Cách đây 3 năm, VPBank còn là một cái tên xa lạ với người yêu nghệ thuật. Nhưng tới nay, với sự đầu tư có trọng tâm cùng với ê-kíp "thiện chiến", VPBank trở thành một thương hiệu về làm văn hóa ở Việt Nam.
Chia sẻ của ông Trần Tuấn Việt - Giám đốc Truyền thông và Tiếp thị VPBank - 1 trong những người đứng sau những chương trình ấn tượng của VPBank như đêm nhạc của danh cầm Richard Clayderman (2014), huyền thoại saxophone Kenny G cùng ban nhạc (2015) ..., mới đây nhất là đêm Paris Ballet par VPBank.
Biết ơn khán giả
- Vậy là đêm Paris Ballet par VPBank cũng đã diễn ra có thể nói là thành công. Cảm xúc của anh bây giờ như thế nào?
Lúc này với tư cách 1 khán giả, tôi vẫn đang ngây ngất khi được tận mắt, tận tai chứng kiến sự hòa hợp giữa những giai điệu bất hủ của Tchaikovsky, Chopin, Bizet… được chơi trực tiếp bởi dàn nhạc giao hưởng làm nền cho vũ đạo trác tuyệt của các vũ công hàng đầu thế giới.
Những vũ điệu mê hoặc trong Paris Ballet par VPBank |
Ở tư cách của trưởng ban tổ chức (BTC) thì tôi cảm thấy biết ơn khán giả. Chính sự đón nhận hào hứng của họ với loại hình nghệ thuật rất cao cấp và cũng còn rất mới với số đông người Việt Nam khiến VPBank thêm tự tin đầu tư cho các chương trình sắp tới.
- Việc đưa một đoàn nghệ sĩ ballet hàng đầu thế giới về Việt Nam sẽ không thể giống với việc đưa một nghệ sĩ dương cầm như Richard Clayderman hay Kenny G về Việt Nam. Anh có thể chia sẻ thêm về những điều kiện và đặc biệt là thách thức mà đơn vị tổ chức đã phải đối mặt và vượt qua?
Những ngôi sao như Clayderman và Kenny G tuy có yêu cầu cao nhưng chỉ tập trung vào thiết bị âm thanh, ánh sáng. Nhưng với ballet thì chúng tôi có một thách thức cam go là phải tái hiện ngay tại Hà Nội một không gian của nhà hát Opera Paris theo đúng chuẩn ballet cổ điển, một công việc mà ở Việt Nam không có chuyên gia, nên tiền cũng không giải quyết được. Vì vậy BTC đã phải mời chuyên gia sân khấu Pháp sang làm việc nhiều tháng trước sự kiện. Riêng sàn sân khấu được gia cố 2 lớp gỗ, 1 lớp mùn cưa và 1 lớp thảm nhập từ Pháp dành riêng cho sự kiện này.
Ngoài ra, việc ghép nhạc giao hưởng với vũ đạo ngốn rất nhiều công sức của các nhạc công, vũ công vì chỉ cần chơi nhạc sai tốc độ một vài phần trăm là vũ công không thể múa được. Giám đốc nghệ thuật của Paris Ballet đã làm việc vài tháng với nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO). Riêng 2 ngày trước đêm diễn, các nhạc công và vũ công phải làm việc với nhau đến 11h đêm để khớp nhạc.
Với vai trò đơn vị tổ chức, chúng tôi luôn phải đồng hành để đảm bảo xử lý ngay được những yêu cầu dù là nhỏ nhất.
- Anh có thể chia sẻ một con số dù là tương đối về chi phí cho sự kiện này?
Do quy định hợp đồng với công ty tổ chức biểu diễn phía Pháp nên chúng tôi không thể tiết lộ chính xác con số nhưng có thể nói nó lên tới 10 chữ số tiền Việt.
- Trong buổi họp báo ra mắt chương trình, bản thân anh cũng thừa nhận ê-kíp sản xuất phía Việt Nam không ai quá rành về ballet. Vậy thực sự điều gì đã thôi thúc và khiến các anh quyết tâm “đánh canh bạc lớn” này?
Trước tiên, đó là do ‘gen’ của VPBank. Chúng tôi khao khát vươn lên vị trí số 1 vì vậy luôn muốn làm những điều người khác chưa làm hoặc chưa dám làm, kể cả trong kinh doanh hay thương hiệu.
Thứ hai là dựa vào cảm nhận của chúng tôi về sự chuyển mình của xã hội. Tầng lớp trung lưu ngày càng đông và họ đang nâng cấp mong muốn “ăn no mặc ấm” sang mong muốn “ăn ngon mặc đẹp”. Họ được ăn học và có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật, dù là một loại hình nghệ thuật mà với họ còn mới mẻ.
Thương hiệu thường xuyên đổi mới
- Từ những nghệ sĩ vẫn có thể nói là phù hợp khán giả đại chúng chuyển sang ballet, một môn nghệ thuật cao cấp. VPBank muốn định vị cách làm văn hóa và các tiêu chí nhận diện của mình là gì?
Chọn “Nhất quán” hay chọn “Mới lạ”, đây là câu hỏi mà 1 chuyên gia xây dựng thương hiệu phải giải quyết. Nhất quán lâu ngày thì sinh nhàm chán, nhưng nếu thường xuyên mới lạ, cũng có thể gây bối rối về định vị thương hiệu.
Để dung hòa được giữa những yêu cầu này, thông điệp thương hiệu của VPBank là một ngân hàng đi đầu, thường xuyên đổi mới, qua các sự kiện văn hóa hàng đầu và không lặp lại.
- Trong chương trình năm nay VPBank không còn “độc đạo” mà có sự đồng hành của các thương hiệu cao cấp. Các anh chủ động lôi kéo “đồng minh” như một chiến lược cho đường dài hay họ bắt đầu chủ động tìm đến các anh để xây dựng “đồng minh văn hoá”?
Cả hai. Chúng tôi chủ động tìm đến họ để cùng chia sẻ cơ hội làm thương hiệu và gánh nặng chi phí. Họ chấp nhận đi cùng chúng tôi vì lịch sử cho thấy chúng tôi làm tươm tất và chu đáo, các sự kiện thành công cả về tổ chức và danh tiếng.
- Anh có thể tiết lộ ít nhiều những dự định tiếp theo sau đêm Paris Ballet của dự án văn hoá mà VPBank đang theo đuổi? Đâu là những tiêu chí, định hướng mà VPBank đặt ra cho các chương trình nghệ thuật sắp tới?
Tiêu chí nhất quán của VPBank là chỉ chọn các huyền thoại. Còn huyền thoại nào, thể loại nghệ thuật nào thì xin giữ bí mật để giữ được sự “mới lạ”.
- Xin cảm ơn anh!
Doãn Phong