- Kinh tế khó khăn nhưng không vì thế mà thụt lùi ý chí, nhiều doanh nghiệp vẫn nổi lên như vũ bão, ngược dòng ghi dấu ấn trong năm vừa qua, xác lập vị thế mới trên thương trường.
Ghi dấu ấn
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ chuẩn bị chuyển sang năm mới Giáp Ngọ, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của chủ tịch Trần Đình Long hồ hởi công bố lãi sau thuế 2013 đạt hơn 2.000 tỷ đồng, vượt 68% kế hoạch năm.
Đi cùng với thông tin tích cực, cổ phiếu HPG đã những ngày giao dịch đầu năm 2014 đầy ấn tương, tăng mạnh từ mức 41.100 đồng/cp cuối năm 2013 lên 53.000 đồng/cp, tương đương mức tăng suýt soát 30% chỉ trong vòng khoảng 3 tuần.
Với hơn 100 triệu cổ phiếu HPG đang nắm giữ, ông Trần Đình Long có tài sản quy từ cổ phiếu tăng vọt thêm hơn 1.200 tỷ đồng lên gần 5.400 tỷ đồng và nếu tính tổng cả gia đình ông tăng thêm hơn 1.500 tỷ đồng.
Một điều khá bất ngờ là Hòa Phát vượt các kế hoạch đề ra và đạt lượng tiêu thụ thép cao nhất từ trước cho tới nay bất chấp thị trường BĐS vẫn chìm trong băng giá. Doanh thu của DN chính vì vậy cũng hướng tới gần với mốc 1 tỷ USD.
Rất nhiều DN ghi kỳ tích vượt bão và dễ dàng kiếm nghìn tỷ trong năm qua.
Dù chưa công bố thông tin cho cả năm nhưng Nhiệt điện Phả Lại (PPC) được đánh giá là một DN ghi nhận những đột phá tích cực trong năm vừa qua với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đã đạt gần 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 18,9 lần so với cùng kỳ.
Đạm Phú Mỹ cũng vừa ước đạt trên 2.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2013, vượt 16% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, GAS ước đạt gần 12.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2013; PVD cũng khoảng 1.800 tỷ đồng...
Nhiều DN có quy mô nhỏ hơn nhưng những gì đạt được trong năm 2013 cũng rất ấn tượng.
Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) là một ví dụ. DN quy mô vốn hơn 110 tỷ đồng này đạt 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm vừa qua, tăng 17% so với 2012 và vượt 66% kế hoạch.
Hoạt động tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực thế mạnh sản xuất bóng đèn và phích nước đã giúp DN này không những vượt qua khó khăn mà còn ghi nhận doanh thu lợi nhuận tăng vọt. Tính trong giai đoạn nền kinh tế rơi vào khó khăn trong 4-5 năm qua, doanh thu của RAL luôn tăng trưởng trên 20%. Lợi nhuận cũng tăng vọt và DN luôn duy trì trả cổ tức bằng tiền mặt cao.
Dệt may Thành Công (TCM) cũng ước tính doanh thu và lợi nhuận 2013 tăng mạnh so với năm trước. Năm 2014, DN này cũng lên dự tính các chỉ số này tăng lần lượt thêm 9% và 39%. Cổ phiếu TCM cũng tăng gần 4 lần trong năm 2013 lên mức cao nhất trong 5 năm.
Xuất khẩu tăng mạnh và kỳ vọng vào Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể là những yếu tố giúp cổ phiếu này tăng mạnh.
Khó khăn là cơ hội
Với nhiều DN, khó khăn là lúc ban lãnh đạo phải làm việc quyết liệt hơn bao giờ hết và đây cũng là cơ hội để DN bứt phá đi lên.
Trong lĩnh vực thủy sản không ít các DN điều đứng vì nợ nần, phá sản, vỡ nợ trong năm vừa qua. Tuy nhiên, sự bứt phá của Minh Phú dưới sự lèo lái của ông Lê Văn Quang hay Hùng Vương dưới “triều đại” của ông Dương Ngọc Minh cho thấy khó khăn không thể đè bẹp được khả năng vươn lên của DN.
Trong năm 2013, cùng với sự phát triển của Thủy sản Minh Phú (MPC), ông Dương Ngọc Minh đã leo cả chục bậc trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam với tài sản lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Hai đại gia tôn thép Hoa Sen và Hòa Phát vẫn kiếm nghìn tỷ đồng năm 2013 trong khi thị trường BĐS chưa thoát cảnh đóng băng. Cả hai ông chủ của hai tập đoàn này đều chứng kiến tài sản của mình gia tăng khoảng 2 lần trong năm vừa qua.
Trên TTCK, hàng chục DN vẫn duy trì lợi nhuận khủng với lợi nhuận tương đương thậm chí vượt vốn điều lệ trong năm khó khăn 2013 như: Cáp treo Núi Bà, Vinacafé Biên Hòa, Nhựa Bình Minh, Traphaco, Cảng Đoạn Xá, một số DN cao su...
Cũng trong năm qua, trên thị trường lộ diện nhiều đại gia mới với những kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào nhiều lĩnh vực như: Tập đoàn Sun Group với kỷ lục cáp treo trên Nóc nhà Đông Dương - đỉnh núi Fansipan; Sovico với hợp đồng mua và thuê cả trăm máy bay cho VietJetAir; Hoàng Anh Gia Lai “đổ bộ” sang thị trường BĐS Myanmar, mở rộng cao su mía đường ở Lào; Vinamilk hướng đầu tư ra châu Á và Mỹ...
Đa phần các DN vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tốt đều là những DN có lịch sử kinh doanh phát triển ổn định và có hoạt động kinh doanh tập trung. Lợi thế cạnh tranh của những DN như Nhựa Bình Minh, Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Bóng đèn Rạng Đông, Thủy sản Minh Phú, Sữa Vinamilk, Cao su Đà Nẵng... là rất lớn.
Các DN này thường rất ít đầu tư đa ngành và đều có chiến lược mở rộng ra nước ngoài để đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Có thể thấy, để đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng và hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, điều quan trọng có lẽ nằm ở khả năng quản trị, lèo lái của ban lãnh đạo.
Ông Lê Phước Vũ, chủ tịch HSG cho rằng, các kết quả ấn tượng 2013 khẳng định sự quyết đoán, cũng như đường lối đề ra trong hoạt động kinh doanh của HĐQT cũng như ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen trong suốt cả năm.
Giải thưởng nhà lãnh đạo DN số một Việt Nam của bà Mai Kiều Liên (Vinamilk) hay vị trí hạng nhất cho Giải thưởng “Công ty được quản lý tốt nhất châu Á” trong lĩnh vực kim loại và khai khoáng do Tạp chí Euromoney trao tặng cho HSG phần nào cho thấy vai trò của quản trị giúp các DN vượt khó.
Mạnh Hà