– Các cặp vợ chồng trẻ chán nản cuộc sống hôn nhân ngay sau ngày cưới vì những thay đổi phát sinh khi sống cùng nhau. Có không ít các cặp đôi yêu nhau mãnh liệt, bất chấp cả sự phản đối của gia đình để đến với nhau nhưng cuối cùng cũng “đường ai nấy đi” sau một thời gian ngắn chung sống.
Liên tiếp “vỡ mộng”
Tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ tại Việt Nam có xu hướng gia tăng (Ảnh minh họa: megafun) |
Vừa đi nghỉ tuần trăng mật về (tuần trăng mật muộn sau ngày cưới khoảng 2 tháng), chị Loan đã lên mạng than “chán chồng đến tận cổ” với bạn bè.
Chính chị cũng không ngờ sau khi cưới chồng mình lại thay đổi nhiều đến như vậy: Không đưa vợ đi chơi sau giờ làm, không giúp vợ việc nhà như lời hứa trước khi cưới. Chưa hết, chồng chị ngày càng bộc lộ bản tính luộm thuộm đến mức khó chấp nhận.
Sau giờ làm, chồng chị Loan chỉ có 2 việc: hoặc là đi nhậu với bạn bè, hoặc là ngồi ôm tivi đến lúc vợ giục đi ăn cơm mới thèm đứng dậy. Ăn xong là chồng chị đi tắm, quần áo cũng không giúp vợ cho vào máy giặt. Từ đó đến lúc lên giường, anh chỉ cắm đầu chơi game trên máy tính.
“Được lời như cởi tấm lòng”, nhiều chị em khác cũng vào “kể khổ”. Có những người mới cưới nhưng chồng bỗng dưng đánh rơi hết lãng mạn khi chỉ biết đi làm và đi làm, không còn quan tâm chăm sóc như hồi còn yêu. Lại có người than vãn vì đời sống chăn gối không như ý, vợ chồng trẻ mà một tháng chỉ “đôi ba lần”, có cũng như không.
“Cực nhất” là những người vợ từ nhỏ đã ở thành phố, không quen sống cảnh nhà thuê chật chội nhưng vì yêu nên chấp nhận thuê nhà trọ chật chội ở với chồng. Nhưng cảnh “bếp cạnh giường, giường cạnh toa-lét” không làm chị mệt mỏi bằng chuyện chồng mình như biến thành một người khác.
Nếu thấy vợ mệt mỏi chưa kịp giặt đồ là bắt đầu cằn nhằn. Vợ “nũng nịu” muốn chồng giặt cùng thì chồng cau mặt mắng vợ là “con gái mà lười nhác, quen sống sung sướng rồi nên giờ không chịu khổ được phải không?”.
Thấy chị em “kể lể”, nhiều anh em cũng lên tiếng để tự bênh vực mình. Các ông chồng cho rằng nhiều bà vợ cũng thay đổi hoàn toàn sau ngày cưới. Những hình ảnh xinh đẹp lung linh biến mất, thay vào đó là hình ảnh một người vợ ăn mặc thiếu tươm tất, nói nhiều và đòi hỏi quá nhiều ở chồng (chẳng hạn như đi làm xong nhất thiết phải về nhà với vợ, đi đâu cũng phải cho vợ đi cùng, vv…) khiến họ ngộp thở vì mất hết tự do.
Trong những câu chuyện được kể ra, có nhiều người thành thực chia sẻ mình ly hôn sau khi cưới khoảng 6 tháng và đó là một quyết định rất khó khăn. Đặc biệt có những cặp đôi “hết mình vì yêu”, trước khi cưới bị cha mẹ phản đối nhưng vẫn quyết lấy bằng được, đến khi hôn nhân lục đục không dám chia tay đành cố sức chịu đựng nhưng sau 2 năm vẫn “đường ai nấy đi”.
Tỷ lệ gia đình trẻ ly hôn ngày càng cao
Trong ảnh là My “sói” (áo vàng) – nhân vật từng gây xôn xao dư luận cách đây chưa lâu. My “sói” là điển hình cho vấn đề cha mẹ ly hôn – con cái bỏ đi bụi đời vì thiếu hụt sự quan tâm. Ảnh: VietNamNet) |
Số liệu của đợt tổng điều tra dân số vào tháng 4/2009 không nêu rõ tình trạng hôn nhân của người Việt Nam nên các chuyên gia không có thông tin để đánh giá chính xác về tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê thì năm 2000 cả nước có 51.000 vụ ly hôn; năm 2004 có 60.000 vụ và đến năm 2006 đã có tới gần 70.000 vụ ly hôn.
Nghiên cứu xã hội học về thực trạng ly hôn năm 2006 của PGS. TS Nguyễn Minh Hòa – trường ĐH KHXHNV (TP.HCM) cũng cho thấy tỷ lệ ly hôn ở các gia đình trẻ (từ 20-30 tuổi) chiếm đến 60% tổng số vụ ly hôn trong cả nước.
Trong số các cặp vợ chồng trẻ từ 20-30 ly hôn thì có tới 70% cặp tan vỡ khi đã có con khiến mỗi năm TP.HCM có khoảng 50.000 trẻ em rơi vào cảnh thiếu bố hoặc mẹ.
TS Khuất Thu Hồng (Viện phó Viện nghiên cứu phát triển) cho biết, trong số những cặp vợ chồng trẻ ly hôn, có cặp vì cảm thấy không hòa hợp khi sống cùng nhau, có cặp bước vào rồi mới nhận ra mình chưa sẵn sàng cho cuộc sống gia đình vì họ còn quá trẻ hoặc vẫn còn quá ham chơi. Khi cưới, họ chỉ xác định một điều “hết mình vì yêu” mà không nghĩ đến việc họ phải thay đổi để thích ứng với cuộc sống mới. Vì thế, họ chia tay nhau.
Sở dĩ vì sao họ chia tay nhau dễ dàng sau một thời gian ngăn, theo bà Hồng, là vì: “Hiện nay chuyện ly hôn không còn bị coi là một cái gì đó quá kinh khủng như trước đây. Hơn nữa, khả năng làm lại của một người từng đổ vỡ là rất cao, kể cả phụ nữ. Nếu không làm lại thì người đã ly hôn vẫn có thể có nhiều cách để thỏa mãn những nhu cầu trong đời sống của mình. Vì vậy những cặp vợ chồng có nhiều lựa chọn để không phải bó buộc vào những mối quan hệ mà họ cho là gánh nặng của mình”.
Hiện nay, tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam đang ở mức thấp so với thế giới (trung bình cả ở nông thôn lẫn thành thị là khoảng 5%). Tuy vậy, bà Hồng đánh giá trong tương lai xu hướng trên sẽ còn tiếp tục lan rộng. Đó là hệ quả tất yếu trong một xã hội có nền kinh tế được ưu tiên phát triển mạnh.
“Giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như mọi người vẫn tưởng. Để vượt qua những xung đột giữa những cá thể (mỗi cá thể có một cá tính riêng biệt) thì rất cần sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ từ cả hai phía”, Tiến sỹ Hồng nhấn mạnh.
N.Anh