Những dạng xâm hại tình dục trẻ em không đụng chạm như đưa hình ảnh trẻ em trên các mạng khiêu dâm, chat sex với trẻ, ép trẻ phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam,…đang ngày càng gia tăng.

Bị dụ khoe “hàng” trên mạng

Vài năm trở lại đây, những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sử dụng internet và công nghệ thông tin ngày một nhiều. Internet như một công cụ để dụ dỗ, mê hoặc, lôi kéo các em tới những hành vi xâm hại.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn Báo Công an

Gần đây nhất là vụ việc em Th. (SN 1997, ở Đồng Nai) bỏ nhà đi từ ngày 1/6. Tìm con không thấy, cha mẹ em đành xem điện thoại con để lấy manh mối. Không ngờ chiếc điện thoại lại chứa đầy những tin nhắn tình tứ, kèm ảnh nude từ Th. gửi đến những thanh niên lạ. Thậm chí trong điện thoại còn có ảnh sex của một chàng trai. Trong tin nhắn với một người có số đuôi 8866, Th. nói: “Còn nhưng không thích gửi”. Nhưng sau đó cô bé sinh năm 1997 này đã gửi đi ảnh nude phô bày rõ ràng phần nhạy cảm của một nữ giới không lộ mặt.

Một bà mẹ ở Hà Nội thì suýt ngất khi xem được đoạn clip con gái 15 tuổi của mình gửi cho bạn trai trên mạng. Trong đoạn clip dài 3 phút, con gái chị không mảnh vải che thân, uốn éo khoe ngực trần, bàn tay làm điệu bộ mơn trớn cơ thể. Xem các đoạn chat của con với người bạn trai trên mạng, chị biết anh này hơn con 8 tuổi, thường xuyên chat với con chị đến tận đêm khuya. Lúc đầu là những lời ngọt ngào tán tỉnh, tiếp sau đó anh này liên tục đòi con chị gửi ảnh “mát mẻ”. Và không ít lời đề nghị chat sex qua webcame,…chị đọc mà suýt chết ngất.

Ông Nguyễn Khánh Hội, Điều phối viên Quốc gia Dự án Trẻ thơ của tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision Vietnam – tổ chức này vừa hoàn thành bản báo cáo “Tình dục, Xâm hại và Trẻ em: Nghiên cứu về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trong du lịch, tại bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam) cho biết, hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều hình thức xâm hại tình dục trẻ em mới xuất hiện có sử dụng công nghệ như một công cụ.

“Cách đây không lâu, phong trào “cứu nét” khá phổ biến ở các thành phố như Hà Nội, HCM. Đây là một hình thức mà kẻ xâm hại sử dụng internet như một công cụ tìm kiếm vào trao đổi thông tin với nạn nhân. Chat sex, là một hình thức xâm hại tình dục không đụng chạm, không giao cấu rât phổ biến hiện nay. Vì theo định nghĩa về xâm hại tình dục trẻ thì việc “cho trẻ xem các ấn phẩm khiêu dâm, sử dụng hình ảnh trẻ để khiêu dâm, cũng như nói chuyện về tình dục không phải để giáo dục với trẻ” cũng là xâm hại tình dục trẻ em. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các trang web khiêu dâm chuyên biệt của trẻ em Việt Nam mà những kẻ xâm hại lập. Trong số các nạn nhân xuất hiện trên các website đó, không ít người không biết mình bị lợi dụng”, ông Hội phân tích.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi về “Tình dục, Xâm hại và Trẻ em” tại Việt Nam, rất nhiều trẻ em được phỏng vấn dễ dàng cho những người quen trên mạng biết địa chỉ liên lạc, nơi ở, học tập. Đây cũng là một tiền đề cho kẽ xâm hại lợi dụng. Nhiều trẻ em không lường hết được nguy cở từ việc sử dụng internet và không biết rằng nhiều tội phạm tình dục trẻ em người nước ngoài thường dụ dỗ trẻ qua các trang chat trực tuyến”, ông Hội cho biết thêm.

Theo Unicef, trên toàn thế giới, 1/5 nữ giới và 1/7 nam giới đã từng bị xâm hại tình dục. 9% đến 25% trẻ em trong khu vực đã phải chịu đựng nhiều mức độ xâm hại thể chất khác nhau. Có đến 30% cả trẻ trai và gái đã từng phải chịu đựng cưỡng bức tình dục. Tỷ lệ tự tử cũng như mong muốn tự tử ở những người trưởng thành và vị thành niên đã từng bị xâm hại tình dục hoặc xâm hại thể chất cao hơn 4 lần so với những người khác.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê của các cơ quan chức năng, số lượng các ca xâm hại tình dục trẻ em được các cơ quan chức năng xử lý gia tăng đều trong 5 năm trở lại đây.

Giúp trẻ miễn nhiễm với các hình thức dụ dỗ

Ông Hội cho biết, các hình thức xâm hại cũ hay mới thì đều để lại những hậu quả về tinh thần và thể xác lâu dài cho nạn nhân. Theo nhiều phân tích, trẻ bị xâm hại có tỷ lệ trở thành kẻ xâm hại khi trưởng thành khá cao. Về tâm lý, hầu hết nạn nhân đều bị những sang chấn về tâm lý trong suốt cuộc đời còn lại. Về mặt xã hội, nhất là tại Việt Nam, tương lại của nạn nhân luôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng: bị kỳ thị, xa lánh dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc. Thậm chí, nhiều nạn nhân còn dấn thấn vào con đường mại dâm.

Việc xâm hại tình dục qua internet “không đụng chạm” nên không để lại dấu vết trên cơ thể trẻ. Bản thân trẻ không hề hay biết mình đang bị xâm hại. Các bậc phụ huynh phải tỉnh táo mới bảo vệ được con em mình.

“Thứ nhất, chúng ta cần xác định rõ là không thể cấm con, em mình tiếp xúc hay khai thác kho kiến thức của nhân loại qua internet. Thứ hai, các bậc cha mẹ hơn ai hết cần giáo dục con em mình những nguy cơ khi tiếp xúc với thế giới ảo. Thứ ba, giám sát các công cụ, cũng như thời gian con em mình sử dụng internet cũng như việc quản lý thời gian cá nhân của trẻ. Thứ tư, công tác truyền thông cần được làm đồng bộ, có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan hữu quan. Cuối cùng, đây là hình thức xâm hại không đụng chạm nên chủ yếu phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa như đã nêu trên, từ đó giúp trẻ miễn nhiễm với các hình thức dụ dỗ, lôi kéo qua mạng”, ông Hội đưa ra lời khuyên.

8 điều ghi nhớ để phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ

Lời khuyên của ông Nguyễn Khánh Hội:

- Cả trẻ trai và gái đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục.

- Xâm hại tình dục không chỉ là giao cấu, mà còn là nhiều mức độ hành vi như: đụng chạm không phù hợp, sàm sỡ, ép buộc trẻ lộ thể và chụp ảnh...Biết được điều này sẽ giúp các bậc phụ huynh phòng ngừa tốt hơn.

- Xâm hại tình dục có thể bắt đầu từ những hình thức ít nghiêm trọng rồi dần leo thang. Điều quan trọng là cha mẹ cần có kiến thức để xác định và phòng ngừa kịp thời.

- Kẻ xâm hại có thể là người quen hoặc không quen của nạn nhân hay gia đình; có thể là nam hoặc nữ; người Việt hoặc người nước ngoài; trẻ hoặc già

- Bản thân cha mẹ cần tự trang bị kiến thức phòng ngừa và đảm bảo rằng con em mình cảm thấy thoải mái khi cần chia xẻ với cha mẹ những băn khoăn gặp phải. Không bao giờ là quá sớm khi nói với con em mình vì nguy cơ bị xâm hại, nhưng cần có cách giáo dục phù hợp với lứa tuổi các con.

- Cần giáo dục rất kỹ cho con em mình về nguy cơ bị xâm hại qua mạng trước khi cho con em mình tiếp xúc với công nghệ này.

- Luôn nhớ rằng, trẻ bị xâm hại không phải là lỗi của các em, không được đổ lỗi cho các em. Hãy cố gắng tạo điều kiện để trẻ luôn cởi mở trao đổi với cha mẹ.

- Luôn xắp xếp để có thể giám sát được việc trẻ sử dụng internet tại gia đình như: Thống nhất với trẻ thời gian sử dụng internet, đặt máy tính ở nơi cha mẹ có thể dễ dàng kiểm soát được con mình đang xem gì trên internet. Lưu ý chắc chắn con em mình đã được giáo dục trước khi trang bị cho con những công cụ sử dụng internet cá nhân: điện thoại thông minh, máy tính bảng…

Kim Minh