Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn vùng cao huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, góp phần đảm bảo an ninh – quốc phòng tại khu vực biên giới.

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhân dân các dân tộc trong huyện Quản Bạ đã đóng góp nhiều công sức, vật chất tham gia cùng Nhà nước, như hiến trên 13.300 m2 đất, đóng góp 15.300 ngày công lao động, đóng góp trên 1,8 tỷ đồng tiền mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Tại xã Thanh Vân, người dân thôn Thanh Long rất vui mừng, phấn khởi vì con đường xuống cấp trước kia đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp và mở rộng. Từ nay, bà con đã có con đường mới rộng rãi, thuận tiện để đi lại, lưu thông hàng hóa.

W-img-20230406-1020382-1.jpg
Đường giao thông trong huyện được nâng cấp, sửa chữa.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, UBND tỉnh đã cấp 1.624 tấn xi măng cho huyện thực hiện 206 đầu điểm công trình tại 12 xã và làm được 22,653 km đường giao thông các loại. Nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp vào xây dựng nông thôn mới được sử dụng trên cơ sở lấy ý kiến của người dân nên đảm bảo tính minh bạch, việc sử dụng nguồn lực phù hợp với nhu cầu người dân. Cấp xã và cộng đồng quyết định, giám sát đầu tư đảm bảo theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” có sự tham vấn, lấy ý kiến của người dân và sự giám sát của Ban giám sát cộng đồng.

Bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang, sạch đẹp, bà con đã đầu tư công sức vào chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, khuôn viên sạch đẹp. Số lượng nhà tạm, nhà dột nát đang dần được xóa bỏ, thay thế bằng những căn nhà kiên cố, khang trang, đạt chuẩn theo quy định.

Đồng thời, người dân cũng tích cực đóng góp tiền, ngày công, hiến đất... để cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu như: Đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, y tế, nước sạch... từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, số thôn văn hóa ngày càng tăng. Toàn huyện có trên 9.900 hộ đạt gia đình văn hóa; 90 thôn, tổ dân phố văn hóa.

Đến nay, huyện Quản Bạ có 4 xã đạt tiêu chí về giao thông; 7 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 9 xã đạt tiêu chí về điện; 6 xã đạt tiêu chí về trường học; 4 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 8 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 10 xã đạt tiêu chí về thông tin truyền thông; 6 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư. Có 3 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 7 xã đạt tiêu chí về lao động có việc làm; 3 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 6 xã đạt tiêu chí về trường học; 10 xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, các xã đã tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Huyện Quản Bạ đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP về chi phí thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm tham gia chu trình OCOP, in tem, bao bì. 

Hiện nay, toàn huyện có 28 sản phẩm đạt sao OCOP. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại thu nhập cao. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập mới và hoạt động hiệu quả hơn, từng bước giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn 52,73%, số hộ cận nghèo là 12,84%.

Phát triển du lịch nông thôn cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Huyện Quản Bạ đã triển khai xây dựng nhiều điểm du lịch như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ; địa điểm du lịch H’Mông ở xã Đông Hà, xã Cán Tỷ; Hợp tác xã dệt lanh xã Lùng Tám; hang động Lùng Khúy; hang Khố Mỷ; hoa đào thôn Vàng Chá Phìn, Chín Chu Lìn, xã Cao Mã Pờ; Khu du lịch Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cùng sự đồng lòng của nhân dân, bộ mặt nông thôn vùng cao đã có nhiều thay đổi rõ nét, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đạt những thành quả này, công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới đóng vai trò rất quan trọng. Các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể huyện Quản Bạ luôn quan tâm đổi mới phương thức truyền thông, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ thực hiện chương trình.

Đồng thời, tuyên truyền còn đi liền với giám sát và phản ánh thực tế xây dựng nông thôn mới của địa phương. Kịp thời ghi nhận, biểu dương, động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo tại mỗi đơn vị, mỗi khu dân cư, góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, cũng như những kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện

Thời gian tới, huyện Quản Bạ tiếp tục xây dựng chủ đề truyền thông phù hợp theo từng năm nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả. Mở rộng đối tượng truyền thông, thúc đẩy nhận thức và thông tin đến cán bộ cơ sở, cộng đồng, người dân, đặc biệt là người tiêu dùng, tổ chức thương mại, khách du lịch nhằm phát triển thị trường nông sản, sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông. Phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV