Xe cấp cứu bị nạn: Lái xe buồn ngủ
Xe chở người chết gặp nạn, 4 người tử vong
Như VietNamNet đã đưa tin, trong số 5 người thân đi đón thi thể anh Nguyễn Nhân Tú bị chết vì tai nạn giao thông hơn 4 tháng từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) về Nghệ An, có 3 người phải bỏ mạng và 2 người khác bị thương phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Đại tang nơi xóm nghèo
Tang chồng lên tang. Đó là nỗi đau cùng cực sau vụ tai nạn thảm khốc sáng ngày 12/4, cướp đi thêm 3 người thân của gia đình anh Nguyễn Nhân Tú trên chuyến xe cứu thương tử thần.
|
Quê nghèo chứng kiến 4 cái đám tang trong 2 ngày - Ảnh: Quốc Huy |
Chiều 12/4, đúng 4 tháng 2 ngày, thi thể anh Nguyễn Nhân Tú đã được người thân, bà con lối xóm tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối tại nghĩa trang xã Hiến Sơn.
Khoảng 22 giờ đêm cùng ngày, thi thể anh Trần Đăng Kiêu được đưa về nghĩa trang, mai táng trong đêm. Anh Kiêu là em rể anh Tú.
Đến sáng 13/4, cả xóm nghèo ở xã Hiến Sơn lại tiếp tục đưa anh Nguyễn Nhân Nam là anh ruột của anh Tú ra đồng. Chị Tình, vợ anh Tú thảng thốt than khóc: “Mới hôm qua đưa tang chồng, đêm thì tiễn em rể, sáng lại đưa anh trai chồng, rồi chiều đưa tang chú. Trời ơi, tôi chết mất thôi. Ai cũng bỏ mẹ con tui ra đi thế thì sống mần chi nữa...”.
Chiều 13/4, nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn thảm khốc là anh Trần Hữu Cổn, Phó Bí thư xã Hiến Sơn được người thân và chính quyền mai táng. Khuôn mặt vợ con anh Cổn nhợt nhạt đi vì khóc thương cho chồng, cha suốt đêm. Tiếng trống, tiếng kèn tang ngân lên ai oán suốt dọc đường đưa tang.
“Con muốn chết cùng cha”!
Chúng tôi đã đến, đã chứng kiến,… và đã khóc trước nỗi đau tột cùng trong đại gia đình này. Con mất cha, vợ mất chồng, anh mất em và chú mất cháu...
4 người đàn ông bỏ mạng vì tai nạn giao thông. Sự ra đi đột ngột của họ đã để lại 4 người vợ hiền và 11 người con thơ mà suốt phần đời còn lại phải chịu cảnh mồ côi cha.
Chị Trần Thị Tình và 3 đứa con nhỏ từ nay sẽ vắng những cuộc điện thoại từ nước ngoài gọi về dặn dò như trước nữa. |
Tâm sự với cháu Nguyễn Nhân Anh (11 tuổi, con cả anh Tú), cháu bảo rằng nhớ là những ngày bố thường xuyên gọi điện về dặn dò: “Cha nói là thương con và nhớ 3 con lắm. Ở nhà con phải chịu khó học hành, là anh lớn thì phải giúp mẹ và 2 em nữa. Hôm nào cha về sẽ mua quà cho cả 3 con”.
Nói xong, Anh úp mặt vào người mẹ, và lại khóc. 2 đứa nhỏ là Yến Nhi và Yên Thương đang theo học lớp mẫu giáo thì không hề hay biết cha mình đã qua đời được hơn 4 tháng qua.
Người anh trai tội nghiệp Nguyễn Nhân Nam cũng phải bỏ mạng khi đưa thi thể em trai về quê mai táng. Sự ra đi của anh cũng để lại vợ và 2 người con là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1995 - học sinh lớp 10) và Nguyễn Nhân Tài (SN 1998 – học sinh lớp 7).
|
Khi chúng tôi đến nhà là lúc mọi người đang làm lễ cầu siêu cho anh Nam. Mấy đứa con và vợ anh nằm khóc lăn đến thảm lòng: “Cha ơi. Cha nói là đi ra Hà Nội đón chú rồi về với các con mà. Răng giờ cha không giữ lời hứa với con. Chú đi rồi sao cha lại theo chú hả cha? Con cũng không muốn sống nữa…”.
Chúng tôi đến nhà nạn nhân Trần Hữu Cổn (SN 1965), anh mất đi để lại 2 người con là Trần Thị Huệ (SV năm thứ 3, Trường CĐ kinh tế công nghiệp HN và em Trần Hữu Hoàn (SN 1992, đang chuẩn bị ôn thi đại học).
Em Huệ vừa khóc vừa kể lại những ngày xa quê đi học và nhớ cha mẹ: “Từ bữa Tết đến giờ em chưa về nhà. Em nhớ cha mẹ lắm. Hôm cha ra đến sân bay Nội Bài thì gặp được một lúc rồi mấy anh em, cha con đi ăn. Rứa mà cha lại bỏ mẹ và các con ra đi. Con nhớ cha lắm. Con muốn chết cùng với cha luôn cho rồi”.
Nạn nhân Trần Đăng Kiêu (SN 1971) mất đi để lại người vợ cùng 4 đứa con là Trần Thị Trang (SN 1992), là sinh viên năm nhất Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường; Trần Thị Sang (SN 1993), là sinh viên năm đầu Trường Trung cấp tiểu thủ công nghiệp Vinh (Nghệ An), Trần Thị Sương (SN 2004 – học lớp 1) và Trần Đăng Bá (SN 2008).
Em Trần Thị Trang con của anh Kiêu ngất lịm đi khi biết tin cha mình chết vì tai nạn giao thông. |
Trang nhớ lại giây phút cha con gặp nhau và những lời căn dặn tại sân bay Nội Bài: “Cha nói là con lo mà học. Ở nhà cha thương mẹ lắm. Ở Hà Nội thì em cũng đi làm thêm bán cơm văn phòng cho một công ty, mỗi tháng cũng kiếm được gần 500.000 ngàn đồng. Ban đầu em nghe nói cha bị tai nạn, em nghĩ là chỉ bị nhập viện bình thường. Nhưng khi về đến trước cổng nhà, thấy chiếc xe tang thì em ngất đi vì biết chắc là cha đã qua đời”.
Chiều nắng gắt. Dòng người đưa tiễn thi thể anh Trần Hữu Cổn về đến nghĩa trang cũng là lúc nhiều người thân của anh quỵ xuống, rồi ngất lịm giữa nghĩa trang. Người vợ của anh là chị Nguyễn Thị Hạnh, đầu quấn trắng khăn tang kêu than trách: “Tú ơi là Tú. Răng cháu mất đi còn kéo cả chú đi nữa. Biết thế này thì em không cho anh đi đâu hết”.
Vừa nói xong, chị Hạnh ngất lịm đi trong vòng tay người thân, y tá phải tiêm thuốc trợ sức cho chị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Hinh, Chủ tịch UBND xã Hiến Sơn cho hay: “Trước nỗi đau tột cùng của người dân, chúng tôi đề nghị phía Công ty GETRACO cần có những hỗ trợ cho gia đình nạn nhân một cách thỏa đáng. Hơn nữa, đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ sự vô trách nhiệm của công ty khi để lao động chết hơn 4 tháng mới đưa về quê”.
Quốc Huy
Đớn đau cùng cực trong một gia đình
Xe cấp cứu bị nạn: Lái xe buồn ngủ
Xe chở người chết gặp nạn, 4 người tử vong