Quế được xem là cây “vàng xanh” đối với đồng bào Dao ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Với tổng diện tích trồng quế khoảng 52.000ha (chiếm hơn 55,7% diện tích quế toàn tỉnh Yên Bái), cây quế đã trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, huyện Văn Yên đã vận động người dân trồng quế theo từng vùng và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm "nông nghiệp xanh" nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tương tự, tại huyện miền núi Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, cây quế không chỉ là sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, mà còn là biểu tượng của cuộc sống sinh hoạt tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao. Đặc biệt, vườn quế còn được coi như một tài sản lớn trong gia đình của đồng bào dân tộc miền núi Bắc Trà My. Hiện tại, ở nhiều địa phương tại Bắc Trà My, quế được trồng ở khắp mọi nơi, trong rừng, trên đồi, xung quanh vườn nhà. Hộ ít nhất cũng vài trăm cây, nhiều thì tới vài héc ta, bởi cây quế mang lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân.

Thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cũng cho biết, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.744 tấn quế, với 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng và nhưng giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

W-anhque.png
Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi.

Để tăng thị phần gia vị Việt Nam tại thị trường thế giới, theo các chuyên gia bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... Thực tế cây gia vị không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn là nguồn gen quý, giúp xóa đói giảm nghèo, góp phầm bảo tồn đa dạng sinh học dưới tán rừng... 

Điều này đã được bàn thảo tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu". Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương khẳng định, trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam có nguồn dược liệu đa dạng với trên 5.100 loài, nhiều dược liệu tự nhiên quý hiếm.

Trong đó, diện tích quế đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Nhưng hầu hết chúng ta đang canh tác theo kiểu truyền thống, tức là khoảng cách trồng rất gần nhau, cây giống không được lựa chọn, trong quá trình trồng, canh tác không kiểm soát được thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Người nông dân vẫn giữ thói quen sử dụng hóa chất cho cây trồng. Chưa kể quy trình chế biến không đủ sạch và vẫn sử dụng hóa chất ở một số công đoạn, vô hình chung, nhưng không có nhiều sản lượng đáp ứng được thị trường khó tính.

Trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

"Mặc dù giá trị xuất khẩu quế, hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm."- ông Vũ Bá Phú đánh giá.

Đồng quan điểm về tiềm năng quế, hồi, cây dược liệu còn dư địa phát triển, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ tiêu thụ sản phẩm quế, hồi hàng đầu thế giới cũng là nước sản xuất dược liệu lớn. Hiện Việt Nam thống lĩnh thị trường Ấn Độ với hơn 80% lượng nhập khẩu quế, hồi. Kết thúc năm tài chính 2022 - 2023 vừa qua, Ấn Độ nhập khẩu 32,6 nghìn tấn quế từ Việt Nam chiếm 85,6% tổng lượng quế nhập khẩu.

Quế Việt Nam được thị trường Ấn Độ yêu thích do hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng, mức giá cạnh tranh do có thuế bằng 0%. Dù vậy, hầu hết quế Việt Nam được xuất khẩu dạng sản phẩm thô sang nước này và gắn nhãn mác Ấn Độ để xuất khẩu đi các nước với giá trị cao. Do đó, ông Thướng kiến nghị doanh nghiệp nên tăng cường kết nối với đối tác Ấn Độ để học hỏi, áp dụng công nghệ chế biến quế hồi từ nước này nhằm sản xuất được sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Nhóm PV