Tờ Al Jazeera dẫn số liệu từ các phòng thí nghiệm cho thấy, đã có khoảng 11,5 triệu ca nhiễm và 252.000 trường hợp tử vong do Covid-19 được ghi nhận trên toàn bộ lục địa châu Phi trong hai năm qua. Tuy nhiên, một báo cáo của WHO được công bố gần đây ghi rằng có khoảng 800 triệu người dân châu Phi đã nhiễm bệnh tính tới tháng 9/2021.

Người dân châu Phi đi tiêm chủng. Ảnh: AP

“Những dữ liệu ghi nhận các ca nhiễm chỉ là ‘bề nổi của tảng băng chìm’ về mức độ mắc Covid-19 ở châu Phi trên thực tế. Một phân tích tổng hợp mới cho thấy, số ca nhiễm trên thực tế có thể cao gấp 97 lần những trường hợp mắc bệnh được xác nhận. Điều này có nghĩa hơn 2/3 dân số châu Phi đã bị lây nhiễm bệnh”, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, bà Matshidiso Moeti nói

“Điều này đồng nghĩa số ca nhiễm được ghi nhận từ tháng 9/2021 không phải là 8,2 triệu người, mà phải tới khoảng 800 triệu trường hợp”, bà Moeti nói thêm.

Theo bà Moeti, việc người dân châu Phi bị hạn chế trong việc tiếp cận các cơ sở xét nghiệm đã khiến cho nhiều ca mắc không được phát hiện, trong khi việc xét nhiệm chủ yếu được thực hiện với những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm tại bệnh viện, hoặc với những du khách cần có kết quả xét nghiệm âm tính.

Thượng Hải bắt đầu giãn phong tỏa

Theo Phó Thị trưởng thành phố Thượng Hải, bà Tông Minh, các khu vực của thành phố này trong những ngày tới sẽ được xếp vào các hạng “Đề phòng”, “Được kiểm soát” và “Đã phong tỏa” dựa trên những kết quả của cuộc xét nghiệm trên diện rộng mới nhất.

Cụ thể, người dân ở những quận thuộc diện “Đề phòng”, tức không có ca nhiễm mới nào trong hai tuần, sẽ được đi lại tự do trong quận hoặc khu vực họ sinh sống. Dĩ nhiên, việc tụ tập đông người vẫn bị cấm. Ở các khu vực “Được kiểm soát”, người dân sẽ được đi lại xung quanh nơi họ sinh sống. Còn tại các quận thuộc diện “Đã phong tỏa”, người dân sẽ được chính quyền nơi đó yêu cầu ở trong nhà. 

Moderna thu hồi hàng trăm nghìn liều vắc xin ở châu Âu

Tập đoàn dược phẩm Moderna những ngày gần đây đã phải ra lệnh thu hồi gần 765.000 liều vắc xin phòng Covid-19 Moderna do nhà thầu Rovi sản xuất, sau khi các chuyên gia phát hiện một lọ vắc xin bị nhiễm tạp chất

“Chưa có vấn đề an toàn nào được xác nhận. Có rất nhiều liều vắc xin cùng lô với lọ nhiễm tạp chất đã được phân phối tới các nước châu Âu như Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển vào hồi tháng Một. Dù chỉ có một lọ bị nhiễm tạp chất, nhưng chúng tôi vẫn thu hồi tất cả số vắc xin trên vì lý do an toàn”, tờ Strait Times dẫn thông cáo từ Moderna cho biết. 

Đây không phải là lần đầu tiên Moderna phải thu hồi vắc xin bị nhiễm tạp chất. Bộ Y tế Nhật Bản hồi tháng Tám năm ngoái cũng buộc phải ngừng sử dụng khoảng 1,63 triệu liều vắc xin Moderna để phòng ngừa rủi ro, sau khi phát hiện các chất lạ trong nhiều lọ vắc xin của hãng.

Thống kê

Cập nhật lúc 5h sáng ngày 10/4 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 498,3 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 6,2 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 437,4 triệu trường hợp.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất 

Tuấn Trần