Xét xử đại án Bầu Kiên và đồng phạm là vụ án mà dư luận cả nước đang hết sức quan tâm, dõi theo và kỳ vọng vào sự công tâm của người giữ "cán cân công lý".
Vụ án lớn, nhiều người quan tâm
Theo Luật sư Trần Văn Đức - Giám đốc Công ty Luật Trường Sa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mà chủ tọa là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính khi vừa mở phiên tòa buổi sáng 16/4/2014 tuyên bố "tiếp tục xử, không hoãn", rồi chiều "lại hoãn" chỉ vì cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá "Bị phì đại tiền liệt tuyến", cần phải điều trị cho ổn định.
Đến 21/5/2014, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và đồng phạm được mở lại, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội lại quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá (Nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng ACB), tiếp tục xét xử Bầu Kiên và các đồng phạm.
Lý do Hội đồng xét xử (HĐXX) đưa ra là căn cứ vào đơn của ông Giá và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, HĐXX thấy ông Trần Xuân Giá đang bị bệnh hiểm nghèo, căn cứ điều 187 Bô luật tố tụng hình sự, HĐXX tạm đình chỉ với ông Trần Xuân Giá.
Trong khi đó, trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về tội "Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế..." ngay từ đầu, Cơ quan Điều tra đã có quyết định khởi tố đối với 4 bị can, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB, trong đó có ông Phạm Trung Cang.
Tuy nhiên, đến ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này. Theo VKSND Tối cao thì lý do của việc đình chỉ vụ án là vì, "Ngày 31/12/2010, ông Cang có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Ngân hàng ACB khi Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành và đã được ngân hàng chấp nhận. Do đó, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỷ đồng".
Vừa đình chỉ xong ông Cang đã bay sang Mỹ sống một thời gian. Đến này 27/01/2014, Viện KSND tối cao lại tống đạt cáo trạng số 09 thay thế bản cáo trạng số 02 ngày 12-12-2013 truy tố bị can Phạm Tung Cang trong vụ án bầu Kiên.
Tại thời điểm ra quyết định truy tố, ông Phạm Trung Cang không có mặt tại Việt Nam, lúc đó ông Cang vẫn đang sống ở Mỹ.
Theo Luật sư Trần Văn Đức, Vì sao lại có sự ưu ái đối với ông Phạm Tung Cang như vậy?. Trong khi đó không đưa ra bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào đối với Ông Cang để phục vụ công tác điều tra cũng như xét xử vụ án.
Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội tại quận Ba Đình, Hà Nội trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII vừa qua, ông Phạm Quy, cử trị Phương Ngọc Khánh đã bày ỏ "Tham nhũng là thế nhưng pháp luật chưa thể hiện nghiêm minh".
Ông Quy minh chứng cho ý kiến của mình bằng vụ bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên), đưa ra toà rồi thiếu bị cáo nên phải hoãn. Ngoài ra, trong quá trình xét xử, toà triệu tập những người có liên quan họ không đến hoặc cử những người không đủ thẩm quyền giải quyết làm mất đi tính trang nghiêm của pháp luật", ông Quy nói.
Ông Phạm Quy kiến nghị cần phải tránh tình trạng xét xử như vậy. Phải làm nghiêm, kiên quyết, đến nơi đến chốn bất kể là ai để những hoạt động chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
Giới luật sư lên tiếng
Liên quan đến việc Tòa án thành phố Hà Nội ra quyết định Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá, luật sư Trần Viết Hưng, đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: Việc kết luận ông Trần Xuân Giá bị bệnh hiểm nghèo "ung thư" hay không thuộc về Hội đồng giám định pháp y kết luận bằng văn bản. Hiện nay tại Việt Nam tổ chức giám định pháp y Trung ương trực thuộc Bộ Y tế. Trụ sở làm việc đặt tại bệnh viện hữu nghị Việt - Đức.Thực hiện trưng cầu giám định pháp y của các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương và địa phương. Như vậy thì Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chỉ căn cứ thông báo của bệnh Viện Hữu Nghị trong đó xác nhận ông Giá "bị ung thư đại tràng, cùng nhiều bệnh nặng khác, sức khỏe rất yếu" để ra quyết định Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá là chưa đủ căn cứ pháp lý. Trong trường hợp này, Hội đồng xét xử nên hoãn phiên tòa để ra quyết định chưng cầu Giám định pháp y. Chỉ khi có kết luận của Hội đồng giám định pháp y khẳng định việc ông Trần Xuân Giá bị bệnh ung thư thì HĐXX mời Tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá. Luật sư Trần Viết Hưng phân tích thêm, các công tố viên cho rằng ông Giá đã có các lời khai trong quá trình điều tra là chưa phù hợp, cần phải triệu tập ông Giá ra trước tòa khi chưa có giám định pháp y, như vậy mới giữ đúng được trình tự và đúng các quy định của pháp luật.
Luật sư Vũ Đình Chi, người bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn cho biết, việc tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá sẽ nảy sinh một số vấn đề. Theo luật sư Chi, đối với bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, việc bị cáo Trần Xuân Giá có mặt tại tòa được coi như nhân chứng sống. Việc tách hồ sơ của ông Giá ra khỏi vụ án sẽ ảnh hưởng chung đến vụ án, nếu có mặt, ông Giá có thể lý giải tường tận hơn nhiều vấn đề, luật sư Chi nói.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng thư ký Liên đoàn LS Việt Nam (bào chữa cho hai bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang) cho rằng: Tòa chỉ căn cứ vào Khoản 1, Điều 187, lấy lý do ông Trần Xuân Giá bị bệnh hiểm nghèo, không tham gia phiên tòa được nên ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông ấy. Nhưng trong BLTTHS còn có Điều 180 quy định, việc tạm đình chỉ đối với một bị can nào đó trong vụ án, nếu không ảnh hưởng gì đến việc xét xử các bị can khác. Như vậy, nhóm tội cố ý làm trái này, ông Giá cùng các bị cáo khác trong HĐQT có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, việc tách ông Giá ra sẽ gây nhiều khó khăn trong việc xác định sự thật khách quan trong mối quan hệ giữa các bị cáo với nhau về tội cố ý làm trái. Việc tách ông Giá ra sẽ rất bất lợi cho các bị cáo còn lại.
"Tốt nhất, để bảo đảm quyền lợi cho các bị cáo khác trong vụ án này, Tòa nên trả hồ sơ để cơ quan điều tra tách vụ án cố ý làm trái ra khỏi ba tội kia, xử một vụ án độc lập", lời luật sư Tâm.
Một số luật sư tham dự phiên tòa còn đề xuất trả hồ sơ riêng phần bị cáo Trần Xuân Giá, chứ không phải tạm đình chỉ vụ án đối với ông này, các luật sư kiến nghị tiếp tục triệu tập ông Trần Xuân Giá, bởi bị cáo này có ảnh hưởng quan trọng đến việc làm rõ bản chất vụ án.
Phân tích sự việc, VKSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Tung Cang, luật sư Hồ Ngọc Diệp (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, rõ ràng, sự không thống nhất trong nhận định, đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đã cho thấy, căn cứ để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với ông Phạm Trung Cang trong vụ án này là chưa thực sự vững chắc.
Vì vậy, việc cơ quan công tố ra quyết định đình chỉ vụ án, chấm dứt toàn bộ hoạt động tố tụng đối với bị can ngay từ giai đoạn truy tố, là quá vội vàng. Bởi lẽ, nếu xét thấy bị can (bị cáo) không phạm tội, thì trước khi vụ án được đưa ra xét xử, thậm chí ngay tại phiên toà, VKS vẫn có quyền rút quyết định truy tố theo quy định tại các Điều 181 và 195 BLTTHS, mà không nhất thiết phải đình chỉ vụ án ngay từ giai đoạn truy tố như trường hợp này.
Có thể nói, sự vội vàng của cơ quan công tố trong việc ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Phạm Trung Cang, chẳng những đã tự đưa mình vào thế khó khăn trong việc phục hồi điều tra đối với bị can này, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chung đối với quá trình tố tụng vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm - một đại án mà dư luận đặc biệt quan tâm, và theo tinh thần chỉ đạo của Ban Phòng chống tham nhũng Trung Ương là nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để sớm đưa vụ án ra xét xử.
"Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng" "Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời.". Đó là chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, chiều 5/5 vừa qua. Tổng bí thư cũng yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cần hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân. Tránh tình trạng né tránh, chậm thực hiện giám định, hoặc lạm dụng việc trưng cầu giám định, lấy kết quả giám định thay cho kết luận điều tra, coi kết quả giám định quan trọng hơn kết luận điều tra, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nhớ lại thời điểm bắt Bầu Kiên, Cục trưởng C46 Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh trực tiếp có mặt tại chỗ chỉ huy bắt Bầu Kiên chia sẻ, vụ bắt giữ bầu Kiên có ý nghĩa rất quan trọng với vấn đề an ninh tài chính - ngân hàng của đất nước. Cơ quan điều tra đã trả lời được với công luận: Không có vùng cấm cho tội phạm, dù bất cứ ở lĩnh vực nào. Mặt khác qua vụ án đã góp phần quan trọng buộc các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt hoạt động về phát hành cổ phiếu tiền ảo; sở hữu chéo; thâu tóm ngân hàng; vượt trần lãi suất.... Trả lời báo chí, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cũng chính là Trưởng ban chuyên án vụ bắt giữ "bầu" Kiên cho biết. Trong vụ án này, với tư cách là Trưởng ban chuyên án, ông Vĩnh khẳng định "không chịu bất kỳ sức ép nào trong điều tra vụ án, sai phạm của Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải đã được điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội". Nhờ có sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Trần Đại Quang trong việc chỉ đạo điều tra, phá án, vây bắt bằng được Bầu Kiên, không để trốn thoát, thể hiện sự quyết tâm, sự nghiêm khắc của các cơ quan điều tra, không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan sai. Giờ đây, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn đang được diễn ra, nhân dân cả nước đang dõi theo và kỳ vọng vào sự công tâm của người giữ "cán cân công lý". Các luật sư bào chữa cho các bị can trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã ký vào bản kiến nghị (ngày 3-5) gửi các đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Ban Cải cách tư pháp trung ương, Văn phòng Quốc hội đề nghị các cơ quan này giám sát việc xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên (xử sơ thẩm). |
Nguyễn Hoàng