Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 3 triệu hộ, 14 triệu người, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn có sự quan tâm đặc biệt, đời sống của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vùng dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Vẫn còn trên 20.000 thôn đặc biệt khó khăn, tồn tại 5 nhất so với cả nước, đó là: Vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ người nghèo cao nhất. Mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả nước chưa được thu hẹp, chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 52% tổng số hộ nghèo của cả nước. Chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng dân tộc và miền núi thấp: 21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Vẫn còn hơn 54.000 hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 223.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật được nhận định là những nguyên nhân khách quan của những khó khăn, thách thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân chủ quan là hệ thống chính sách phát triển kinh tế, xã hội dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự đồng bộ, chưa bảo đảm gắn kết thống nhất; hầu hết các chính sách đều mang tính chất hỗ trợ. Mặt khác, vẫn còn hơn 10 đầu mối xây dựng, quản lý chính sách dân tộc, trách nhiệm chưa thật rõ ràng, nguồn lực bị phân tán, dàn trải, nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, các chương trình, đề án nên khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm.

Trong số những chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số không thật sự hiệu quả, dễ nhận thấy nhất là chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách. Do hỗ trợ bằng tiền mặt nên hầu hết người thụ hưởng sử dụng không đúng mục đích. Mặt khác, việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền đã làm một bộ phận người dân ngày càng trông chờ, ỷ lại. Đối với chính sách hỗ trợ cây, con giống cũng chưa thực sự hiệu quả do nhiều địa phương cùng đồng thời triển khai nhiều chính sách như chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 30a; Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới… nên nhiều hộ không sử dụng hết cây giống do được cấp cùng lúc quá nhiều.

Trong bối cảnh đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đề án xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020. Định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chúng ta có thể hi vọng việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 

Vũ Lụa, Bích Hạnh, Ánh Tuyết, Diệu Bình, Kiêu Oanh