- “Ban Quản lí đã bàn giao toàn bộ mặt bằng và hiện trạng cho đơn vi thi công, đến thời điểm hiện tại BQL chưa nghiệm thu. Do vậy, đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc này”.

Liên quan đến vụ việc sập trần nhà ở Trường tiểu học Đa Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến bốn cô trò bị thương, chiều 4/10, trao đổi  với PV VietNamNet, ông Đào Đức Minh - Phó Giám Đốc Ban Quản lí Dự án huyện Gia Lâm cho biết, dự án xây dựng trường gồm 2 giai đoạn với nhiều hạng mục khác nhau, do UBND huyện làm chủ đầu tư, ủy quyền cho Ban Quản lí Dự án huyện Gia Lâm thực hiện.

Tổng dự án này có kinh phí lên đến gần 30 tỉ đồng. Hạng mục sửa chữa cải tạo khu nhà 2 tầng gồm 10 phòng học chỉ là một hạng mục nhỏ trong toàn bộ dự án, với mức đầu tư là 2 tỉ 376 triệu đồng.

Cháu Hiếu vừa trải qua ca phẫu thuật mổ não, hiện tại sức khỏe có dấu hiệu tiến triển tốt, dần bình phục trở lại - ảnh Anh Tuấn

Hạng mục này được triển khai thi công từ cuối tháng 7/2011, hiện tại vẫn đang trong quá trình sửa chữa chưa hoàn thiện (mới xây dựng xong toàn bộ phần thô, phần điện, cầu thang, sơn bả chưa hoàn thiện).

Đến đầu tháng 9 vừa qua, do nhu cầu lớp học, đơn vị thi công và nhà trường đã thỏa thuận để cho mượn tạm tổ chức lớp học trong lúc chờ sơn.

“Hiện tại cơ quan chức năng chưa xác định được đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản kinh phí này. Nếu không xác định được sẽ kiến nghị UBND huyện chi tiền ngân sách để khắc phục” - ông Đào Đức Minh nói.

“Ban Quản lí đã bàn giao toàn bộ mặt bằng và hiện trạng cho đơn vi thi công, đến thời điểm hiện tại BQL chưa nghiệm thu dự án đưa vào sử dụng. Đơn vị thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc này”- Ông Minh lí giải.

Nguyên nhân theo ông Minh, do chất lượng panel từ 20 năm trước, không có độ kết dính với vữa trát trần mới nên dẫn đến vụ việc. “Trong quá trình lập dự án, đơn vị tư vấn giám sát đã không lường hết được sự việc khi chưa kiểm định chính xác chất lượng panel”- ông Minh nói.

Dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học đang được nâng cấp sửa chữa. 

Qua quá trình và kiểm tra toàn bộ khối nhà 2 tầng với 10 phòng học đang được nâng cấp sửa chữa này, cơ quan chức năng nhận thấy tất cả trần các phòng học và hành lang đều xuất hiện các vết rạn nứt.

Về biện pháp khắc phục, ông Minh cho biết, dự tính sẽ ốp nhựa hoặc thay trần thạch cao để đảm bảo an toàn. Kinh phí dự tính nếu trần thạch cao cho toàn bộ 10 phòng học ở dãy nhà này lên đến gần 500 triệu đồng.

“Hiện tại cơ quan chức năng chưa xác định được đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản kinh phí này. Nếu không xác định được sẽ kiến nghị UBND huyện chi tiền ngân sách để khắc phục”- ông Minh nói.

Sau khi xảy ra sự cố, BQL dự án yêu cầu đơn vị thi công đóng cửa tất cả các phòng học và rào toàn bộ khu vực nhà học 2 tầng để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Theo tìm hiểu, đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư là Cty CP tư vấn, đầu tư và xây dựng CDCC còn đơn vị tư vấn giám sát là Cty CP tư vấn và xây dựng Gia Lâm.

Sức khỏe cháu Hiếu dần bình phục

Cháu Hiếu vừa trải qua ca phẫu thuật mổ não, hiện tại sức khỏe có dấu hiệu tiến triển tốt, dần bình phục trở lại. Tuy nhiên cánh tay trái vẫn chưa thể cử động được do ảnh hưởng chấn thương ở não.

Kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Đào (28 tuổi, mẹ của cháu Hiếu, trú ở thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) - thuộc diện nghèo nhất xóm. Hai vợ chồng quanh năm sống bám vào mấy sào ruộng, thỉnh thoảng đi làm thuê làm mướn ở Bát Tràng chắt chiu mãi mỗi tháng thu nhập chỉ được hơn 2 triệu đồng.

Bỗng dưng tai nạn ập xuống lo lắng không biết kiếm đâu tiền chạy chữa cho con. Mấy ngày nay, 2 vợ chồng bỏ tất cả mọi việc, tất tả thay phiên nhau ra viện trông con.

Bây giờ chỉ mong sao sức khỏe của cháu mau chóng bình phục trở lại, còn về sau này thì không biết được sẽ ảnh hưởng như thế nào” - chị Đào lo lắng.

  • Anh Tuấn