- Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam – ông Phạm Xuân Quang cho rằng việc cháu Thảo Oanh bị voi quật chết ở Lào Cai là… sự cố bất khả kháng. Ông Quang cũng đã thừa nhận những thiếu sót của nhân viên đoàn xiếc trong sự việc đau lòng này.

Voi xiếc bị 'chọc' trước khi quật chết người
Thấy nhiều bạn ném cỏ, ngọn mía, thậm chí cả bánh mì cho voi ăn ngon lành, Thảo Oanh cũng lấy một nắm cỏ giơ ra, bất ngờ bị con voi dùng vòi cuốn chặt cả cánh tay quay mạnh, hất tung lên, sau đó dùng chân dẫm lên người...
 
Voi đoàn xiếc quật chết học sinh ở Lào Cai
Vào khuôn viên của hội trường, nơi đang xích con voi của đoàn xiếc, để cho voi ăn ngọn mía, bất ngờ em Oanh bị voi dùng vòi cuốn Oanh, nhấc lên cao và quật xuống, chết tại chỗ.


Sự cố bất khả kháng?

Chiều ngày 17/10, PV VietNamNet đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên đoàn xiếc Việt Nam liên quan đến sự việc cháu Thảo Oanh ở Lào Cai bị voi của Đoàn xiếc dẫm chết.

Ông Phạm Xuân Quang – Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam
Ông Phạm Xuân Quang – Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam khẳng định đây là lần đầu tiên, đoàn xiếc gặp phải một sự cố đáng tiếc như thế này. Ông Quang cũng thừa nhận, lúc xảy ra tai nạn, 2 bảo vệ của Đoàn xiếc đã không có mặt tại nơi nhốt voi.

- Thưa ông, việc voi của đoàn xiếc dẫm chết một học sinh ở Lào Cai có phải là sự cố lần đầu trong quá trình biểu diễn xiếc thú của Liên đoàn xiếc hay không?

Ngay sau khi sự việc đau lòng xảy ra, anh em ở Lào Cai đã gọi điện ngay cho tôi. Thú thật mà nói, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua hơn 50 năm tiến hành lưu diễn, đây là lần đầu tiên chúng tôi để xảy ra sự cố đau lòng này.

Có thể nói, đây là sự cố hy hữu, bất khả kháng, không ai có thể lường trước được. Dù nói gì thì nói, mặc dù đã được huấn luyện và thuần phục, nhưng voi vẫn là loài vật. Vậy nên, đôi khi “thú tính” nó trỗi dậy, không ai có thể lường trước được.

- Lúc xảy ra sự việc, nhân viên của đoàn xiếc đang ở đâu? Người dân nơi đây cho hay: Lúc đó, không có bóng dáng của bảo vệ. Nếu có, sự việc đáng tiếc này đã không xảy ra.

Khi nghe thông tin này, tôi đã yêu cầu nhân viên báo cáo lại toàn bộ sự việc. Theo báo cáo, khi đó, diễn viên biểu diễn là Trần Văn Giang đang ở trong khách sạn. Việc trông coi voi được giao cho 2 người bảo vệ là Vũ Văn Thùy (SN 1988) và Nguyễn Công Vinh (SN 1987).

Voi được canh giữ cẩn thận tại Liên đoàn Xiếc VN

Cả 2 người này đều là nhân viên của Liên đoàn xiếc. Vinh làm việc tại đoàn được 7 tháng còn Thùy thì đã làm được 2 năm.

Lúc sự việc xảy ra, Vinh đang đi ra ngoài. Việc trông thú được giao cho Vũ Văn Thùy. Tuy nhiên, khi đó, Thùy lại đi vệ sinh nên không biết được việc người dân chạy vào đùa với voi. Nếu như anh ấy có mặt, có thể sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra.

Theo quy định của đoàn, người canh giữ voi phải túc trực 24/24, không được vắng mặt để đảm bảo an toàn cho người dân. 2 nguời này có nhiệm vụ chăm sóc, vệ sinh cho voi, bảo vệ không cho người ngoài đến gần.

- Như vậy, để xảy ra việc này là do nhân viên của Đoàn xiếc đã không làm tròn trách nhiệm của mình?

Tất nhiên là có lỗi ở nhân viên canh giữ voi, nhưng không phải là hoàn toàn là tất cả. Thực ra, chúng tôi đã chọn một địa điểm khá an toàn – trong khuôn viên UBND TP Lào Cai để nhốt voi.

Con voi biểu diễn được xích chân vào một móc sắt ghìm xuống nền sân bê tông; xung quanh có hàng rào sắt bảo vệ chắc chắn; phía sân nhốt voi chỉ có chiếc dây thừng căng ngang để ngăn không cho người tiếp cận.

Tuy nhiên, do người dân hiếu kỳ nên đã trèo qua cả hàng rào bảo vệ để vào đùa với voi. Lúc đó, có thế voi tức giận nên mới dùng voi cuốn cháu Oanh vào, khiến cháu bé tử nạn.

Bình thuờng, con voi này rất hiền, chưa bao giờ có biểu hiện hung hãn nào. Có thể là do thời tiết thay đổi, cũng có thể là do một số người trộn củ ráy, ớt cay vào cỏ khiến nó nổi giận.

Cũng có thể khẳng định, nếu như lúc đó nhân viên bảo vệ có mặt thì chưa chắc sự cố này đã xảy ra. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lại ý thức của người xem. Chúng tôi chỉ có 2 người bảo vệ, ngăn chặn chỗ này thì người dân lại trèo vào chỗ khác để đùa với voi.

Sẽ xử lý nhân viên

- Như ông nói, để xảy ra sự việc này, có lỗi của nhân viên đoàn xiếc. Vậy, sắp tới, Liên đoàn sẽ có hình thức xử lý như thế nào đối với cán bộ của mình. Là lãnh đạo, ông nghĩ thế nào về mức độ an toàn của biểu diễn xiếc thú?

Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, ngay tối ngày 16/10, Đoàn xiếc đã hủy buổi diễn dù đã bán vé, trả lại tiền vé cho người xem; cử cán bộ làm việc với cơ quan chức năng và đến chia buồn với gia đình nạn nhân.

Trước đó, những người liên quan đến vụ việc đã đến công an phường để làm việc.

Trước mắt, sáng 17/10, đoàn xiếc đã đến gia đình nạn nhân để chia buồn và hỗ trợ tạm thời cho gia đình 10 triệu đồng. Chiều 17/10, anh em trong đoàn đã gặp mặt gia đình để mong gia đình thông cảm và tha thứ cho sự cố chẳng may này; ngoài ra sẽ hỗ trợ thêm một phần vật chất cho gia đình cháu Oanh.

'Dù biết rằng nghề này không tránh được rủi ro nhưng chúng tôi phải cần xem xét hơn nữa về mức độ an toàn'.

Sau khi đoàn có mặt ở Hà Nội, chúng tôi sẽ tiến hành họp và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ của mình.

Về độ an toàn, thú thật là nghề này không có gì là tuyệt đối cả. Ngay cả những người nuôi dạy thú đôi khi còn bị thú tấn công lại.

Nếu là buổi biểu diễn ở Hà Nội, ngoài những hàng rào bảo vệ, chúng tôi lắp thêm đường điện một chiều để ngăn không cho voi thoát ra ngoài. Khi biểu diễn, thông thường 1 con voi phải có 7 người trông giữ.

Tuy nhiên, những khi đi biểu diễn xa, số người canh chừng voi chỉ từ 4-5 người. Theo quy định, phải có người túc trực 24/24 bên voi để canh chừng.

- Liệu, phía ngành có rút ra bài học kinh nghiệm gì sau sự cố này không? Dù rằng, để có được bài học kinh nghiệm, chúng ta đã đổi bằng cái giá quá đắt: mạng sống của một em học sinh.

Dù biết rằng nghề này không tránh được rủi ro nhưng chúng tôi phải cần xem xét hơn nữa về mức độ an toàn. Chúng tôi sẽ quán triệt nhân viên canh giữ voi phải sát sao hơn nữa; không được bỏ vị trí của mình dù với bất cứ giá nào.

Một ca trực, bắt buộc phải có 2 người. Nếu một người đi thì phải có một người túc trực ở lại.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Sang (thực hiện)