- “Con xin mẹ tha tội cho con, xin các con tha thứ cho mẹ. Mẹ ơi, cứu con đi mẹ ơi…” - trong phần nói lời sau cùng, bị cáo Dư Kim Liên (45 tuổi, vợ Trung tá CSGT) mếu máo với người thân.

 

Các tin liên quan

Tử hình vợ trung tá CSGT đầu độc chồng

Vì sao vợ trung tá cảnh sát hạ độc chồng?

Vợ trung tá CSGT giết chồng tàn ác thế nào?

Nợ nần chồng chất

Trong phần thẩm vấn, bằng giọng nói nhỏ nhẹ, bị cáo Liên cho biết, mình và Trung tá Chuyên kết hôn năm 1988. Quá trình chung sống, xuất thân từ gia đình nghèo, không nghề nghiệp nên hàng ngày Liên chỉ làm nội trợ, sống dựa vào chồng.

Liên khai cha mẹ mình thường xuyên đau ốm, dù người chồng có lo cho tiền thuốc men chăm sóc nhưng Liên vẫn phải vay mượn bên ngoài. Từ đó, người đàn bà lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn.

{keywords}
Bị cáo Dư Kim Liên đứng nghe tòa tuyên án

Tuy nhiên, khi chủ nợ đòi khoản tiền 1,3 tỷ đồng thì Liên không có khả năng chi trả, nói với chồng thì anh làm ngơ, mắng chửi, dọa ly hôn, thậm chí còn dọa sẽ cho xã hội đen đánh. Có lúc, anh đi làm khóa trái cửa nhốt vợ trong nhà, bị cáo gọi điện hỏi chồng thì anh bảo “tao không cầm chìa khóa”.

Thế nhưng lời khai của người đàn bà nhanh chóng bị bác bỏ. Vị chủ tọa phân tích, bị cáo khai mắc nợ đầu năm 2010 nhưng trước đó, chồng bị cáo đã trả hết các khoản nợ cho bị cáo rất nhiều lần, vậy mà sau năm 2010 bị cáo lại mắc nợ tiếp?

“Bị cáo khai mắc nợ do chữa bệnh cho cha mẹ nhưng cha bị cáo mất năm 2004, mẹ bị cáo mất từ năm 1996, làm sao có thể nói mắc nợ là để lo cho cha mẹ? Là người vợ, bị cáo không lo thu vén cho gia đình mà mải ăn chơi, tiêu xài cá nhân dẫn đến nợ nần, anh Chuyên là chồng la mắng bị cáo cũng là chuyện thường, sao bị cáo có thể vạch ra kế hoạch giết chồng tàn độc như vậy?”.

Lúc này, Liên cúi đầu im lặng. Vị thẩm phán hỏi Liên đã tiêm thuốc ngủ và thuốc độc vào chồng tổng cộng bao nhiêu mũi? Liên thừa nhận do tiêm quá nhiều nên bị cáo không nhớ. Sau hơn 3 ngày vật vã, nạn nhân mới tử vong.

Thế nhưng, sau khi nạn nhân chết, cơ quan chức năng vào cuộc, Liên lại giả bộ xót xa, tình nghĩa, nói rằng gia đình quyết không cho khám nghiệm tử thi. Thực ra, Liên sợ hành vi tàn độc của mình bị phát giác.

Lời xin lỗi muộn màng

Theo cáo trạng, bị chủ nợ thúc ép, Liên nảy sinh ý định giết chồng để toàn quyền thế chấp căn nhà lấy tiền trả nợ. Thế nhưng khi được hỏi về lý do giết chồng, câu trả lời của Liên khiến những người có mặt tại tòa càng thêm bức xúc.

Chủ tọa hỏi: “Bị cáo khai bị áp lực của chủ nợ dẫn đến ý nghĩ giết chồng nhưng nếu giết anh Chuyên xong, bị cáo tính thế nào để có tiền trả nợ?” - “Dạ, bị cáo năn nỉ hoài nhưng chủ nợ không cho khất nợ, bị cáo nghĩ nếu chồng chết bị cáo sẽ có lý do để năn nỉ người ta cho bị cáo nợ thêm thời gian nữa”.

{keywords}
Mẹ chồng bị cáo kiên quyết: “Nó đã hành hạ con tôi. Qua cái chết vật vã, đau đớn của con tôi, tôi không có ý kiến gì”.

Sao bị cáo có thể nói rằng giết chồng để có lý do khất nợ? Vậy nếu người ta không cho thì sao? Bị cáo định lấy mạng chồng để trừ nợ ư?” – “Dạ, không”, Liên cúi mặt trả lời.

Được mời lên thẩm vấn, mẹ chồng Liên còn nguyên bức xúc. Bà cho biết khi hay tin con chết dù mọi người chưa nói nguyên nhân nhưng bà đã ngờ ngợ ra sự thật. Có điều, bà không ngờ con dâu mình ra tay tàn độc quá. Bà không yêu cầu bồi thường gì, chỉ đề nghị tòa xử nghiêm con dâu theo pháp luật.

Lặng lẽ ngồi theo dõi phiên tòa bên bà nội, hai con trai của Liên chẳng biết nói gì trước những lời khai của mẹ. Họ chỉ xin tòa xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Phát biểu quan điểm về vụ án, vị đại diện VKS nhận định việc Liên dùng nhiều loại thuốc độc đổ vào miệng, chích vào người nạn nhân khiến nạn nhân vật vã suốt 3 ngày liền là hành vi đặc biệt dã man, thể hiện quyết tâm phạm tội đến cùng của bị cáo.

Từ đó, VKS đề nghị tuyên phạt Liên mức án tử hình. Những tiếng vỗ tay của người dự khán vang lên rầm rập, vị chủ tọa nhiều lần phải dừng lại để nhắc nhở ổn định trật tự phiên tòa.

Được nói lời sau cùng, Liên mếu máo: “Con xin mẹ tha tội cho con, xin các con tha thứ cho mẹ. Mẹ ơi, cứu con đi mẹ ơi…”. Thế nhưng, những lời xin lỗi quá muộn màng của người đàn bà không được mẹ chồng chấp nhận. Bà cụ bước lên nói trong khổ đau và kiên quyết: “Nó đã hành hạ con tôi. Qua cái chết vật vã, đau đớn của con tôi, tôi không có ý kiến gì”.

Cuối cùng, HĐXX tuyên phạt Dư Kim Liên mức án tử hình về tội “giết người”. Liên lặng lẽ tra tay vào còng lên xe về trại. Dù không tha thứ cho con dâu nhưng người mẹ già ôm mặt khóc, những người thân phải dìu bước ra về.

• Mai Phượng