- Đã 10 ngày sau cơn mưa lũ, toàn bộ 10 xã, 43 thôn, 215 điểm dân cư, gồm 5.588 hộ dân, với hơn 24.500 người dân huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn còn bị cô lập với bên ngoài. Phó Chủ tịch huyện Lê Ngọc Kích nói rằng, bà con đang trong tình trạng “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”...
“Ốc đảo” Nam Trà My
Sau hơn 5 giờ đồng hồ vượt hơn 120 km lên Nam Trà My, cuối cùng chúng tôi cũng xâm nhập được vào vùng đất “Nội bất xuất, ngoại bất nhập” giữa rừng thẳm này sau 10 ngày lũ dữ đi qua.
Sáng 14/11, khi có mặt tại vùng ốc đảo miền rừng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Kích cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết những điểm dân cư của huyện vẫn còn bị cô lập với nhau và với trung tâm xã, huyện.
Xe ôm “công vụ” đang vượt đường sạt lở xâm nhập vào miền “ốc đảo” vùng cao Nam Trà My. |
'Một số tuyến đường liên xã đã được thông tuyến sáng 14/11. Nhưng đó chỉ là thông đường cho người đi bộ và cánh xe ôm “công vụ” - ông Kích khoe “chiến tích” của huyện trong nỗ lực khắc phục hậu quả lũ.
Còn chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Ni bảo rằng: Suốt 9 ngày qua người dân của huỵện đã sống biệt lập với bên ngoài. Để giải thoát cho người dân khỏi “ốc đảo” này sẽ còn rất khó khăn và chắc chắn cần phải có nhiều thời gian cũng như kinh phí và thiết bị máy móc.
Con số báo cáo của UBND huyện cho hay: Toàn huyện có 10 xã, 43 thôn, 215 điểm dân cư, gồm 5.588 hộ dân, với hơn 24.500 con người. Đến thời điểm này chỉ mới thông được “xe ôm” công vụ từ huyện đến trung tâm xã. Nhưng rất khó khăn và nguy hiểm.
Học sinh vượt rừng lội bộ trở lại trường Trà Nam |
Toàn bộ các điểm dân cư vẫn còn bị cô lập. Để đến được các làng chỉ có cách duy nhất là cắt rừng lội bộ.
Chúng tôi đã lên xe ôm “công vụ” bắt đầu hành trình vượt núi xâm nhập vào vùng “ốc đảo” nội bất xuất ngoại bất nhập này.
Tay tài xế “xe ôm công vụ” tên Dũng được huyện điều động đưa tôi đi. Dũng bắt đầu chuyến hành trình vừa dắt vừa đẩy xe qua những đống đất đá hàng nghìn m3 đổ ập xuống con đường Nam Quảng Nam dài hơn 35 km và mất hơn 4 giờ đồng hồ.
Con đường “đau khổ” lồ lộ trước mắt, từng tốp học sinh vùng cao bắt đầu vượt rừng kéo nhau trở lại trường.
|
Các đơn vị thi công nỗ lực thông tuyến hơn 1 tuần nay nhưng chỉ mới thông được tuyến đường đi bộ. |
“Sau mưa lũ, tụi cháu lội bộ về thăm nhà, ở lại trường không có cái ăn. Chừ quay lại trường phải lội bộ từ sáng sớm đến chứ mới đến đây...” - cậu học trò nhỏ Hồ Văn Đông, lớp 7/1 trường bán trú cụm xã Trà Nam cùng đám bạn từ thôn 4 Trà Nam ngồi nghỉ bên đường kể.
Điệp khúc đói, đau...
Đã hơn hai tuần bị nước lũ và sạt lở núi vây hãm, hơn 24 nghìn dân đang đối mặt với nguy cơ đói, đau.
“Lượng lương thực dự trữ bây giờ chỉ đủ cung cấp cho dân khoảng 1 tuần nữa. Nếu không thông được tuyến đường, nguy cơ thiếu lương thực là điều khó tránh khỏi...” - ông Lê Ngọc Kích cho biết.
Các thầy cô giáo trường Trà Nam chỉ có rau rừng, mắm muối cầm hơi hơn 9 ngày qua. |
Sau hơn 5 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng vào được vào Trà Nam. Nhiều giáo viên kể, suốt hơn 1 tuần qua, họ phải sống trong sự dè sẻn lương thực. Thức ăn hàng ngày chỉ là mắm, muối, rau rừng.
Hiệu trưởng trường Trà Nam, thầy Bùi Dũng cho biết: Hiện cả trường có 206 em học sinh, 27 thầy cô giáo đã hơn 1 tuần trôi qua “án binh bất động, nội bất xuất ngoại bất nhập”. Trong khi đó lương thực đang dần cạn kiệt...
Người dân vẫn còn sống tạm tại nhà tránh lũ |
"Tuy nhiên, ở trung tâm xã còn đỡ hơn mấy thầy cô cắm bản. Hiện vẫn còn 6 thầy cô giáo bị “mất liên lạc” suốt mấy ngày qua. Cũng may, trường còn dự phòng 2 tấn gạo, nếu chắt chiu cũng cầm cự được hơn 10 ngày..." - thầy Dũng kể thêm.
Chúng tôi tiếp tục vào các làng. Bà Võ Thị Thông ở thôn 3, xã Trà Don cũng như hơn 30 hộ dân ở làng này đang đem những ang lúa cuối cùng trong kho để cầm cự chờ thông đường.
“Nhờ mới gặt lúa rẫy, được mấy bao, cộng thêm trước lũ xã hỗ trợ mỗi hộ mươi ký gạo nên cầm cự đến bây giờ. Nếu đường không thông chắc bà con tui chết đói quá...” - bà Thông tâm sự.
Vượt núi sang thôn 2 xã Trà Cang, hai vợ chồng Hồ Văn Luân cầm rựa, tay xách nách mang dắt díu 2 con nhỏ lội rừng tìm đường ra đường Nam Quảng Nam về huyện tìm cái ăn. Vì như lời ông Luân bảo, suốt một tuần nay đói vã mồ hôi.
Ông Nguyễn Xuân Ba - Trưởng phòng LĐTBXH huyện kể lại rằng, ông được phân công lên Trà Linh hôm thứ 7 vừa qua. Nhưng đi được nửa đường đành quay trở về, vì đường không thể đi.
Chỉ còn lại đống đổ nát khi bị núi sạt vùi lấp 12 hộ dân ở xã Trà Mai. |
Hiện huyện đã cử cán bộ về 10 xã nắm tình hình thiệt hại. Nhưng đã hơn 5 ngày qua vẫn chưa xâm nhập được vào các “ốc đảo” khu dân cư.
Ông Lê Ngọc Kích cho biết, trước mưa lũ, huyện đã chuyển 200 tấn gạo cho 10 xã, 23 trường học, cùng 3 kho thóc dự trữ tại 3 địa điểm là xã Trà Vân, Trà Nam và Trà Don. Các tuyến đường chính từ huyện về xã, các đơn vị thi công đã nỗ lực hết mình suốt hơn 1 tuần qua, nhưng chỉ mới thông tuyến đường đi bộ. Vì khối lượng đất đá vùi lấp quá lớn.
'Hơn 8 năm chia tách huyện (năm 2003) mỗi mùa mưa đều thường xuyên cô lập, nhưng chỉ từ 3-7 ngày. Còn đợt mưa lũ này cả huyện gần như bị cô lập kéo dài quá nhiều ngày. Nếu không nhanh chóng khắc phục, chuyện đói, đau đối với bà con là khó tránh khỏi' - ông Kích lo lắng.
Vũ Trung