Như VietNamNet đã đưa, hồi 0h46 ngày 24/5, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy nhận được tin báo cháy nhà dân tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy).
Ngay sau đó, 50 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội và Công an quận Cầu Giấy, lực lượng Cảnh sát 113, Công an phường Trung Hòa khẩn trương đến hiện trường phối hợp với các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Lực lượng chữa cháy đã cứu được 7 người mắc kẹt trong vụ cháy, phát hiện 14 người tử vong.
Chiều 25/5, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi vi phạm quy định về PCCC. Cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ 2 nội dung: Trách nhiệm của chủ nhà trọ và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Quy trách nhiệm thế nào?
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, đây là vụ hỏa hoạn rất thương tâm, khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, vụ cháy là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi cố ý của tổ chức hay cá nhân nào thì vẫn xem xét trách nhiệm trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy của tòa nhà này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu, người quản lý ngôi nhà này là ai, việc kinh doanh cho thuê có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không. Việc kiểm tra giấy phép xây dựng, xác định thời điểm xây dựng sẽ được thực hiện nhằm đối chiếu với các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, từ đó xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị quản lý nhà xảy ra cháy.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy, đã có hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC, là nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nghiêm trọng xảy ra thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, được quy định tại khoản 3, Điều 313 BLHS.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho hay, việc xây dựng ngôi nhà có giấy phép hay không, có đúng với thiết kế hay không, có đảm bảo đúng quy định của pháp luật về PCCC tại thời điểm xây dựng và quá trình sử dụng ngôi nhà hay không là những vấn đề quan trọng để xác định chủ đầu tư công trình, người quản lý công trình xây dựng này có tuân thủ quy định về PCCC hay không.
Trường hợp xác định có lỗi vi phạm về PCCC dẫn đến hậu quả vụ cháy xảy ra thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, không có hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy nhưng có căn cứ cho thấy, đã có lỗi cá nhân trong việc bảo quản, sử dụng các nguồn điện nguồn nhiệt gây ra đám cháy thì cũng có thể xử lý người này về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 BLHS.
Vẫn theo luật sư, khi xác định được tổ chức cá nhân có vi phạm dẫn đến vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân và cho nạn nhân bị thương. Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương, bồi thường tổn thất về tinh thần.
Đối với tài sản bị thiệt hại, người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế về tài sản đã xảy ra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xác minh, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý có liên quan.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, kiểm tra đánh giá hiện trạng thực tế về việc cho thuê phòng trọ, đặc biệt là những nhà ở riêng lẻ kết hợp với cho thuê trọ để có những quy định phù hợp với vấn đề đảm bảo an toàn PCCC.