Tan nát một vùng chè cao sản
Dự án khu nghỉ dưỡng - sân golf Bảo Lộc, diện tích 250ha, nằm gọn trên các đồi chè thuộc phường Lộc Phát, thị xã Bảo Lộc và thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm là dự án “chiếm đất” số một tại Lâm Đồng.
Dự án sân golf đã lấy đi 180 ha, ảnh hưởng đến 450 hộ dân, trong đó có 2/3 hộ bị mất trắng. Trong diện tích đất này, hai hợp tác xã Hiệp Phát và Đồng Phát bị mất khoảng 70 ha đất trồng chè của 41 hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát trước tấm bàn đồ thu hồi đất làm dự án sân golf. Nỗi lo xã viên mất đất vẫn còn lơ lửng, dù dự án sân golf “treo” đã nhiều năm - Ảnh: Thái Thiện |
Vùng chè Bảo Lộc từ lâu đã nổi tiếng với những danh trà như Tâm Châu, Quốc Thái, Thiên Hương… Cây chè cũng đã giúp người dân thoát nghèo, khấm khá lên, nhưng dự án sân golf có quy mô 54 lỗ (dự kiến mở rộng diện tích lên đến 500ha) lớn nhất Tây Nguyên, đang khiến người dân hoang mang, vì mất đi nguồn lợi sống.
“Trồng chè giống mới, mỗi năm xã viên thu lợi 120 triệu đồng/ha. Còn nếu bán đất vườn cũng thu được khoảng được 800 triệu đồng/ha. Nếu đem hết tài sản đó làm sân golf thì thiệt hại rất lớn” - ông Nguyễn Văn Trung – Chủ nhiệm HTX Hiệp Phát bức xúc nói.
Theo ông Trung, do dự án “treo” quá lâu, mới đây xã viên đồng loạt gửi đơn khiếu nại, yêu cầu cấp “sổ đỏ” cho dân theo Nghị quyết 36 của Tỉnh ủy để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, trong sổ đỏ cấp cho dân, chính quyền vẫn “gài” một câu: “đất nằm trong dự án sân golf”.
Ông Trung than: “Dự án sân golf treo mấy năm rồi, chưa đền bù xu nào cho nông dân, nay cấp sổ, ghi như vậy coi như “treo” thêm lần thứ 2. Thử hỏi với nội dung đất nằm trong quy hoạch sân golf thì ngân hàng nào dám cho chúng tôi vay tiền để sản xuất, cầm cố nơi khác cũng không được” (?)
“Sổ đỏ” cấp cho dân, vẫn “gài” câu đất nằm trong dự án, gây khó khăn cho đời sống người dân - Ảnh: Thái Thiện |
Theo vị chủ nhiệm HTX, tình trạng bỏ hoang vườn chè đã mấy năm nay, bởi có đầu tư chăm bón, bị thu hồi thì công sức cũng như “bỏ sông, bỏ biển”.
HTX phải vận động liên tục, thêm vào đó là chủ trương cấp sổ cho dân, lúc này người dân mới quay lại chăm bón cây chè. Nhưng thú thật tâm lý họ vẫn bất an, không biết bao giờ dự án sân golf mới hết “treo” ?
Còn với chủ đầu tư, mặc dù “khởi động” từ năm 2008, nhưng tới nay dự án vẫn không có dấu hiệu gì là “đang triển khai”, nhưng chủ đầu tư vẫn “quảng cáo” là bên cạnh sân golf sẽ có 200 căn biệt thự, khách sạn 300 phòng cùng nhà hàng, khu du lịch…; sau 13 năm dự án sẽ hoàn vốn, từ đó lợi nhuận hằng năm là 4,5 triệu USD (?)
Ruộng vườn bỏ hoang...
Xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được biết đến là nơi có giống khóm (dứa) nổi tiếng được coi là đặc sản của vùng đất Tây Nam Bộ. Nhưng nay vùng khóm cao sản năm nào chỉ còn thưa thớt, hàng trăm ha đất bỏ hoang, nông dân “treo” cuốc, bỏ nghề nông.
Nông dân Trần Văn Thanh chỉ tay về phía ngôi nhà bỏ hoang, phía sau là diện tích đất của gia đình ông bị thu hồi làm sân golf - Ảnh: Thái Thiện |
Tháng 7/2009, tỉnh Tiền Giang họp dân công bố thu hồi đất tại ấp 5, xã Tân Lập 1, cấp cho Công ty TNHH một thành viên Genuwin D&C Tiền Giang xây dựng sân golf 36 lỗ và khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp rộng 270ha, vốn đầu tư khoảng 1.280 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm triển khai, đến nay dự án chỉ nằm…trên giấy (?). Hình ảnh nhận biết duy nhất của dự án là tấm bảng công bố quy hoạch đã bạc màu thời gian.
Gia đình ông Trần Văn Thanh, nhà ở ấp 5 có 1,5 ha đất trồng khóm, nhưng 2 năm qua bỏ hoang vì “dính” quy hoạch sân golf. Đó cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân tại ấp 5, họ đồng loạt bỏ hoang đất canh tác để chờ…đền bù.
Bản công bố quy hoạch sân golf Tiền Giang đã bạc màu, dự án treo nhiều năm, “treo” luôn nồi cơm của nông dân - Ảnh: Thái Thiện |
Tuy nhiên, có hộ thấy xót xa, muốn canh tác trở lại, nhưng ngặt nỗi, khả năng bị thu hồi bất thình lình, mất tiền đầu tư, công chăm bón…là rất cao (đầu tư 1 ha khóm mất khoảng 30 triệu đồng – PV). Có người “liều”, tiếp tục trồng khóm thì bị cắt nguồn nước tưới với lý do: “đất trong quy hoạch”.
Thiếu nước, cây khóm chết khô, nông dân một lần nữa bỏ nghề trong cay đắng.
“Trước đây, gia đình tôi thu hoạch khoảng 55 tấn khóm/năm, lợi tức trên 160 triệu đồng, nhưng nay thì không có đồng nào để sống” – nông dân Trần Văn Thanh buồn bã nói.
“Vướng” vào cảnh khó, ruộng đất bỏ hoang, nhiều nông dân thất nghiệp, phải bỏ quê đi làm ăn xa hoặc vào làm thuê trong khu công nghiệp Long Giang gần đó.
Ông Sáu, một nông dân ấp 5 nói như khóc: “Từ nông dân tôi chuyển sang làm phụ hồ, nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm, đôi khi “ngồi chơi, xơi nước” cả tháng”
Còn vợ ông Sáu cũng không hơn gì, “ngồi không” cả năm nay, lâu mới có người thuê lột vỏ hột điều nhưng thu nhập không đủ tiền cơm, cháo… Đời sống gia đình vốn khó khăn, nay lại càng thêm điêu đứng.
Nghề trồng khóm nổi tiếng của người dân xã Tân Lập 1 đang có nguy cơ mai một vì diện tích ngày càng thu hẹp, nhường đất cho dự án sân golf, khu công nghiệp - Ảnh: Thái Thiện |
Theo lý giải của ông Cao Minh Tâm – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, dự án khu khu phức hợp (bao gồm cả sân golf) mới được chủ đầu tư hoàn tất khâu quy hoạch chi tiết, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư.
Ông Tâm cũng tỏ ra ngạc nhiên về việc nông dân bỏ ruộng đất: “Khi thông báo quy hoạch, tỉnh cũng nói rất rõ: khi nào chưa có quyết định thu hồi đất thì dân cứ tiếp tục sản xuất, nhưng không hiểu vì sao người dân bỏ hoang, không chịu sản xuất ?”.