Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 813 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%. Thủ đô Hà Nội hiện được coi là một siêu đô thị về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một Thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân đang ngày một trở nên cấp thiết.
Đối với Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng phát biểu trong một hội nghị về thành phố thông minh rằng: “Nhiều câu hỏi được đặt ra với Hà Nội nói riêng và các thành phố, đô thị nói chung, đó là: mô hình nào, phương thức nào để phát triển đô thị thông minh, tính “bền vững” của đô thị thông minh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một thành phố thông minh? Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp... sẽ được thực hiện như thế nào?”.
Theo ông Chung, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh.
Cùng với nhiều đơn vị tổ chức hội nghị quốc tế quy mô lớn với sự tham gia của hơn 10 quốc gia cùng các tỉnh, thành phố trong nước này, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội kỳ vọng các chuyên gia đầu ngành về thành phố thông minh, các nhà quản lý, hoạch định chính sách quốc tế và Việt Nam tại Hội nghị sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp cụ thể giúp cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam trong việc xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước TP.Hà Nội năm 2018 mới ban hành, UBND Thành phố đã xác định rõ những nội dung, thành phần của mô hình thành phố thông minh của Hà Nội sẽ được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm nay.
Theo Kế hoạch, Thành phố nêu rõ một trong những mục tiêu lớn của kế hoạch này là triển khai xây dựng một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của Thành phố.
Cũng theo kế hoạch kể trên, trong năm 2018, Thành phố dự kiến tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh của Hà Nội và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh theo lộ trình.
Cụ thể, với Trung tâm điều hành thông minh TP.Hà Nội, Thành phố xác định hình thành Trung tâm này trong giai đoạn 2018 - 2020 với 8 chức năng chính, bao gồm: Trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm hỗ trợ cho cán bộ sử dụng CNTT của Thành phố; Trung tâm quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm phân tích dữ liệu; Trung tâm hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm quản lý các hoạt động dịch vụ hành chính công; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.
Cũng trong năm 2018, Hà Nội sẽ hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. Theo đó, cùng với việc hoàn thành triển khai hệ thống thông tin giao thông tích hợp của Hà Nội, năm nay Thành phố cũng dự kiến sẽ triển khai xong hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; triển khai thử nghiệm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh tại một số nút giao thông.