Sáng 4/7, ông Phan Hồng Sơn (60 tuổi) là một trong số 30 bệnh nhân có lịch hẹn tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM. Ông đã vượt quãng đường gần 300km từ Kiên Giang lên TP.HCM với hy vọng được điều trị dứt điểm.
Ông Sơn cho biết, vài năm trước, ông đau khớp vai phải, bị hủy xương chỏm và ổ chảo. Khả năng vận động giảm, không xách được đồ nặng, ông đã nhiều lần đi bệnh viện ở Kiên Giang cũng như TP.HCM. Bệnh nhân được uống thuốc giảm đau theo đơn.
Mới đây, bác sĩ đã hẹn ông Sơn lên TP.HCM để các chuyên gia thuộc tổ chức OrthoNations (Mỹ) hội chẩn, đánh giá tình hình, xem xét khả năng phẫu thuật. “Tôi chỉ mong có thể điều trị triệt để, sức khỏe suy giảm nhiều, sinh hoạt khó khăn lắm”, ông Sơn nói.
Theo bác sĩ Lê Gia Ánh Thỳ, Trưởng khoa Chi trên, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, phái đoàn OrthoNations sẽ tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật thay khớp vai đảo ngược trong 2 ngày.
Đây là kỹ thuật hiện đại nhất trong phẫu thuật thay khớp vai, tuy nhiên, yêu cầu chuyên môn rất cao, dụng cụ đắt tiền, chỉ định chặt chẽ.
Tại Việt Nam, thay khớp vai đảo ngược đã triển khai nhưng chưa phổ biến. Kỹ thuật này áp dụng cho người lớn tuổi, gãy hoặc gãy- trật nặng đầu trên xương cánh tay không thể phục hồi, hoại tử chỏm xương cánh tay, rách gân cơ chóp xoay nặng và co rút….
Trong số 20 bệnh nhân khám vai sáng nay, đoàn bác sĩ OrthoNations đã chỉ định khoảng 7 trường hợp cần thay khớp vai đảo ngược.
“Con số này cho thấy nhu cầu thực tế của bệnh nhân lớn tuổi phải thay khớp vai đảo ngược tại Việt Nam không hề nhỏ. Quan trọng nhất là người bác sĩ phải chỉ định sát sao đối tượng, đánh giá đúng tình trạng và chuyên môn tốt”, bác sĩ Ánh Thỳ nói.
Trước đó, phái đoàn OrthoNations do giáo sư Kenneth Montgomery làm trưởng đoàn đã đưa một số bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế sang Mỹ đào tạo ngắn hạn, nâng cao tay nghề.
Việc đào tạo chuyên môn diễn ra hàng năm, giúp bác sĩ Việt Nam tiếp cận chuyên môn của nền y tế tiên tiến trên thế giới. Đây là lần trở lại Việt Nam đầu tiên của các bác sĩ OrthoNations sau dịch Covid-19.
Linh Giao