Triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới được hé mở trong các biểu của lãnh đạo IMF và World Bank cuối tuần qua.

IMF: Mỹ và Châu Âu nên kích thích tăng trưởng

Giám đốc IMF Christine Lagarde hôm chủ nhật vừa qua đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng nếu tình hình cho phép châu Âu và Hoa Kỳ nên xem xét để kích thích tăng trưởng kinh tế nhằm bù đắp cơn khủng hoảng niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu.

"Chúng tôi đề nghị các quốc gia Châu Âu điều chỉnh chương trình thắt lưng buộc bụng của họ cho phù hợp với tình hình hiện tại và nghiên cứu thêm các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", hãng Der Spiegel dẫn lời Lagarde. Bà nói về Mỹ, "Hoa Kỳ nên điều chỉnh phát động một chương trình trung hạn đáng tin cậy hơn, có thể là từ bỏ biện pháp thắt lưng buộc bụng ngắn hạn hiện tại và áp dụng một số chính sách khác để thúc đẩy tăng trưởng".

Lagarde cũng gây ra chấn động vào cuối tuần trước khi bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách buộc các ngân hàng châu Âu tăng vốn hoặc khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ rất mong manh.

Tuần trước, các chính trị gia châu Âu từ chối phỏng vấn về vấn đề liên quan đến việc nâng cao mức vốn mới của các lên 200 tỷ euro (tương đương 290 tỷ USD), hành động này thêm vào những lo ngại của nhà hoạch định chính sách rằng họ đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ.

Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Lagarde nói rằng tài chính của nước này đã phục hồi tốt, ám chỉ rằng Berlin bị ảnh hưởng bởi suy thoái nhưng nó đã có được vị trí tốt để kích thích tăng trưởng kinh tế.

"Tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh, tất nhiên là nếu xuất khẩu - nền tảng của kinh tế Đức - sụp đổ, chính phủ có thể sẽ gặp khó khăn"

"Nếu chính phủ Đức kích thích nhu cầu trong nước thì sẽ tốt cho cả nền kinh tế Đức và các nước láng giềng", Lagarde nói khi được hỏi về Đức.

World Bank: Trung Quốc sẽ sớm thành quốc gia có thu nhập cao

Cũng trong ngày chủ nhật vừa qua, Giám đốc World Bank Robert Zoellick trong một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh cũng đã cảnh báo về "một khu vực nguy hiểm mới", tiềm ẩn những đe dọa từ giá thực phẩm, những biến động về thị trường hàng tiêu dùng và khủng hoảng nợ ở những nước phát triển.

Ông Zoellick cho rằng thế giới cần có Trung Quốc như một bộ máy cho sự phát triển trong hai thập kỷ tới. Để làm được điều đó, bản thân Trung Quốc phải tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Robert Zoellick khẳng định, câu chuyện phát triển rất thành công của Trung Quốc có nhiều điểm độc đáo: đây là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tung bình 10% trong suốt 3 thập kỷ, điều kiện sống trong tầng lớp người lao động thu nhập thấp đã được nâng cao đáng kể, hơn một nửa tỷ người được 'kéo' ra khỏi nghèo đói nhờ những nỗ lực trong Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo đến năm 2015, Trung Quốc cũng là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Mặc dù mỗi quốc gia có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng những kinh nghiệm của Trung Quốc đã cung cấp nhiều góc nhìn cho các quốc gia khác, đó là bài học về tầm quan trọng của sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự cạnh tranh liên khu vực, hội nhập với thế giới dựa vào thị trường và những ưu đãi, phát triển công nghệ mới, tận dụng lợi thế đầu tư nước, xây dựng cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới và đầu tư vào tài sản quốc gia lớn nhất - đó là nguồn lực con người.

Chỉ trong tháng 7/2011, Ngân hàng thế giới đã xếp hạng lại Trung Quốc thành quốc gia có thu nhập trên trung bình. Trong 15 đến 20 năm tới, Trung Quốc hoàn toàn có thể trụ vững ở vị trí các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới.

Thế giới cần có những cỗ máy để phát triển. Với những thành công về kinh tế đáng kể của mình, Trung Quốc đang đảm nhiệm tốt vai trò của cỗ máy phát triển đó. Nhưng liệu Trung Quốc có tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển trong thời gian tới hay không?

"Chúng tôi cho rằng, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ vươn lên là một xã hội thu nhập cao, sáng tạo, hòa bình, hiện đại, đủ sức đảm nhận vai trò của mình trước thế giới như một chủ thể kinh tế quốc tế đầy trách nhiệm", Robert Zoellick nhấn mạnh.

Bích Ngọc - Bảo Linh (Theo Reuters, BI)