- Trong quá trình xây dựng cũng như sau khi hoàn thành, phát điện, dự án thủy điện này đã gây ra không ít hệ lụy cho người dân trong vùng cũng như hàng trăm ngàn hộ dân sống ở hạ nguồn sông Ba.
Xả lũ thiệt hại 4,5 tỷ đồng
Được khởi công xây dựng đầu năm 2007, công trình thủy điện An Khê – KaNak có công suất lắp máy 173 MW, với tổng sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 685 triệu KWh.
Dự án gồm có 2 bậc nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai: bậc trên là thủy điện Ka Nak thuộc huyện Kbang và bậc dưới là tuyến đầu mối công trình thủy điện An Khê thuộc thị xã An Khê.
Đời sống người tái định cư thủy điện An Khê - Ka Nak không bằng nơi ở cũ. |
Để xây dựng công trình Thủy điện An Khê – Ka Nak, UBND tỉnh Gia Lai, UBND huyện Kbang và Ban Quản lý dự án thuỷ điện 7 (chủ đầu tư) đã quy hoạch, lòng hồ có tổng diện tích đất 1.671ha, trong đó có đất nông lâm nghiệp, đất ở và các loại đất khác.
Theo đánh giá ban đầu, hệ thống thủy điện này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1.000 hộ dân thuộc huyện Kbang và thị xã An Khê, trong đó, có 582 hộ dân phải di dời, tái định cư.
Trong quá trình xây dựng, việc nổ mìn ở công trình lòng hồ Ka Nak tính đến tháng 10/2007, đã gây ra hàng trăm vết nứt cho các trụ sở cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhà dân ở thị trấn Kbang (huyện Kbang).
Thiệt hại do hậu quả nổ mìn ước tính khoảng nửa tỷ đồng. Việc này đã làm cho người dân bị ảnh hưởng bức xúc, gửi đơn thư khiếu kiện trong suốt mấy năm liền, gây áp lực cho chính quyền địa phương.
Sau một năm bị chậm trễ thi công so với kế hoạch, đầu tháng 9/ 2010, công trình thủy điện này chính thức ngăn dòng tích nước.
Đây cũng là thời điểm mà 582 hộ dân thuộc diện di dời phải được chuyển đến nơi ở mới nhường đất cho thủy điện.
Xây dựng cửa nhận nước tổ máy Ka nak |
Tuy nhiên, khi cuộc sống chưa ổn định thì đêm 24, rạng sáng 25/5/2011, thủy điện An Khê-Ka Nak bất ngờ xả lũ sai quy định, khiến gần 50 ha hoa màu, 10 con trâu, bò và 62 máy nổ, máy bơm nước của hơn 140 hộ dân và doanh nghiệp ở xã Đông và Nghĩa An (huyện Kbang) bị cuốn trôi.
Sau nhiều lần xác minh, kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại do quá trình xả lũ gây ra, Ban 7 đã phải…“miễn cưỡng” chấp nhận bồi thường thiệt hại cho người dân gần 4,5 tỷ đồng.
Thế nhưng, việc giải ngân, bồi thường thiệt hại cho người dân vẫn dây dưa kéo dài qua nhiều tháng trời.
Cụ thể, thiệt hại về cây cối hoa màu, vật nuôi do xả lũ gây nên là 3,9 tỷ đồng, trong đó, xã Đông chịu thiệt hại nặng nề nhất là 3,1 tỷ đồng; thiệt hại về máy móc thiết bị là 428 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty Xây lắp và Thương mại COMA 25 và Công ty TNHH Trung Kiên cũng bị thiệt hại hơn 434 triệu đồng.
Hàng trăm hộ dân “treo” đất sản xuất
Cuối năm 2012, thủy điện An Khê – Ka Nak cơ bản đã hoàn thành việc phát điện 2 tổ máy, nhưng nhiều vướng mắc trong công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ, bố trí đất sản xuất và nhiều cam kết chưa được giải quyết dứt điểm cho dân.
Nhà ở khang trang nhưng nhiều người dân không có đất
sản xuất |
Đặc biệt là vấn đề đất sản xuất cho gần 400 hộ dân người đồng bào dân tộc Bahnar tại 5 khu tái định cư, xã Đăk Smar mới và những hộ có đất trong vùng lòng hồ.
Sau khi đồng thuận giao đất, giao vườn; từ bỏ buôn làng đã bao đời gây dựng để về khu tái định cư sinh sống, người dân đều mong muốn có được một cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc mỗi hộ được nhận một căn nhà trị giá khoảng 140 – 170 triệu đồng (thời điểm 2009) và 400m2 đất ở, còn lại các cam kết ban đầu của chủ đầu tư như: cấp 1 sào đất vườn, 3 sào đất ruộng, 1 ha đất rẫy và hỗ trợ 6 tháng gạo...với không ít hộ chỉ nghe trên giấy.
Cho tới nay, sau 3 năm di dời về khu tái định cư, nhiều hộ dân vẫn chưa được bố trí đất sản xuất.
Một số hộ may mắn được cấp đất sản xuất thì cũng đành “ngậm đắng nuốt cay” không sản xuất được vì phần lớn là đất đồi dốc, bạc màu, cằn cỗi, thiếu nước tưới...
Đối với bà con người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống hầu hết gắn với nghề nông. Vì vậy, đất sản xuất là vấn đề cần thiết nhất.
Mặc dù những căn nhà tái định cư khá khang trang; điện, đường, trường, trạm được xây dựng bề thế…nhưng, nỗi lo vẫn hiện hữu trong mỗi câu chuyện của người dân nơi đây.
Anh Breng, làng Krối, xã ĐăkSơMa than thở: “Hồi mới về nhà tái định cư, được Nhà nước hỗ trợ gạo, tiền thì còn sống được. Gần 2 năm nay, nhiều hộ trong làng gặp khó khăn vì không có đất hoặc không đủ đất để canh tác. Trước đây, nhà mình có hơn 4ha đất trồng mì và gần 2ha trồng bắp, lúa…mình còn mua được tivi, xe máy. Bây giờ, mới chỉ được cấp có 1ha đất, chắc lại thiếu đói rồi…!”.
Tại kỳ họp thứ tư (khóa X, 2012) HĐND tỉnh Gia Lai, ông Hà Sơn Nhin, Bí thư Tỉnh ủy bức xúc: “Việc tái định cư cho dân, chúng ta nên thực hiện sao cho tốt hơn nơi ở cũ. Làm sao phải đảm bảo đất sản xuất cho dân. Tôi đề nghị, đất sản xuất cho người dân tái định cư phải được quan tâm số một! Thực tế ở đây, đời sống người dân lại không tốt hơn khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn: đường sá hư hỏng, xuống cấp; thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, đất tái định canh không thể sản xuất vì quá xấu…”.
Trả lời nhiều vấn đề cam kết nhưng vẫn chưa thực hiện, ông Nguyễn Văn Tặng, Phó Ban Quản lý thủy điện 7 giải trình một cách chung chung, rồi hứa 'sẽ tiếp thu và thực hiện theo thẩm quyền'.
Một số tồn đọng khác được ông Tặng hứa sẽ tiếp tục thực hiện vào quý I năm 2013. Tuy nhiên, lời hứa này đã không được nhiều đại biểu tin vì Ban 7 cũng đã từng hứa nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy thực hiện.
Tiến Thành
(còn nữa)