Những người biểu tình tại Cairo (Ai Cập) đã phải chịu một số triệu chứng nguy hiểm sau khi hít phải khí hơi cay do cảnh sát sử dụng. Loại khí này nguy hiểm tới mức nào?

Người biểu tình bị "dính" đạn hơi cay của cảnh sát. Nguồn ảnh: BBC/AFP

Các bác sĩ và các nhà hoạt động tại gần quảng trường Tahrir đã xác nhận một loại khí hơi cay mới do cảnh sát sử dụng gây nên những phản ứng nguy hiểm lên các nạn nhân.

Một tình nguyện viên y tế ở bệnh viện gần với quảng trường cho biết: anh ta nhìn thấy mọi người gặp phải những vấn đề nghiêm trọng với hệ thống thần kinh và ngất xỉu vì động kinh. Những người khác cho biết mọi người còn ho ra máu và bị ngã gục.

Hiện tượng này khiến cho nhiều người nghĩ rằng lực lượng an ninh Ai Cập đang sử dụng một loại khí hơi cay nặng hơn.

Hợp chất hóa học sử dụng trong hầu hết hộp đựng khí hơi cay là o-chlorobenzylidene malononitrile, hay còn được biết là CS. Loại khí này thường được quân đội và các đơn vị cảnh sát dùng như phương tiện để giải tán đám đông nhanh chóng.

Các cấu trúc hóa học khác mạnh hơn - một trong số đó được gọi là CN, tiền thân của CS. Và sau đó là CR - một phiên bản mạnh và công hiệu hơn CS tới 6 lần. CR rất ít khi được sử dụng và bị cấm tại Mỹ vì chất này có thể gây ung thư.

Tuy nhiên cho tới nay, tờ BBC cho biết vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy còn loại khí hơi cay nào được sử dụng ngoài CS.

"Trong các lon hơi cay mà chúng tôi tìm thấy, không có bằng chứng nào cho thấy chúng là các loại độc hại như CR hay CN. Có rất nhiều nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền đều tiến hành điều tra việc này, nhưng không ai phát hiện ra các họp CR hay CN nào cả".

Vậy làm thế nào mà các hộp hơi cay CS lại có thể gây nên các hiện tượng như trên với những người biểu tình?

Các chuyên gia đều đồng tình rằng các tác dụng đặc trưng của các loại khí hơi cay nói chung là cảm giác rát, cay mắt, khó thở, đau ngực, chảy nước bọt và kích ứng da. Nếu bị nặng còn có thể dẫn tới buồn nôn.

Các triệu chứng này có thể diễn ra trong vòng 20-30 giây sau khi hít phải hơi cay, nhưng sau 10 phút sẽ hết khi mà nạn nhân có thể thoát ra vùng không khí thoáng đãng hơn.

Neil Gibson một nhà nghiên cứu cho biết: các loại khí hơi cay với các thành phân khác nhau lại gây nên các tác dụng và mức độ độc hại khác nhau. "Các liều lượng cao hầu như gây nên các tác động không giống nhau, nhưng với các mức cô thấp hơn, chúng y hệt nhau".

Các nhà cầm quyền sử dụng khí hơi cay chủ yếu là dạng CS, bởi vì "nó giúp cho không phải sử dụng tới các biện pháp bạo lực hoặc súng ống" - Alastair Hay, giáo sư về ngành hóa chất độc hại môi trường tại Đại học Leeds cho biết.

Loại chất này ít khi gây chết người, nhưng vẫn có thể xảy ra. Đó thường là hệ quả từ việc cùng lúc sử dụng khí hơi cay và các tác nhân khác, gây nên tình trạng tắc thở.

"Thông thường, sử dụng loại hơi cay này sẽ giúp giảm thiểu hết mức số người thiệt mạng - đó là lý do tại sao các nước đều cần tới loại khí này".

Nhưng sử dụng liên tục loại khí hơi cay này trong các không gian chật hẹp chẳng hạn như trên phố Mohammed Mahmoud gần quảng trường Tahrir lại gây nên các vấn đề rất nguy hiểm.

Người biểu tình sẽ có các triệu chứng khó thở, và có thể dẫn tới ho ra máu.

Đang có giả thuyết cho rằng các lon khí hơi cay do cảnh sát sử dụng đã hết hạn nên khiến cho chúng trở nên độc hại hơn. Những lon này do người biểu tình nhặt lại để làm bằng chứng.

  • Lê Thu (theo BBC)