Qua 2 tháng, giá xăng giảm 5 lần liên tiếp nhưng giá cước lại vận tải nhiều nơi vẫn đứng yên. Trong khi đó, Bộ Tài chính lại ra công văn nhắc nhở các địa phương và chuyển sang ‘nhờ’ Bộ Giao thông vận tải đôn thúc DN giảm cước.

Chần chừ thu lãi lớn

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng A92 đã giảm tới 7 lần với tổng giảm lên tới 5.590 đồng/lít. Bù trừ với 4 lần tăng giá thì giá xăng hiện nay rẻ hơn so với giá đầu năm 550 đồng/lít, tương đương giảm 3,1%. Trong đó, 5 lần giảm giá liên tiếp kể từ ngày 4/7 đã đưa giá xăng hạ nhiệt tới tận 15,85%.

Giá dầu diezen cũng đã giảm tới 4.800 đồng/lít kể từ đầu năm và khi bù trừ cho 2 lần tăng giá, mặt hàng này hiện vẫn rẻ hơn giá đầu năm là 3.390 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ là giảm 20,4%. Cũng như giá xăng, giá mặt hàng này có tới 7 lần giảm liên tiếp 2 tháng qua đã giúp giá bán lẻ hạ tới 18,7%. Và riêng một lần giảm tới 1.200 đồng/lít, giá xăng đã giảm 6,4%.

{keywords}
7 lần giảm giá xăng dầu, giá cước vẫn chưa giảm.

Thế nhưng, sau khi đua nhau tăng cước thời điểm "đỉnh" của giá xăng dầu dịp tháng 3-5, nhiều hãng vận tải, taxi đến nay vẫn không chịu giảm giá theo.

Chiều 4/9, nhiều hãng taxi quen thuộc ở Hà Nội như Thành Công, Ba Sao, Thành Lợi... vẫn đang giữ nguyên các mốc giá 6000 đồng giá mở cửa, 11.000 đồng/km cho km thứ hai đến km 20 hoặc 30km và mức giá 9.000 đồng/km ở quãng đường tiếp theo.

Giá các hãng taxi như taxi Mai Linh, taxi Group vẫn neo mức cao nhất Hà Nội với mức giá 12.000 đồng/km giá mở cửa và 14.400 đồng/km cho km thứ hai trở đi và từ km thứ 31 là 11.500 đồng/km.

Trong đó, taxi Ba Sao đã từng tăng giá cước từ ngày 1.6 và sau đó, giảm giá 1.000 đồng/km thứ hai từ ngày 17/8, taxi Thành Công cũng đã giảm 1.000 đồng/km kể từ ngày 18/8. Các mức giảm giá này có tỷ lệ là 8,3%, trong khi ở thời điểm này. Trong khi đó, từ ngày 19/8 đến nay, giá xăng đã giảm tới 1.970 đồng/lít.

Cuối tháng 8, Bộ Tài chính và bộ GTVT đã có công văn đề nghị các địa phương kiểm tra việc kê khai giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu. Nhưng các công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả.

Tại bến xe Mỹ Đình, hầu hết các hãng xe khách cũng chưa giảm giá. Đến chiều 4/9, mới chỉ có 6 hãng xe trên tổng số hơn 230 doanh nghiệp đăng ký giảm giá cước. Mức giảm là từ 3% đến khoảng 17%.

Đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thì khẳng định, thời gian tới, sẽ chỉ có thể giảm giá đối với các loại xe chạy dầu vì lý do, so với giá đầu năm, chỉ có dầu diezen đã giảm đáng kể. Với các loại xe vận tải chạy xăng thì chưa phải giảm giá vì giá xăng thì mới giảm 550 đồng/lít so với giá đầu năm.

"Những doanh nghiệp đã tăng giá cước cao theo kỳ tăng giá xăng dầu vừa qua thì nhất thiết sẽ phải giảm giá khi giá xăng dầu giảm. Nếu doanh nghiệp không giảm cước thì đề nghị Nhà nước xử lý nghiêm. Và nếu không xử lý thì đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước", ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ.

Trước đó, ngày 1/9, Hiệp hội này cũng ra công văn đôn thúc doanh nghiệp thành viên giảm cước.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu thiệt hại không nhỏ từ mức cước vận tải quá cao hiện nay. Giá cước taxi trung bình ở Việt Nam đang cao hơn nhiều so với giá cước trong khu vực".

Có thể phạt thu chênh lệch lãi bất hợp lý

Chia sẻ với PV VietNamNet, Ông Nguyễn Tiến Thoả, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam bình luận: "Đã là thị trường thì phải có lên, có xuống theo tín hiệu thị trường, chứ không phải đầu vào giảm mà anh không chịu giảm thì không đúng".

"Xăng chiếm 25-30% và dầu chiếm 35-45% trong chi phí hình thành cước vận tải. Nếu giá xăng dầu trong 2 tháng qua đã giảm 3.378 đồng/lít tức khoảng 15,85%, trong khi các yếu tố khác như tiền lương, khấu hao, các khoản chi phí khác không thay đổi thì các doanh nghiệp vận tải này phải giảm tương ứng ít nhất là 5,54%", ông Thoả khẳng định.

Ông nói thêm: "Ví dụ, cước taxi ở Hà Nội trung bình hiện nay có giá 11.000 đồng/km thì giờ, phải giảm ít nhất là 660- 700 đồng/km".

{keywords}
Chờ biện pháp mạnh sau những văn bản nhắc nhở.

Doanh nghiệp chây ỳ, không chịu giảm cước và thường vin vào lý do cước vận tải là dịch vụ hoàn toàn thị trường nên không thể có các can thiệp hành chính vào giá. Song, ông Thoả cho rằng, Nhà nước hoàn toàn có đủ công cụ để xử lý.

Vị nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính này nhấn mạnh: Điều 11 của Luật giá đã yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh giá hàng hoá dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh phù hơp với sự biến động của các yếu tố hình thành giá. Đó cũng chính là một trong những nguyên tắc quan trọng của phương pháp định giá mà Nhà nước đã quy định. Nếu doanh nghiệp làm sai có thể bị phạt hành chính quy định ở Nghị định 109/2003 từ 25-30 triệu đồng.

Chế tài mạnh nhất là nếu các doanh nghiệp không giảm giá, tức là đã lợi dụng Nhà nước trong việc thực hiện giá thị trường để ấn định giá không đúng thì Nhà nước thu lại phần chênh lệch bất hợp lý khi giữ giá so với sự giảm xuống của đầu vào.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xử lý theo chế tài mạnh như vậy vẫn đang gây tranh cãi, xem xét đây có phải là hành vi lơi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi riêng, định giá không hợp lý không. Trên thực tế, vẫn chưa có doanh nghiệp vận tải, taxi nào bị áp dụng hình phạt này.

Ông Thoả cho rằng, trách nhiệm chính là của Bộ Tài chính phải đôn đốc, kiểm tra sát sao, nhắc nhở doanh nghiệp hoặc phải lập ngay các đoàn kiểm tra rà soát như đã từng làm vào cuối năm 2014. Khi chuyển sang đơn vị Giao thông vận tải thì sẽ cần phải có độ trễ thời gian để doanh nghiệp đăng ký.

Phạm Huyền