Vụ dưa năm nay của anh Lê Tám (ở quận Bình Tân, TPHCM) bắt đầu muộn hơn gần 20 ngày so với chính vụ mùa dưa lưới của miền Nam. Thay vì gieo hạt ngay sau Tết Nguyên Đán, anh tiến hành công đoạn ngâm hạt vào khoảng cuối tháng Giêng năm 2022 với số lượng khoảng 65 hạt, gồm vài giống như: Kim Long, Huỳnh Long (Malaysia - vỏ vàng) và Yuki Nhật, For you 111 (Thái Lan).
Trong đó, Kim Long và Huỳnh Long chiếm phần lớn bởi hai giống dưa này đang được nhiều "nông dân thành phố" ưa chuộng không chỉ bởi vẻ bắt mắt, hấp dẫn cả bên ngoài lẫn trong mà còn bởi hương vị thơm ngon, giòn ngọt đặc trưng.
Anh Tám cho biết, dưa lưới được đánh giá tương đối khó trồng nhưng hương vị thơm ngon, ngọt thanh mát và bổ dưỡng. Bởi vậy, vài năm gần đây, khi trào lưu làm vườn sân thượng nở rộ, nhiều người hào hứng muốn thử sức chinh phục giống cây này. Anh Tám cũng không phải ngoại lệ.
"Tôi bị thu hút và muốn chinh phục loại cây trồng hơi đỏng đảnh này bởi dưa lưới là loại trái cây ngon, có vị ngọt thanh, tươi mát và được nhiều người ưa chuộng hiện nay. Từ khi làm nông dân thành phố, tôi cũng bắt đầu trồng dưa lưới, đến nay được 3 năm, mỗi năm trồng 2-3 vụ", người đàn ông làm thiết kế ở TPHCM nói.
Để trồng được dưa lưới, anh phải trang bị kiến thức đầy đủ về giống cây này bằng cách tự mày mò nghiên cứu và học hỏi từ những người có kinh nghiệm đi trước. Bởi vậy mà năm nay, sau 6-7 vụ dưa, anh thấy kết quả có tín hiệu tích cực hơn nhờ có chút thay đổi về chậu trồng phân bón.
Ở các vụ dưa trước, chủ nhân khu vườn trồng cây bằng giá thể trong túi PE 12-14 lít có kích thước hơi nhỏ và ít dinh dưỡng. Năm nay, anh đổi sang sử dụng thùng nhựa vuông 18 lít có ngăn đáy dự trữ- nước-phân khoảng 3 lít cho rễ dưa hấp thụ dễ dàng và toàn diện hơn.
Đặc biệt, vụ dưa này, anh còn sử dụng một loại phân bón rất tốt từ châu Âu, đạt tiêu chuẩn Global Gap để tưới cho khu vườn thêm tươi tốt và trĩu quả.
Trước mỗi vụ dưa mới, theo anh Tám, công đoạn xử lý giá thể trồng (đất trồng) rất quan trọng, đòi hỏi thực hiện tỉ mỉ từng bước kỹ càng như đổ tất cả giá thể cũ ra bạt, rắc vôi bột và phơi ải nắng rồi đảo đều hàng ngày, liên tục trong một tuần.
Tiếp theo, anh trộn thêm 30% phân bò hoai mục, chất độn tơi xốp như tro trấu, trấu tươi, xơ dừa đã ngâm xả chát với vỏ đậu phộng cùng ít vôi, lân. Sau đó trộn đều, tưới ẩm và ủ khoảng 5-7 ngày rồi mới bắt đầu cho giá thể trồng vào thùng để chuẩn bị trồng cây con.
"Nếu trước đây, tôi thường dùng phân bò, gà, dơi, trứng sữa, đạm cá nước,… thì nay chuyển sang sử dụng phân Yara - dạng dinh dưỡng thủy canh cung cấp đầy đủ các nguyên tố cần thiết cho cây trồng, pha tưới nhỏ giọt hàng ngày cho dưa nên vườn luôn xanh tốt, còn trái thì to đẹp hơn. Ngoài loại phân trên, tôi còn kết hợp ngâm tưới đạm cá tảo biển Nhật với ít phân dơi xen kẽ mỗi tuần một lần để cây khỏe hơn, hạn chế sâu bệnh", chủ nhân khu vườn chia sẻ.
Người đàn ông này nhấn mạnh, ngoài bón phân còn cần phun phòng ngừa nấm lá cho dưa lưới bằng nước vôi trong và tưới gốc hàng tuần để tránh tình trạng nấm gốc gây héo xanh, chết dây. Bên cạnh đó, chủ nhân khu vườn cũng chú ý phun phòng bọ trĩ, bọ phấn cánh để dưa không bị xoăn lá, chùn ngọn dẫn đến bệnh khảm. Nếu mắc bệnh này, cây khó trị, hầu như phải nhổ bỏ, vứt đi
Hiện tại vườn dưa lưới của anh Tám đang bước vào giai đoạn hậu thụ phấn, sắp cho thu hoạch. Gia chủ ước tính, nếu vườn dưa "về đích" thành công, với 60 gốc sẽ cho khoảng một tạ quả chín.
Thời gian rảnh rỗi, người đàn ông này cũng tham gia vào các hội nhóm trồng cây, chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm cùng những thành viên có chung đam mê.
Anh hiện là quản trị viên của một nhóm trồng cây khá có tiếng trên mạng xã hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm thực tế với mọi người để nhiều gia đình, nhiều người làm vườn sân thượng thành công.
(Theo Dân Trí)
Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng vùng đất ở một tỉnh ven biển như Cà Mau sẽ không thể trồng được dưa lưới.