Cho đến ngày hôm nay, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc tuy nhiên câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) và các kiến nghị của Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), đại biểu Bùi Thanh Phương (Ninh Bình) xung quanh Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn vẫn chưa được Chánh án TANDTC và các cơ quan tố tụng trả lời một cách thỏa đáng.
Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, trước Quốc hội và quốc dân đồng bào đang theo dõi
truyền hình trực tiếp, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đã thẳng thắn chất vấn ông Trương
Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: Tại sao Nguyễn Đức Kiên không có
tình tiết giảm nhẹ vẫn được hưởng mức án thấp? Tại sao có tới 5 bị cáo (ngoài
Nguyễn Đức Kiên) được hưởng mức án nhẹ hơn khá nhiều so với khung đề nghị của
Viện Kiểm sát? Mức án có đủ sức răn đe không?
Theo dõi trả lời chất vấn, không những đại biểu Quốc hội, mà nhân dân cả nước
đều chưa hài lòng vì câu trả lời của ông Chánh án TAND TC không thỏa đáng.
Vụ xét xử bầu Kiên và các đồng phạm được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh: Internet |
Đại biểu
Sơn cho biết, Chánh án Trương Hòa Bình vẫn còn né tránh, chưa trả lời câu hỏi
của ông về việc có tới 5 bị cáo (ngoài Nguyễn Đức Kiên) được hưởng mức án nhẹ
hơn khá nhiều so với khung đề nghị của Viện Kiểm sát.
Dù kỳ họp Quốc hội đã bế mạc nhưng ĐBQH và nhân dân vẫn đang chờ đợi Chánh án
trả lời câu hỏi này.
Đối với Nguyễn Đức Kiên, Chánh án TAND tối cao giải thích rằng “mức án 30 năm tù so với một đời người là không thấp”.
Nguyễn Đức Kiên có thể nghe được điều này sẽ rất vui mừng, nhưng nhân dân và dư luận thấy có điều gì đó còn quá ưu ái đối với Nguyễn Đức Kiên?
Sau khi tòa tuyên án, đồng loạt các tờ báo lớn đăng tải các ý kiến đại biểu quốc hội, giới luật sư và nhân dân cả nước đặt nhiều dấu hỏi xung quanh kết quả xét xử.
Các đại
biểu quốc hội và luật sư cho rằng bản án mà Tòa án Hà Nội tuyên không đủ sức răn
đe! không lấy được niềm tin của nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng ! Nhân
dân không có được niềm vui như khi hay tin bắt giữ Bầu Kiên.
Dư luận lên tiếng vụ xét xử “bầu Kiên”: Ông Nguyễn Bá Thanh đang ở đâu?
Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thế nhưng
bản án sơ thẩm xét xử Bầu Kiên và đồng bọn tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng
đang bị dư luận và các đại biểu Quốc hội lên án vì mức án quá nhẹ.
Dư luận đòi hỏi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực tiếp là ông Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng Ban thường trực, Trưởng Ban Nội chính Trung ương
cần sớm vào cuộc giám sát chặt chẽ, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố
tụng căn cứ chứng cứ thu thập được để xét xử vụ án nghiêm minh, đúng người, đúng
tội, đúng pháp luật, lấy lại niềm tin cho nhân dân.
Đến ngày hôm nay, TAND Hà Nội cho biết đã nhận được đơn của 4 trong 8 người bị
xét xử trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn. Như vậy, một nửa số bị cáo trong
vụ án bầu Kiên đã chống án, ngoan cố cho rằng không phạm tội như cáo buộc.
Rõ
ràng kết quả trên đã cho thấy: bầu Kiên đã không ăn năn hối cải; bị cáo còn
tuyên bố kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng không có tội; bầu Kiên
đang thách đố dư luận rằng, có thể dùng “thế lực ngầm” xoay chuyển được kết quả
bản án?
So sánh vụ án Nguyễn Đức Kiên và một số đại án gần đây mà Tòa án xét xử thì có
sự khác nhau rõ rệt. Các bản án trước đó đã tuyên phạt đúng người, đúng tội,
đúng pháp luật. Dù cho các bị cáo ngoan cố, quanh co, chối tội đều bị xét xử
nghiêm minh, có nhiều bị cáo tử hình, đây là những bản án có sự răn đe thực sự
và có sức thuyết phục. Không một ai có thể mạnh hơn pháp luật.
Nhìn
vào những tội danh của Nguyễn Đức Kiên, ĐBQH Nguyễn Anh Sơn và Luật sư Trần Văn
Đức – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự quy
định, chỉ cần chiếm đoạt 500 triệu đồng trở lên là có thể phải chịu mức hình
phạt cao nhất là tù chung thân.
Trong trường hợp này, số tiền mà bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt được lên đến 264 tỷ đồng (gấp hơn năm trăm lần số tiền định khung hình phạt nêu trên), nhưng lại chỉ bị đề nghị mức hình phạt từ 15 đến 16 năm tù!
Do vậy, Nguyễn Đức Kiên không chỉ bị áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm K, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự mà cần phải xem xét cả tình tiết tăng nặng khác được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự: Phạm tội có tổ chức.
Đồng thời tại tòa, bị cáo còn không thành
khẩn khai báo, quanh co chối tội, trên công đường còn thể hiện sự ngông nghênh,
coi thường, thách thức pháp luật. Đó là chưa kể đến 3 tội danh khác của Nguyễn
Đức Kiên nếu áp dụng khung hình phạt cao nhất cho 3 tội cụ thể như sau: tội kinh
doanh trái phép (điều 159): 2 năm; tội trốn thuế (điều 161): 7 năm; tội cố ý làm
trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều
165): 20 năm.
Bình luận về vụ án, Tiến sỹ Cao Đức Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền
con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từng phải mạnh mẽ cho rằng,
việc bắt giữ bầu Kiên và đồng bọn không những thể hiện sự quyết tâm chống tham
nhũng của Đảng và Nhà nước, mà việc làm này còn có ý nghĩa “cứu nguy” đến sự tồn
vong của chế độ.
"Một bị cáo nguy hại đến sự tồn vong của chế độ như vậy mà tòa
chỉ tuyên mức án 30 năm (cộng cả 4 tội danh), trong đó chỉ tuyên mức án 20 năm
tù dành cho Nguyễn Đức Kiên với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn quá nhẹ? Có
sức răn đe hay không?" - luật sư Trần Văn Đức băn khoăn.
Nhân dân mong mỏi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội
chính Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao và các
cơ quan tổ tụng cần nghiêm túc lắng nghe ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của
các đại biểu Quốc hội và người dân để kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án này theo
đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Đây là việc làm cấp thiết để đáp
ứng nguyện vọng chính đáng của đông đảo nhân dân vào một bản án phúc thẩm nghiêm
minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: "Một khi đã xảy ra tham nhũng
thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, không có vùng cấm.
Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc
quyền, không có ngoại lệ".
Xử lý đúng quy định của pháp luật là sự răn đe hiệu
quả nhất. Những người liên quan đến các vụ án tham nhũng đã khởi tố điều tra và
đang trong tầm ngắm của pháp luật phải giật mình sau bản án nghiêm khắc với các
bị cáo trong các vụ án tham nhũng.
Đối với vụ án Nguyễn Đức Kiên lần này với 4 bị cáo kháng cáo, vụ án chắc chắn sẽ
phải đưa ra xét xử phúc thẩm. Nhân dân cả nước kỳ vọng vào
sự công tâm của những người giữ cán cân công lý và các cơ quan tố tụng.
Điểm lại các kiến nghị của Đại biểu Quốc hội xung quanh vụ án đã được các cơ quan báo chí phản ánh Trước những bức xúc của cử tri cả nước và nhiều dấu hỏi đằng sau vụ án, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị VKSND tối cao kháng nghị bản án sơ thẩm. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị VKSNDTC cần phải xem xét, kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo đại biểu Nguyễn Thái Học, vụ án Nguyễn Đức Kiên đưa ra xét xử được dư luận rất quan tâm bởi vụ án xảy ra trong thời gian dài liên quan hoạt động hệ thống ngân hàng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng, tuy nhiên mức án tòa tuyên đã khiến ông bất ngờ... Đây là lĩnh vực lâu nay ý kiến cử tri cho rằng có những tiêu cực, cho nên việc đưa vụ án ra xét xử đáp ứng nguyện vọng đó của cử tri, nhằm đảm bảo an ninh tài chính, ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng mức án như vậy là thấp, chưa đúng luật và chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng hiện nay. Tôi thấy, căn cứ hồ sơ vụ án, căn cứ diễn biến phiên tòa, nếu như bản án tòa tuyên cho bị cáo Kiên chưa thật sự phù hợp luật pháp thì trách nhiệm của VKS phải thực hiện quyền kháng nghị của mình. Một khi, bản án tuyên chưa phù hợp thì các cơ quan chức năng, trong đó có VKS phải thực hiện quyền pháp luật giao là kháng nghị bản án, để vụ án được xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng hiện nay. Đại biểu Bùi Thanh Phương (Ninh Bình) còn bức xúc: “Vụ Nguyễn Đức Kiên là vụ án dư luận rất quan tâm, đại biểu Quốc hội chúng tôi cũng rất quan tâm nhưng mức án như vậy là không phù hợp, Ông cho rằng bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng lại chỉ xử nhẹ như vậy”. Việc xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên, đây là vụ án dư luận rất trông chờ sự nghiêm minh của luật pháp nhưng thực tế vẫn có những hoài nghi. Qua theo dõi tiến trình xét xử, có những hoài nghi rằng liệu có cái gì đằng sau, có thế lực nào đó mà khiến bị cáo Kiên không nghiêm túc, ngông nghênh trước tòa? Khi tòa tuyên bản án, chúng tôi thấy bất ngờ. Bất ngờ vì thái độ bị cáo không cầu thị, không thành khẩn, không hề có tình tiết giảm nhẹ nào nhưng không hiểu sao mức phạt lại nhẹ như vậy?. Ông Phương lại nêu ví dụ, tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, trong quy định của luật thì lừa đảo từ 500 triệu đồng trở lên thì mức phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Nhưng ở đây, bị cáo chiếm đoạt tới 264 tỉ đồng, một con số rất lớn. Có người so sánh, nếu số tiền này đem xây trường học miền núi thì xây được biết bao nhiêu trường học, giúp cho hàng vạn học sinh có nơi ăn học đàng hoàng. Vậy mà VKS lại đề nghị mức án 16 đến 18 năm, rồi tòa tuyên mức 20 năm. Đại biểu Bùi Thanh Phương nhấn mạnh, tôi thấy không bình thường và cử tri có người nói với tôi là có điều gì đó bất thường cần phải xem lại. Tôi thấy, để nhân dân tin tưởng sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” tham nhũng, nên phát huy những gì đã làm được trong thời gian qua thì vụ án này cũng cần phải được lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, lắng nghe ý kiến nhân dân. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc kỹ. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trên cơ sở pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, cần lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, ý kiến nhân dân, xem xét lại vụ án để có kháng nghị, sao cho đúng người, đúng tội. Để người dân tin tưởng việc xét xử vụ án là nghiêm minh, không có vùng cấm nào cả. |
(Theo Thanhtra/tinnhanh.vn)