịnh rất vui khi nhận được số tiền đó vì chẳng nghĩ Hoàng sẽ chia phần cho mình, nhưng mà niềm vui đó chẳng kéo dài lâu khi mà nhóm của Thái Salem đã ăn chặn 4 tỷ đồng. Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nhuấn viết: “Sau khi nhận được 7 tỷ đồng, chúng tôi bị giang hồ đưa dao vào cổ lấy 4 tỷ đồng, chỉ còn lại 3 tỷ đồng chia nhau”.
Hỏi sao lúc đó không báo sự việc với lực lượng CA, anh Võ Hai nói: “Chúng tôi không nghĩ sẽ được chia phần nên nhận được 3 tỷ đồng cũng vui rồi. Với lại không có họ (nhóm Thái Salem) thì chưa chắc tôi nhận được số tiền đó”. Với suy nghĩ đó nên ông Nhuấn, anh Hai và anh Thịnh đã không tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhóm Thái Salem. Khi CAH Đại Lộc nắm được thông tin, tiến hành điều tra đã gặp nhiều khó khăn.
Phải mất nhiều thời gian CAH Đại Lộc mới ổn định được tình hình ANTT khi các nhóm giang hồ về đây xin đểu phu trầm. Đã có trường hợp các đối tượng này chống trả và uy hiếp lực lượng CA và Xã đội. Điển hình là vụ đối tượng Lê Ngọc Tuấn (trú thôn Hà Nha, xã Đại Đồng) đã xông vào trụ sở UBND xã Đại Đồng để hành hung xã đội trưởng vì ngăn nhóm của y xin tiền của các phu trầm. Sở dĩ những đối tượng này liều lĩnh như vậy cũng bởi chúng muốn kiếm chút lộc từ số tiền trăm tỷ đồng mà các phu trầm sở hữu. Vào năm 2012, khi hay tin Hoàng biết địa điểm có kỳ nam ở núi Gộp Ngà (Khánh Hòa), nhóm của Nguyễn Văn Quý (có biệt danh là Quý năm ghe, trú xã Đại Đồng) và đàn em là Nguyễn Văn Nhựt đã tìm đến nhà Hoàng.
Đơn khiếu nại, tố cáo hành vi ăn chặn tiền của băng giang hồ của các phu trầm huyện Đại Lộc |
Tuy nhiên, không như những nhóm khác, Quý không xin tiền mà chỉ yêu cầu Hoàng dẫn mình vào núi Gộp Ngà để mót sái. Biết Quý thuộc loại có số má nên anh Hoàng chẳng dám từ chối nhưng cũng chẳng dại tiết lộ kho báu thế nên ỡm ờ cho qua chuyện. Nhưng rồi bị nhóm Quý uy hiếp liên tục nên anh Hoàng đã định ra một ngày để dẫn Quý đến núi Gộp Ngà. Hí hửng với viễn cảnh chuẩn bị kiếm được tiền tỷ trong tay, nhóm của Quý về đóng gói đồ đạc, chuẩn bị lên đường.
Tuy nhiên đến ngày đó, Hoàng lại đổi ý không đi nữa và nhờ Võ Văn Lộc (trú xã Đại Nghĩa) - một đối tượng có số má khác đứng ra bảo kê. Bực tức, Quý và Nhựt tìm Hoàng để hỏi vì sao không dẫn đi thì đụng độ với Lộc. Hai bên cự cãi với nhau một lúc thì Quý và Nhựt hợp sức đánh và chém Lộc bị thương tích 18%. Vụ việc sau đó đã được CAH Đại Lộc điều tra làm rõ, Quý và Nhựt bị tòa tuyên mỗi bị cáo 15 tháng tù.
Cũng vì câu chuyện này mà Hoàng đã âm thầm rời khỏi thôn An Định, không tiếp tục cùng ông Nhuấn, Hai, Em, Thịnh, Huy đi vào chỗ cũ tìm kỳ nam mặc dù cả nhóm đã định được ngày tốt lên đường. Bà Thanh (vợ ông Nguyễn Nhuấn) bức xúc cho biết: “Do xảy ra việc đánh nhau gây thương tích nên Hoàng không về nhà ở làng An Định và kế hoạch lên đường của cả nhóm cũng bị hoãn.
Thấy vậy tôi có nói với chồng là coi chừng thằng Hoàng nó âm thầm đi một mình là hỏng việc nhưng mọi người không tin. Bởi thời điểm này, thằng Huy là em ruột Hoàng và thằng Em là bà con thân thích của Hoàng cũng đang ở nhà. Mọi người cứ đinh ninh khi vụ việc lắng xuống sẽ tiếp tục đi vào chỗ cũ tìm kỳ nam, nào ngờ Hoàng đã âm thầm ra tay một mình”.
Không chỉ làng An Định, trước đó (tháng 6-2011), làng Nghĩa Tây (xã Đại Nghĩa, H. Đại Lộc) trúng kỳ nam được hàng trăm tỷ đồng, nhiều nhóm giang hồ đến quấy rối để xin đểu. Hầu như ngày nào cũng có cả chục nhóm giang hồ tứ xứ, nhiều tên xăm trổ đầy mình, đến xin tiền mà không cho thì hăm dọa phá nhà cửa hoặc bắt cóc con cái. Các nhóm này chỉ giải tán khi CAH Đại Lộc xuất hiện, bắn 2 phát súng chỉ thiên cảnh cáo. Những câu chuyện như vậy không phải là lần đầu xảy ra, mỗi khi các làng trầm hương ở Đại Lộc rộ lên tin có người trúng trầm. Sự nhúng tay của các nhóm xin đểu, bảo kê càng khiến công việc những phu trầm khó khăn, nguy hiểm hơn.
Theo Công an Đà Nẵng