- Nói về lô gỗ trắc đang bị CA Hà Tĩnh tạm giữ, lãnh đạo Chi cục Hải quan Lao Bảo (Quảng Trị) khẳng định cơ quan này làm đúng quy trình khi cho thông quan. Tuy nhiên, việc giám định lại do DN “chủ động từ đầu đến cuối” khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có khuất tất.

Liên quan đến lô gỗ trắc 46m3 nhập khẩu từ Lào về, đang bị Công an Hà Tĩnh tạm giữ vì nghi ngờ gian lận hiện các cơ quan chức năng địa phương này chưa tiến hành trưng cầu giám định lần 3.

{keywords}

Container chở hơn 46m3 gỗ trắc nhập khẩu đang bị tạm giữ tại trụ sở CA Hà Tĩnh để điều tra nghi vấn gian lận.

Một cán bộ công an nói rằng, hiện kết quả giám định lần 2 vẫn còn nguyên giá trị. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình, có đơn, thì lúc đó các cơ quan chức năng mới trưng cầu giám định lần 3 để có căn cứ xử lý.

Mâu thuẫn

PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Ông Thanh cho biết, lô gỗ đấy bọn tôi làm theo quy định, ngoài kia tiến hành giám định kết quả thế nào chúng tôi cũng không được báo lại. Chỉ nghe đài báo nói có thông tin thế thôi.

“Doanh nghiệp chủ động đề xuất hay cơ quan hải quan nghi ngờ?” – PV đặt câu hỏi.

“Việc giám định là do DN chủ động. Do DN này không xác định được tên khoa học (lô gỗ trắc) nên chủ động làm đơn xin (giám định). Và theo các quy định liên quan thì bọn tôi cho phép. Chúng tôi tiến hành lấy 2 lần mẫu, 1 mẫu lưu và một mẫu chuyển đi giám định”, ông Thanh cho biết.

Tuy nhiên, theo hồ sơ mà VietNamNet có được, hồ sơ thông quan, tờ khai hàng hóa của DN này đã ghi rất rõ các chủng loại gỗ trắc trên xe, có cả tên khoa học (Latinh) và số lượng kèm theo.

Theo đó, Cty TNHH S.Đ.H. (Nghệ An) do ông Nguyễn Trung Q. làm GĐ nhập khẩu số lượng hơn 46 m3 gỗ trắc lai, trong đó trắc lai xẻ (Dallbergia Oliveri Sawntimber) là 10,265 m3, trắc lai tròn (Dallbergia Oliveri  LogsWoods) 11,114 m3; và trắc lai tận dụng gốc cành ngọn (Dallbergia Oliveri  root, branch, top) là 25,3 m3.

Một chủ DN chuyên nhập khẩu gỗ ở Hà Tĩnh nói rằng, bộ hồ sơ thông quan có hợp đồng, tờ khai..., trong đó ghi rất rõ tên khoa học của gỗ trắc là loại gì, nên ông Thanh nói rằng DN không biết tên khoa học là gì nên mới chủ động xin giám định là mâu thuẫn.

“DN người ta thu mua bên Lào thì phải biết mặt hàng đó là gì, trị giá như thế nào, lời lãi khi xuất nhập khẩu ra sao mới mua về. Không thể nói không biết để xin đi giám định được”, chủ DN này nói thêm.

Một nguồn tin cuả VietNamNet tiếp tục cho hay, sau khi lấy mẫu, cơ quan hải quan Lao Bảo lại để cho DN trực tiếp cầm mẫu đi ra Hà Nội giám định và mang kết quả về. Và kết quả giám định đó trả lời cho DN chứ không phải trả lời cho cơ quan hải quan. Điều này hết sức bất thường.

Nói về thông tin trên, ông Chi cục trưởng Hải quan Lao Bảo thừa nhận việc DN tự cầm mẫu đi ra cơ quan chuyên môn giám định thuộc Đại học QG Hà Nội giám định.

“Họ chủ động cầm đi là vì việc giám định này là theo yêu cầu của họ (DN)”, ông Thanh nói.

“DN trực tiếp cầm đi như thế thì liệu có đảm bảo khách quan không?” – PV đặt câu hỏi. “Cái này pháp luật cho phép thì họ làm thôi. Khi cơ quan tiếp nhận mẫu giám định thì vẫn còn nguyên niêm phong”, ông Thanh nói.

Có hay không móc ngoặc?

PV tiếp tục đặt câu hỏi “Dư luận có nghi vấn cơ quan hải quan và DN móc ngoặc với nhau để hợp thức lô gỗ, anh giải thích thế nào?” thì ông Thanh nói rằng: “Dư luận ngoài nói thế nào bọn tôi chẳng biết. Dư luận thì có người nói xấu nói tốt”.

{keywords}

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, nơi lô gỗ trắc 46m3 đang bị tạm giữ, được hải quan cho thông quan. Ảnh: Baohaiquan.

Còn ông Lê Văn Tới, Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Trị cũng khẳng định việc tiến hành lấy mẫu và DN mang mẫu đi ra cơ quan giám định như vậy là đúng quy trình?

“DN không rõ chủng loại hàng thì họ có quyền xin trưng cầu giám định. Vấn đề không phải là DN hay hải quan đưa mẫu đi giám định, mà khi trả lời kết quả giám định có ghi rõ, mẫu đưa ra còn nguyên niêm phong”, vẫn lời ông Tới.

Cục trưởng Hải quan Quảng Trị khẳng định, “Nếu dư luận nghi ngờ hải quan và doanh nghiệp thông đồng thì đang còn mẫu lưu tại hải quan để chứng minh. “Tôi khẳng định anh em làm đúng quy trình. Cái này là DN trưng cầu giám định để phục vụ cho việc khai báo hàng hóa.

Nếu có móc ngoặc thì không cần giám định nữa và cứ thế mà đi vì DN khai báo tự chịu trách nhiệm, lô hàng thuộc luồng xanh thì Hải quan cho đi luôn, không cần giám định hay kiểm hóa”.

Trước nghi vấnQuy định như thế có phải là kẽ hở không? Anh em lấy đúng mẫu gỗ trắc trên chiếc xe đó chứ không phải lấy gỗ khác thay thế vào.

Chi cục trưởng Hải quan Lao Bảo nói rằng chỉ lấy 1 mẫu giám định (2 lần) nhưng ông Tới lại khẳng định: “Nguyên tắc phải lấy 3 mẫu, chọn đúng mẫu gỗ trắc trên xe”

Và ông Tới cũng cho rằng, chỉ lấy 3 mẫu nghi ngờ nhất chứ không thể lấy hết mẫu được. Vì trên xe hàng sẽ có rất nhiều thanh, cành, phiến gỗ.

“Lô hàng này là gỗ nhập khẩu và tôi khẳng định không phải là buôn lậu. Chỉ có điều nếu chủng loại trong quy định phải xin cấp phép cơ quan quản lý Cites thì buộc phải có giấy phép. Chỉ khúc mắc chừng đó thôi”, Cục trưởng Hải quan Quảng Trị nói thêm.

Thời gian gần đây, ngành Hải quan luôn là ngành hứng chịu nhiều tai tiếng tham nhũng trong các cuộc khảo sát của một số tổ chức như Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn DN Việt Nam (VBF).

Báo cáo thường niên của VBF cuối năm 2013 cho biết, cán bộ Hải quan vẫn được trả phí bôi trơn để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán bộ Hải quan nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa đi qua địa bàn của họ.

Duy Tuấn