Ngày 10-10-1959, tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác Hồ đã nói: "Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa. Nhiều gia đình cộng lại thành một xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt".
Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình, nhiều thập kỷ qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm về vị trí, vai trò đối với vấn đề gia đình, công tác quản lý Nhà nước về gia đình. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững.
Ngày 21-2-2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 49/CT về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; tiếp theo ngày 24-6-2021 là Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 nhấn mạnh, để phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế thì cần phải thực hiện đồng bộ giữa “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Như vậy, giá trị của gia đình hiện nay còn được nhìn nhận qua việc thực hiện chức năng của gia đình, bên cạnh giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình được đánh giá có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đại hội XII đã đặt vấn đề gia đình lên tầm cao mới, coi gia đình không chỉ như là cái nôi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà còn tham gia vào quá trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Nhờ đó, gia đình Việt Nam được quan tâm và đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, góp phần bồi đắp giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị truyền thống như: Tình yêu quê hương, đất nước, thủy chung, hiếu nghĩa, đùm bọc yêu thương, kiên cường, bất khuất vượt khó khăn, thách thức… đã được giữ gìn, bồi đắp và phát huy.