Ngay sau khi có phản ánh Cò đứng dọc đường lên bán đảo Sơn Trà lôi kéo khách lặn ngắm san hô, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã có trao đổi với VietNamNet.

Do người dân với du khách tự thỏa thuận

Ông Phan Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, việc tổ chức các tour lặn ngắm san hô trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch, rạn san hô và hệ sinh thái biển bán đảo Sơn Trà. Ngoài ra tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và du khách sử dụng dịch vụ.

Hiện nay bán đảo Sơn Trà có 5 vị trí thuộc vùng bảo vệ san hô gồm Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nam, Bãi Bắc, Hục Lỡ với tổng diện tích bảo vệ khoảng 134 ha.

Ngoài Hòn Sụp (khu vực bảo vệ nghiêm ngặt) là khu vực công cộng được giao cho Ban quản lý khoanh vùng quản lý, 4 khu vực có san hô còn lại nằm trong diện tích mặt nước khu vực các dự án (Bãi Bụt, Bãi Nam, Bãi Bắc, Hục Lỡ). 

Cò chạy xe máy theo khách du lịch lôi kéo, giới thiệu khách tham gia tour lặn ngắm san hô ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Ông Hải cho biết, thời gian qua, Ban quản lý đã thường xuyên triển khai công tác bảo tồn rạn san hô gắn liền với phát triển du lịch sinh thái biển như: Thả phao khoanh vùng bảo vệ tại Hòn Sụp; Kêu gọi tình nguyện viên tham gia “Biệt đội giải cứu san hô”; Tổ chức các đợt ra quân lặn biển dọn vệ sinh tại khu vực Hòn Sụp và Bãi Nam; Cử nhân viên thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách không tham gia sử dụng các dịch vụ lặn ngắm san hô, nhà hàng ăn uống trái phép tại khu vực Bãi Nam.

Ban quản lý thường xuyên nhắc nhở người dân và du khách thực hiện nghiêm các quy định tại khu vực bảo vệ san hô, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ven biển, cắm bảng khuyến cáo về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định xử phạt đối với các hành vi ảnh hưởng đến san hô và hệ sinh thái biển. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý những trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ san hô.

Tuy nhiên theo ông Hải, việc xử phạt hiện nay gặp nhiều khó khăn, nan giải do người dân và du khách tự thoả thuận với hộ kinh doanh để sử dụng dịch vụ tour ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà.

Hộ kinh doanh, "cò" chèo kéo khách hầu hết là người địa phương, nguồn thu nhập chủ yếu từ các hoạt động này. Nhiều trường hợp các đơn vị chức năng đã mời làm việc tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm quy định.

Trong năm 2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã phát hiện, xử phạt nhiều phương tiện hoạt động sai quy định. Nhiều xuồng hơi cải hoán, chở khách đi câu cá, lặn ngắm san hô trái phép trên biển.

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, ngoài kiểm soát liên tục trên biển bằng cano, đơn bị còn cắt cử cán bộ, chiến sĩ tuần tra, cắm chốt tại các điểm du lịch vào ngày cao điểm, ngăn chặn các hành vi dùng xuồng hơi, thúng máy chở khách du lịch lặn ngắm san hô trái phép. Tuy nhiên, một số hộ dân không chấp hành, thậm chí còn canh chừng để tạm dừng hoạt động mỗi khi lực lượng xuất bến tuần tra.

Cấp phép gặp khó

Trả lời câu hỏi vì sao chưa một tour lặn ngắm san hô nào ở bán đảo Sơn Trà được cấp phép? Phó Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà cho biết, việc cấp phép khai thác dịch vụ tổ chức lặn ngắm san hô tại bán đảo Sơn Trà đang gặp nhiều khó khăn như: vẫn chưa có quy hoạch vùng hoạt động cũng như chưa công bố vùng đối với các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước của các cơ quan chức năng.

Tàu thuyền ngang nhiên đưa khách đi lặn ngắm san hô trái phép 

Bên cạnh đó, Quyết định công bố tuyến thủy nội địa của UBND TP Đà Nẵng, trong đó có quy định hành khách không rời phương tiện trong suốt hành trình (trừ vị trí được cơ quan thẩm quyền cho phép rời phương tiện).     

Ngoài ra, việc cấp phép lặn ngắm san hô còn gặp khó khăn vì dọc theo tuyến đường thủy nội địa từ CT15 – Bãi Đa đều tạm dừng hoạt động để chờ thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Do đó việc kêu gọi xã hội hóa để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch tại các vị trí này chưa có cơ sở triển khai.

Là người sáng lập Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển Sasa, anh Lê Chiến (Đà Nẵng) cho biết, phải mất hàng chục năm để một cành san hô phát triển cao lên 10cm, nhưng  chỉ cần mỏ neo của cano, tàu du lịch hay hành động vô tư dẫm đạp chân của du khách có thể huỷ hoại rạn san hô.

Thời gian qua, do nhiều tác động, san hô ở Đà Nẵng ngày càng suy giảm. Đặc biệt là ở Bãi Nam bị tàn phá nghiêm trọng. Nhóm của anh Chiến đang cố gắng trồng, khôi phục hệ sinh thái vô cùng quý giá này. Theo anh Chiến, để bảo vệ san hô cần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là kêu gọi sự tham gia của cộng đồng ngư dân địa phương, gắn kết quyền lợi khai thác với nghĩa vụ bảo tồn...để bảo vệ tài nguyên quý giá này.

Ông Phan Minh Hải cũng cho biết, hiện nay, Ban quản lý đang xây dựng kế hoạch quản lý và hướng dẫn hoạt động du lịch tại vùng bảo vệ san hô khu vực bán đảo Sơn Trà trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó xây dựng mô hình khai thác sản phẩm du lịch đường thủy nội địa theo hướng bền vững với sự tham gia của cộng đồng địa phương, phát triển sản phẩm du lịch không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà.

Bên cạnh đó, tổ chức khai trương bến thuỷ nội địa Sơn Trà đưa hoạt động du lịch đường thuỷ ở bán đảo Sơn Trà vào phục vụ chuyên nghiệp, chất lượng cao. 

Về phía quận Sơn Trà, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch quận cho biết, quận đã có đề xuất việc quản lý bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà. Cụ thể, giao Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà phối hợp với lực lượng biên phòng xử lý tàu thuyền chở khách du lịch tham quan, câu cá, lặn ngắm san hô...không đúng quy định; củng cố hệ thống phao khoanh vùng bảo vệ san hô, kiểm tra, xử lý các hoạt động bị cấm tại vùng thả phao.

Cũng theo ông Hùng, ngày 10/1 vừa qua, UBND quận Sơn Trà cũng đã có ý kiến góp ý phương án quản lý và hướng dẫn hoạt động lặn ngắm san hô trên bán đảo Sơn Trà gửi Sở Du lịch Đà Nẵng. Trong đó có đề xuất lắp đặt hệ thống camera tại khu vực lặn ngắm san hô nhằm phục vụ công tác quản lý và các vấn đề có liên quan nếu có xảy ra tai nạn; các cá nhân và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tai nạn liên quan đến hoạt động lặn ngắm san hô; có yêu cầu đối với du khách lặn ngắm không gây tác động tiêu cực đến môi trường, sự phát triển của rạn san hô...