Việc Ecuador quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, mở đường cho cảnh sát Anh bắt giữ ông này ngay tại Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London, Anh sau 7 năm tị nạn đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange chuẩn bị phát biểu trước truyền thông tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh ngày 19/8/2012. Ảnh: Reuters |
Những người ủng hộ ông Assange thì cho rằng, quyết định bắt giữ ông là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và quyền tự do ngôn luận của báo chí. Trong khi đó, những người phản đối lại nói rằng, đây là việc cần làm để đảm bảo tính thượng tôn của luật pháp.
Giải thích lý do cho quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của nhà sáng lập WikiLeaks, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã nói rằng, ông Assange đã liên tục vi phạm các hiệp ước, nghị định thư quốc tế và không hề tôn trọng những người đã cho ông này tị nạn ở Đại sứ quán trong suốt 7 năm qua.
Tuyên bố của Tổng thống Ecuador được Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngay sau vụ bắt giữ ông này tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh: “Quyết định của Ecuador dựa trên cơ sở ông Assange đã liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp định liên Mỹ về quy chế tị nạn năm 1928 và 1954 cũng như các nghị định thư về cư trú ở đại sứ quán. Ông Assange cũng đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của các quốc gia khác”.
Trái với lập luận của Tổng thống đương nhiệm Ecuador, cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa - người đã cấp quy chế tị nạn cho nhà sáng lập WikiLeaks thì nói rằng, quyết định hủy bỏ quyền tị nạn chính trị của ông Assange là một sự phá vỡ luật pháp quốc tế, quy chế tị nạn và hiến pháp Ecuador.
Về phía nhà chức trách Anh, ngay sau khi bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks, cảnh sát Anh đã đưa ông này ra trình diện tại tòa án Westminster ở thủ đô London. Tại phiên tòa, thẩm phán đã kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 sau khi có yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển về cáo buộc ông xâm hại tình dục phụ nữ. Theo luật, ông Assange có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Thủ tướng Anh Theresa May hôm 11/4 đã hoan nghênh động thái của Ecuador và nói rằng, không ai có quyền đứng trên luật pháp. Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid bày tỏ cảm ơn sự hợp tác của chính quyền Ecuador, cam kết đảm bảo các quyền của ông Assange theo đúng quy định pháp luật.
“Tôi hài lòng về quyết định của Tổng thống Moreno và bày tỏ sự cảm ơn đối với ông. Hành động của Ecuador cho thấy nước này đã đánh giá cao hệ thống tư pháp Anh vốn xem trọng bảo vệ quyền con người, ngược hẳn so với những gì những người ủng hộ ông Assange tuyên bố. Ông Assange và các lợi ích của ông sẽ được luật pháp Anh bảo vệ”, ông Sajid Javid nói.
Việc ông Assange bị bắt giữ tại Anh cũng đã mở đường cho khả năng ông này sẽ bị dẫn độ về Mỹ theo hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Hiện nhà sáng lập WikiLeaks đã bị các công tố viên Mỹ buộc tội âm mưu xâm nhập máy tính chứa nhiều thông tin tuyệt mật của Chính phủ Mỹ cùng nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning năm 2010. Nếu bị kết án tại Mỹ, ông Assange có thể sẽ phải chịu mức án cao nhất là 5 năm tù giam. Phản ứng về vụ bắt giữ ông Assange, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng ông không biết thông tin gì về vụ WikiLeaks.
Từ Australia quê hương của nhà sáng lập WikiLeaks, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Chính phủ Australia đã nhận được đề nghị hỗ trợ lãnh sự từ phía ông Assange, song khẳng định người sáng lập WikiLeaks sẽ không được đối xử đặc biệt, mà sẽ được đối xử tương tự như bất kỳ công dân Australia nào khác trong những tình huống như vậy. Ông không có ý định can thiệp vào vụ việc này và đây là vấn đề của nước Mỹ, không liên quan Australia.
Luật sư bảo vệ quyền lợi nhà sáng lập WikiLeaks Jennifer Robinson bày tỏ lo ngại về những nguy cơ mà ông Assange sẽ phải đối mặt nếu bị dẫn độ về Mỹ, đồng thời cam kết sẽ làm hết sức để bảo vệ thân chủ: “Vụ việc này đặt ra nguy cơ không có tiền lệ đối với tất cả các cơ quan truyền thông và nhà báo ở châu Âu cũng như thế giới. Tiền lệ này có nghĩa là bất cứ nhà báo nào cũng có thể bị dẫn độ sang Mỹ nếu xuất bản những thông tin sự thật về Mỹ”.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày lên tiếng chỉ trích quyết định bắt giữ ông Assange. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga M.V. Zakharova, vụ bắt giữ ông Assange ngày 11/4 là một sự vi phạm quyền của các nhà báo.
“Vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks đã đi vào lịch sử như trường hợp vi phạm quyền của các nhà báo và tấn công vào tự do ngôn luận. Đây là một ví dụ điển hình. Chúng tôi sẽ đưa vụ việc này ra các tổ chức quốc tế", bà Zakharova nói.
Cùng ngày, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hy vọng các quyền của nhà sáng lập WikiLeaks sẽ được đảm bảo sau khi ông này bị bắt giữ. Nhiều người ủng hộ nhà sáng lập WikiLeaks cũng đã lên án quyết định bắt giữ ông.
Từ tháng 6/2012 đến nay, nhà sáng lập Assange, 46 tuổi, quốc tịch Australia đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục. Ông luôn bác bỏ cáo buộc trên và từ chối ra khỏi Đại sứ quán Ecuador vì lo ngại có thể bị bắt giữ và bị dẫn độ về Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ hàng nghìn bí mật quốc gia của Mỹ hồi năm 2010.
Theo Vov