Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng (chủ khu du lịch Đại Nam), đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 12.2013.

Đà từng kết luận 'đúng luật'

Ở góc độ quản lý nhà nước, chiếu theo các quy định liên quan đến khu công nghiệp và đất đai, Bình Dương đã đi sớm trong việc đưa ra phương án chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp (Việt Nam – Singapore 2, Đại Đăng, Kim Huy, Đồng An 2…). Ít nhất từ những năm 2006, UBND tỉnh đã quy hoạch “khu ở” trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 khi chưa có chính sách rõ ràng từ Chính phủ.

Trước đó, một nghị định năm 1999 ban hành “Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao” chỉ nêu ngắn gọn: trong khu công nghiệp “không có dân cư sinh sống” và gợi ý “phải tính đến các khu dân cư, lao động phục vụ khu công nghiệp”. Khu dân cư ở đây được hiểu là ở ngoài và bên cạnh khu công nghiệp.

Gần hai năm, sau ngày tỉnh Bình Dương ký văn bản cho phép trong khu công nghiệp Sóng Thần 3 có “khu ở”, Chính phủ mới có một nghị định mới quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (thay nghị định năm 1999), trong đó mới đặt vấn đề có khu nhà ở cho công nhân.

{keywords}

Liền sau đó là các nghị quyết của Chính phủ, đề cập chi tiết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung. “Khu ở” hay “nhà ở công nhân” được hiểu là nhà cho công nhân hay người làm việc tại khu công nghiệp đó thuê, hết thời hạn thuê sẽ được mua và được cấp sổ đỏ.

Lúc này, mọi chuyện mở toang. Theo luật, nhà đầu tư như Công ty cổ phần Đại Nam sẽ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân. Sau khi xong hạ tầng, Công ty Đại Nam được xây nhà ở hoặc chuyển giao đất bằng cách cho các nhà đầu tư khác thuê đất xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

UBND tỉnh khi duyệt quy hoạch khu nhà ở công nhân có thể cho phép chủ đầu tư sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn bù đắp chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khu nhà ở công nhân.

Nếu chỉ dừng ở giới hạn cho phép Công ty Đại Nam xây nhà cho công nhân thuê như phê duyệt dự án ban đầu, mọi việc đã không có gì tranh cãi. Nhưng ở đây, UBND tỉnh đã đi “lố”, vượt ra ngoài các quy định khi phóng tay giao “đất ở lâu dài” cho Công ty Đại Nam.

Chưa dừng lại, trong một lần kiểm tra dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3 theo lệnh của UBND tỉnh (đoàn kiểm tra liên ngành gồm nhiều sở, ngành), đoàn kiểm tra vẫn kết luận “Công ty Đại Nam phân lô, góp vốn là đúng luật”. Mặc dù tại Điều 84 Nghị định 18/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định: thời hạn sử dụng đất trong khu công nghiệp theo thời hạn của dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Chỉ đến khi Tỉnh ủy Bình Dương đặt vấn đề về tính hợp pháp của việc góp vốn, phân lô (bản chất là bán đất ở trong khu công nghiệp) tại dự án khu công nghiệp Sóng Thần 3, Sở Xây dựng và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương mới "giật mình".

Gỡ sao đây?

Trở lại thời điểm năm 2009, chỉ đến khi Tỉnh ủy Bình Dương trong một cuộc họp đã cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khu công nghiệp sang đất ở cho khu công nghiệp Sóng Thần 3 “có vấn đề”, dẫn đến chủ đầu tư kêu gọi góp vốn, phân lô cũng trái luật, lúc đó các cơ quan tham mưu (Sở Xây dựng và ban quản lý các khu công nghiệp) mới vội vàng... sửa sai.

Tuy nhiên, lúc phát hiện ra lỗ hổng khi ra văn bản cho phép Công ty cổ phần Đại Nam (chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 3) chuyển mục đích sử dụng đất sai với quy định của pháp luật, đáng lẽ UBND tỉnh phải chấp nhận phương án thu hồi quyết định đã ban hành, bồi thường thiệt hại cho Công ty Đại Nam, nhưng nhà quản lý lại chọn phương án khác khi giải quyết hậu quả.

Ban đầu, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương tham mưu cho UBND tỉnh nên điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất của khu đất hơn 32 hecta (đã đưa vào góp vốn) sang khu nhà ở thương mại, cho Công ty Đại Nam xây nhà ở hoặc giao đất đã phân lô cho người góp vốn.

Sau đó, nhiều sở ngành đã tư vấn cho Công ty Đại Nam làm thủ tục xin UBND tỉnh điều chỉnh khu công nghiệp Sóng Thần 3 theo phương án tách làm hai: khoảng 400 hecta làm khu công nghiệp, hơn 133 hecta (trong đó có 61 hecta đã giao chuyển mục đích sang đất ở lâu dài sai mục đích) làm khu dân cư đô thị.

Liệu chừng sự “phóng tay” ký lố thẩm quyền, cho chuyển đổi đất khu công nghiệp thành đất ở dài hạn của nhà quản lý chỉ xảy ra với Công ty Đại Nam, hay còn với nhà đầu tư nào khác?

Công ty Đại Nam nhanh chóng đồng ý, vì cách này cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương “giảm diện tích đất công nghiệp, tăng diện tích đất đô thị - dịch vụ” khi phấn đấu xây dựng đô thị loại 2.

Sau khi Công ty Đại Nam lập dự án xin tách khu công nghiệp Sóng Thần 3 thành hai dự án: khu dân cư đô thị (khoảng 133 hecta, trong đó có khu đất giao sai mục đích) và khu công nghiệp (khoảng 400 hecta), trong đó công ty Đại Nam trình luôn quy hoạch chi tiết 1/500 phần dự án dân cư đô thị.

UBND tỉnh cho rằng phải chờ Bộ Xây dựng phê duyệt trước. Lý do là nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương đều có kiến nghị thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng đất đô thị, dịch vụ, giảm đất công nghiệp. Khu liên hợp (do BECAMEX làm chủ đầu tư) do Bộ Xây dựng phê duyệt dự án, hiện tại BECAMEX đang sửa quy hoạch chi tiết khu liên hợp và trình Bộ Xây dựng. Khi nào bộ duyệt xong, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào quy hoạch mới, duyệt quy hoạch chi tiết cho từng khu công nghiệp trong khu liên hợp.

Như vậy, việc giải quyết hậu quả cho Công ty Đại Nam chỉ dừng lại ở giới hạn đề xuất, phần phê duyệt điều chỉnh (để sửa sai) đã bị UBND tỉnh bỏ lửng đã 4 năm nay. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam, phát đơn tố cáo.

Dư luận sẽ đặt dấu hỏi trong tương lai khi giải quyết tố cáo: các bên sẽ xử lý hậu quả thế nào đối với người đã lỡ góp vốn mua đất của Công ty Đại Nam? Hoặc những thiệt hại khác khi một quyết định hành chính sai được ban hành, như “treo” dự án của nhà đầu tư nhiều năm mà không có một trả lời hay giải quyết chính thức từ nhà quản lý, tính sai tiền sử dụng đất, vuột mất những cơ hội làm ăn của doanh nghiệp… sẽ giải quyết thế nào.

Chưa kể trách nhiệm hành chính của nhà quản lý hay người đã ban hành quyết định hành chính sai, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ bị xử lý, chế tài ra sao, kể cả khi vị cán bộ đó đã về hưu.

Để đong đầy, tính đủ những thiệt hại vật chất, nhiều khả năng sau đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng sẽ là một phiên tòa phân xử giữa ông Dũng và chính quyền tỉnh Bình Dương xem bên nào thắng - bên nào thua. Và liệu chừng sự “phóng tay” ký lố thẩm quyền, cho chuyển đổi đất khu công nghiệp thành đất ở dài hạn kiểu như trên của nhà quản lý chỉ xảy ra với Công ty Đại Nam, hay còn với nhà đầu tư nào khác?

(Theo motthegioi)