Kể từ lần đầu tiên được giới thiệu vào kì sự kiện E3 năm 2012, Watch Dogs ngay lập tức đã nhận được những sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng game thủ toàn thế giới. Sở hữu gameplay thế giới mở, đi kèm là sự đa dạng trong lối chơi, từ hành động bí mật đến cả những màn bắn súng chẳng kém gì GTA, gần như ngay lập tức, Watch Dogs đã được đưa ra so sánh ngay với bom tấn đến từ Rockstar với những phiên bản chưa hề biết tới thất bại là gì.
Đó cũng là sức ép mà các nhà phát triển tại Ubisoft Montreal phải gánh vác khi được giao nhiệm vụ thực hiện một trong số những tựa game đầu tàu trong năm 2014 của Ubisoft. Vòng đời phát triển gần 5 năm kể từ năm 2009 cũng khiến cho Watch Dogs trở thành một trong những dự án cực kỳ tham vọng của nhà phát triển game đến từ nước Pháp.
Ở một mức độ nhất định, việc kết hợp giữa cái cũ và cái mới đã biến Watch Dogs trở thành một món ăn lạ, xứng đáng được các fan của dòng game hành động thử qua.
Chicago của tương lai
Hãy bắt đầu với ctOS, hệ thống phần mềm quản lý toàn bộ thành phố Chicago của tương lai gần, thay vì nhân vật chính của chúng ta, Aiden Pearce. Được tạo ra nhằm mục đích quản lý toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, từ giao thông, điện nước, viễn thông đến cả an ninh, ctOS từng là thứ khiến cho Chicago cảm thấy tự hào, vì họ có một hệ thống đồng bộ đến từng chi tiết.
Thế nhưng để một công cụ duy nhất quản lý toàn bộ hệ thống khổng lồ như cả thành phố chẳng hạn, trong thời đại internet ngày nay, đó lại là ý tưởng tồi tệ nhất mà một người có thể nghĩ ra. Một hacker khi tìm được lỗ hổng có thể âm thầm tấn công và kiểm soát toàn bộ hệ thống, khi đó, mọi chuyện tệ hại sẽ xảy tới, giống như sự kiện đường dây tải điện bắc Mỹ bị một hacker đánh sập vào năm 2003, khiến cho hơn 55 triệu người dân bị ảnh hưởng.
Quay trở lại với câu chuyện được mô tả trong Watch Dogs, Aiden Pearce là một hacker cao tay, thậm chí còn từng là một tay anh chị ở đường phố Chicago. Một năm về trước, Aiden tham gia vào một vụ hack thông tin tài khoản cá nhân của những kẻ giàu có của thành phố. Sự việc bại lộ, và để che giấu những bí mật của thế giới ngầm, những kẻ đầy quyền lực đã quyết định dằn mặt Aiden. Hậu quả là, cô cháu gái Lena của anh đã mất trong vụ tai nạn đáng tiếc.
Quyết tâm tìm ra chân tướng những kẻ đứng phía sau cái chết của cháu gái mình, Aiden gần như trở thành một kẻ đầy khôn ngoan nhưng cũng máu lạnh không kém với một mục đích duy nhất: Trả thù.
Vô số lựa chọn
Với sự hiện diện của ctOS, cộng với khả năng gần đạt cảnh giới thần thánh của Aiden: Một nút bấm, đèn giao thông ngoan ngoãn chiều theo ý anh, cũng một nút bấm, cả trăm ngàn Đô la đã chui từ tài khoản một gã rửa tiền vào túi Aiden, thì việc tìm ra kẻ sát nhân giữa thành phố Chicago rộng lớn dường như không có gì quá khó khăn.
Thế nhưng nếu đã tồn tại Aiden, thì tại thành phố xô bồ này, cũng sẽ có những hacker khác với tài năng chẳng kém. Một trong số đó là Anthony “Iraq” Wade, một hacker và cũng là kẻ cầm đầu băng nhóm người da đen tại khu vực này. Tiếp cận được Iraq, nghĩa là Aiden sẽ có thể chạm tay tới kẻ đã giết cháu gái mình. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.
Chính vì thế, để giúp ích cho người chơi, Ubisoft Montreal đã tạo ra một Watch Dogs với sự đa dạng rất cao trong lối chơi. Bạn có thể giải quyết một nhiệm vụ, ví như tiêu diệt một vài thành viên băng đảng Viceroy, hay cố gắng hack cơ sở dữ liệu ctOS tại một khu vực, bạn có thể lựa chọn cách âm thầm thâm nhập và hạ gục đối phương theo cách của một tai nạn đơn thuần, hoặc có thể biến Watch Dogs trở thành GTA với những màn đấu súng nghẹt thở.
Dĩ nhiên, hacking vẫn là thứ được đề cao trong game. Những nhiệm vụ chính cũng như phụ trong game đều tập trung vào điểm này của cơ chế gameplay. Với chiếc điện thoại trong tay, Aiden gần như trở thành kẻ nguy hiểm nhất Chicago, với việc biết mọi bí mật của mọi người cũng như khả năng lấy những bí mật đó và biến chúng trở thành lợi thế cho mình.
Cũng vì vậy mà game đưa ra hai lựa chọn, trở thành người bảo vệ dân chúng nhưng với những biện pháp mạnh tay, hay một kẻ phá hoại không hơn không kém.
Tuy rằng tập trung vào hack và những màn hành động bí mật, nhưng không phải vì thế mà Watch Dogs không có những màn rượt đuổi gay cấn hay những pha đọ súng chỉ có trong phim hành động. Cộng với khả năng hack vào hệ thống của những thiết bị trong thành phố, người chơi sẽ được trải nghiệm những giây phút vô cùng mới lạ mà chưa có tựa game sandbox nào làm được.
Tác phẩm đáng thưởng thức
Đồ họa đẹp, gameplay có chiều sâu, nhưng một vài hạt sạn đã ngăn cản Watch Dogs đạt tới điểm 10 tròn trĩnh mà Ubisoft tham vọng hướng tới. Đầu tiên là cốt truyện. Tuyến nhân vật phụ của Watch Dogs không quá đông đảo, nhưng hầu hết đều tạo được dấu ấn riêng cho mình, ví như cô nàng hacker . Đó lại là vấn đề khi game không giống như phim.
Watch Dogs sở hữu cốt truyện có nhiều tầng lớp, nhiều vấn đề phải giải quyết như Aiden một mặt vừa phải tìm ra kẻ thủ ác, vừa phải cứu em gái mình. Điều này khiến cho cốt truyện của game tương đối chồng chéo, đôi khi gây “mệt não” nếu bạn là một fan của dòng game hành động thuần túy. Chưa hết, tuy “mệt não”, nhưng game lại có phần xáo mòn khi thiếu đi một công thức cần đó: Những nút thắt tạo ra ấn tượng trong cốt truyện.
Thứ hai, cấu hình mà Watch Dogs đòi hỏi để đem lại chất lượng hình ảnh ấn tượng như trong những đoạn trailer cũng chẳng kém những bom tấn mới ra mắt. Tuy rằng để thưởng thức game ở mức thiết lập đồ họa cao nhất, Watch Dogs yêu cầu card đồ họa sở hữu 3GB RAM, thế nhưng ngay cả những người sử dụng Titan Black để chơi game, với 6GB RAM vẫn phản hồi lại rằng, đôi khi họ gặp phải hiện tượng sụt khung hình không đáng có.
Tuy nhiên, với gameplay vừa quen vừa lạ, có sự gắn kết tốt, thì hai lỗi trên đây dường như có thể tạm được gạt sang một bên để game thủ có thể thưởng thức một cách thoải mái tựa game có số điểm xứng đáng nằm ở mức 8/10 này.
Nói một cách ngắn gọn, có thể nhận định Watch Dogs xứng đáng được xếp vào danh sách những tựa game PC console đáng chơi nhất trong giai đoạn nửa đầu năm 2014 này.
Theo Tri Thức Trẻ