- Sau 2 ngày xét xử, chiều nay (31/7), TAND Thành phố Hải Phòng đã tuyên phạt Bùi Thị Hiền (25 tuổi) 11 năm tù giam. Chồng của Hiền là Nhiếp Thiếu Phong (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) phải nhận 12 năm tù giam.

Các bị cáo khác là Bùi Thị Sự (45 tuổi) nhận 7 năm tù; Lê Văn Bảy (25 tuổi): 10 năm tù giam; Nguyễn Văn Linh: 3 năm 6 tháng tù giam cùng về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài mức án trên, HĐXX cũng yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân thấp nhất là 73 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2011, Hiền và Phong thuê 150 m2 đất của Sự để xây dựng nhà xưởng, với giá 4,5 triệu đồng mỗi tháng.

Sự là người chịu trách nhiệm và xây dựng công trình theo yêu cầu của vợ chồng Hiền. Công trình được xây dựng với kết cấu xưởng hình ống, khung thép chịu lực, tường xây bằng gạch… và chỉ mở duy nhất một cửa ra phía đường.

Sự thuê thợ hàn tên Bảy, người cùng thôn tiến hành thi công. Đến tháng 7/2011, vợ chồng Hiền cho chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và công nhân đến làm việc.

Tại cơ quan điều tra, Sự khai: Sự đã thuê Bảy dựng nhà xưởng, quá trình dựng nhà xưởng, Sự không xin phép xây dựng, không có thiết kế xây dựng, không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, không có lối thoát hiểm.

Các bị cáo tại tòa

 
Khi đang xây dựng sắp hoàn thiện thì vợ chồng Hiền chuyển toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu để sản xuất giày da đến. Sự có chứng kiến và biết đó là các nguyên vật liệu dễ cháy nhưng vẫn không làm các biện pháp phòng cháy.

Khi được Hiền yêu cầu, Sự đã trực tiếp giục Bảy đến hàn cây chống sét cho xưởng. Sự là người bỏ tiền ra mua 4 cây chống sét và 4 bầu sứ về giao cho Bảy để hàn.

Sự biết là trong xưởng có nhiều nguyên vật liệu dễ bắt lửa, ngoài ra, nếu hàn trong giờ làm việc thì còn có nhiều công nhân, nếu bị cháy sẽ thiệt hại đến người và tài sản nhưng không giám sát và không chuẩn bị gì về phòng cháy và chữa cháy cho việc hàn cây chống sét của Bảy dẫn đến cháy, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chiều 29/7/2011, Bẩy và Linh chuyển đồ nghề lên mái xưởng và bắt đầu hàn cột đầu tiên trên nóc xưởng từ ngoài cửa vào. Trong lúc thợ hàn làm việc, các tia lửa bắn xuống phía dưới, xảy ra hoả hoạn, lửa bốc cháy ngùn ngụt.

Vụ cháy đó đã làm 13 người tử vong, 25 người bị bỏng. Toàn bộ thiết bị, đồ vật bị cháy hoàn toàn. Phần tôn tường, mái, xà sắt bị nung nhiệt mạnh khiến cong vênh…

Theo kết luận pháp y, các nạn nhân bị bỏng từ 24 đến 90%.

Bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự kết luận, điểm xuất phát cháy nằm phía trên trần của gian số 1.

Nguyên nhân do quá trình cắt hàn tôn trên mái làm bắn các vảy hàn có nhiệt độ cao. Tổng thiệt hại tài sản của xưởng may là hơn 302 triệu đồng.

Cáo trạng nêu rõ: Quá trình công tác ở Việt Nam, tại các Cty sản xuất giày da, Nhiếp Thiếu Phong biết và hiểu rõ luật pháp Việt Nam quy định về phòng cháy, chữa cháy trong quá trình sản xuất.

Phong là người mua các nguyên vật liệu nên biết rõ trong xưởng có nhiều chất dễ bắt cháy như da, keo dán, vải, các đồ đã thành phẩm... nhưng do chủ quan, thiếu tiền nên Phong đã không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật Việt Nam, không mở cửa thoát hiểm...

Quá trình xây dựng nhà xưởng, vợ chồng Hiền có đến giám sát thi công, bản thân đều hiểu biết khi làm xưởng may giày thì phải có cửa thoát hiểm, phải đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy... những vẫn không yêu cầu và không làm.

Khi Bảy và Linh đến hàn cột thu lôi, lúc này trong xưởng có 45 công nhân đang làm việc cùng nhiều nguyên vật liệu dễ cháy, nhưng Hiền và Phong không có các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy, không ngăn cản, vẫn để Bảy và Linh hàn cột chống sét, dẫn đến hậu quả cháy xảy ra.

Nạn nhân của vụ cháy kể trên ngoài những người xấu số bị thiệt mạng, còn nhiều người hiện đang phải mang những vết bỏng ghê sợ trên cơ thể, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe của họ. Một số nạn nhân cũng vì tai nạn này mà lâm cảnh “sống dở chết dở” đầy thương tâm.

T.Nhung