Ngày 10/8, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng.
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, trong 9 nhiệm vụ được giao tại Hội nghị vào tháng 5, đến nay đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ là: (i) Đã bổ sung quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư; (iii) Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.
Cùng với đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua của vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.
Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 452.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, 31% xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).
Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%. Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TPHCM đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký).
Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến các kết quả đã đạt được sau Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hội đồng điều phối vùng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thành các nhiệm vụ; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần phải nỗ lực hơn, cố gắng hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cần chủ động giải quyết vấn đề, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời; trong đó từ nay đến cuối năm tập trung giải quyết các vấn đề như rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 của các cấp để tập trung hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.
Cùng với đó, tập trung triển khai công tác quy hoạch thông qua kế hoạch thực hiện quy hoạch; Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý của các Luật như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật PPP, Luật tài sản công, Luật Khoáng sản…; tập trung góp ý, cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa Luật Đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để cho đầu tư phát triển.
Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm và các lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây; tập trung cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau giải quyết các khó khăn, vướng mắc, mở ra kết nối trong vùng tốt hơn.
Tập trung cho ba đẩy mạnh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, dẫn dắt, thu hút đầu tư vào xã hội cho phát triển nhanh bền vững; đẩy mạnh ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tập trung vào các ngành mới nổi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo động lực mới góp phần thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh.