- Trước tòa, bị cáo Huyền Như khẳng định ngoài việc vay tiền với lãi suất cao, bị cáo không có quan hệ làm ăn gì với nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý. Thế nhưng, nữ đại gia này một mực khẳng định hàng trăm tỷ đồng nhận từ Huyền Như là tiền nữ “siêu lừa” thanh toán cho những phi vụ làm ăn trước đó.
Chiều nay, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn xung quanh khoản tiền giao dịch lên tới cả ngàn tỷ đồng giữa bị cáo Như và nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý - nữ bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù về tội “cho vay lãi nặng”.
Làm rõ số tiền giao dịch
Theo hồ sơ vụ án, chỉ căn cứ vào số liệu thống kê trên 2 số tài khoản thì tính cho tới khi vụ án bị phát hiện, Nguyễn Thiên Lý đã nhận từ Huỳnh Thị Huyền Như tổng cộng 1.296 tỷ đồng. Trong đó, cáo trạng xác định với hành vi cho vay nặng lãi (từ 0,4 đến 3,7%/ngày) Nguyễn Thiên Lý đã thu lợi bất chính tổng cộng 414 tỷ đồng.
Nữ đại gia Nguyễn Thiên Lý hồi phiên tòa sơ thẩm |
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, HĐXX dành khá nhiều thời gian để làm rõ số tiền hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến quá trình giao dịch giữa bị cáo Lý và Huyền Như. Trả lời câu hỏi trước tòa, bị cáo Lý thừa nhận cho Như vay với lãi suất từ 0,4% đến 3,7%/ngày. Tuy nhiên, nữ đại gia này khẳng định số tiền mà cấp sơ thẩm cũng như bản cáo trạng quy kết bị cáo thu lợi bất chính là không đúng.
Lý giải về số tiền tổng cộng 1.296 tỷ đồng đã nhận qua hình thức chuyển khoản mà cơ quan điều tra thu thập được qua các bản sao kê, bị cáo Lý cho rằng nguồn gốc và quá trình giao dịch của số tiền trền được chia làm hai giai đoạn là trước và sau năm 2010.
Theo đó, Lý khai từ năm 2008 bị cáo đã cùng Như hợp tác làm ăn như đầu tư kinh doanh xuất khẩu gạo, mua cổ phiếu, bất động sản với số vốn bị cáo bỏ ra tổng cộng 713 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ nên bị cáo bắt đầu thoái vốn để cơ cấu lại. Lúc này, do bị cáo yêu cầu rút vốn nên bị cáo Như bảo bị cáo mở tài khoản để Như chuyển tiền về.
Sau đó, từ năm 2010 và 2011 bị cáo và Như mới phát sinh giao dịch vay mượn các khoản tiền khác tổng cộng trong vòng 600 tỷ đồng. Đối với số tiền này, bị cáo đã nhận lại khoảng 672 tỷ cả gốc lẫn lãi, Như xác nhận còn nợ bị cáo 200 tỷ đồng. Theo bị cáo thì tổng số vốn bị cáo bỏ ra lên tới 1.200 tỷ.
Trước những lời khai trên, HĐXX đặt câu hỏi với Nguyễn Thiên Lý: “bị cáo quan hệ làm ăn thế nào mà Như chuyển cho bị cáo khoản tiền khổng lồ như vậy? Có tài liệu nào chứng minh đây là tiền làm ăn, tiền bị cáo đầu tư kinh doanh chứ không phải cho vay lãi nặng không?” – “Không”, nữ đại gia cho biết.
Để làm rõ những lời khai trên của Lý, HĐXX mời bị cáo Như lên đối chất. Trả lời câu hỏi của tòa, Huyền Như khẳng định hoàn toàn không có quan hệ làm ăn gì với Nguyễn Thiên Lý ngoài giao dịch vay mượn tiền.
Nữ đại gia xin lại nhà
Là một trong những bị cáo bị kê biên tài sản nhiều nhất (sau Huyền Như) nên Nguyễn Thiên Lý cũng được tòa thẩm vấn khá nhiều về số tài sản bị kê biên. Theo bản án sơ thẩm, quá trình điều tra bị cáo Lý đã nộp tổng cộng hơn 146,7 tỷ đồng, 156.610 EUR, hơn 20.000 USD, sổ tiết kiệm trị giá 19,1 tỷ đồng, 1 ô tô và hàng chục căn nhà, lô đất trị giá nhiều tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Lý đề nghị HĐXX xem xét lại tài sản bị kê biên là 2 căn nhà (tại số 150 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1) và căn nhà 26/4 Trần Quý Cáp, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bị cáo Lý cho rằng căn nhà số 150 Lý Tự Trọng là trụ sở Công ty Diva trong đó có phần của em trai bị cáo và đã có từ trước khi bị cáo quen biết Huyền Như.
Đối với căn nhà 26/4, Trần Quý Cáp thì đó là tài sản chung của cả anh chị em trong gia đình. Hiện tại, cả gia đình, anh chị em bị cáo vẫn ở địa chỉ trên và bị cáo chỉ là người được gia đình ủy quyền đứng tên căn nhà.
Đối với một sổ tiết kiệm trị giá 19 tỷ đồng đứng tên Nguyễn Thị Kim Bình thì đây là tiền bị cáo đã trả nợ cho chị gái bị cáo, không phải là tài sản của bị cáo. Đối với các tài sản còn lại bị tịch thu và kê biên, bị cáo cũng xin HĐXX xem xét cho bị cáo.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục.
M.Phượng