Phát triển hạ tầng giao thông với tầm nhìn xa

Qua hơn 20 năm, mạng lưới giao thông đã nối liền tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung, thông thương với các nước bạn Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.

Hơn 10 năm qua, hàng loạt các tuyến đường, công trình huyết mạch quan trọng đã và đang được đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới như: đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh thành phố Kon Tum, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 40B; các đường tỉnh cùng nhiều tuyến đường huyện, đường đô thị, đường giao thông nông thôn được xây dựng, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung.

Bước sang giai đoạn mới, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025 là phát triển giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông – Tây.

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch phát triển tỉnh Kon Tum. Theo đó, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế. Tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, khu vực dân cư, đô thị, du lịch. Phát triển ngành dịch vụ logistic chuyên ngành vận tải và tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy hạ tầng thương mại

Việc hỗ trợ bà con khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tiêu thụ nông sản và cung ứng các mặt hàng thiết yếu có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. Hiệu quả hoạt động của mô hình điểm thương mại hai chiều sẽ đặt nền tảng để các địa phương tiếp tục triển khai nhân rộng để hoạt động thương mại vùng sâu, vùng xa ngày càng sôi động và phát triển.     

W-anhthuhoach.png
Thu hoạch mủ cao su ở huyện biên giới Ia H’Drai

Ở nhiều vùng nông thôn, nhất là các khu vực khó khăn, vùng đồng bào DTTS, hạ tầng thương mại phát triển còn chậm. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng của người dân ngày càng gia tăng; sản xuất tại một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm thế mạnh của địa phương ngày càng đa dạng.

Do đó, việc xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho địa phương tại khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS là hết sức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa.

Trước yêu cầu thực tiễn đó, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Bộ Công thương đã hỗ trợ tỉnh ta xây dựng mô hình điểm thương mại hai chiều.

Theo đó, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát và lựa chọn Hợp tác xã Hoa Thiên Đăk Kôi (thôn Kon Đó, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) để xây dựng mô hình thương mại hai chiều tại xã Đăk Kôi. Vừa qua, điểm bán hàng này đã chính thức được khai trương và đi vào hoạt động.

 Mô hình được xây dựng nhằm cung cấp những hàng hóa thiết yếu, vật tư nông nghiệp chất lượng cho người dân trong vùng, từ đó, từng bước hình thành thói quen tiêu thụ hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho người dân. Đồng thời,  hỗ trợ thu mua, tiêu thụ những sản phẩm hàng hóa do bà con làm ra, nhất là những mặt hàng OCOP, đặc trưng của địa phương. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong giao lưu thương mại, góp phần ổn định thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Đăk Kôi và các vùng lân cận, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.

Với việc chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, cùng với những chính sách đầu tư thiết thực với hạ tầng thương mại đã và đang góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Kontum.

Huy Phúc và nhóm PV, BTV