Bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung

Nhờ đó, Bắc Kạn không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản của địa phương, mà thông qua các hội nghị, hội thảo, chương trình đã hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Với sự quan tâm, định hướng và hướng dẫn của các cấp, ngành đã tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp của địa phương tham gia nhiều hội chợ và các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đây là dịp để HTX, doanh nghiệp quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng kênh phân phối hàng hóa, nhờ đó có thêm nhiều đối tác, khách hàng mới, sản phẩm được biết đến nhiều hơn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được các thương hiệu nông sản hàng hóa tại thị trường trong nước và quốc tế. Điển hình như: Miến dong, gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai, tinh bột nghệ, Nano Curcumin nghệ, bí xanh thơm, mơ chế biến..., cùng với nhiều sản phẩm nông sản thế mạnh khác đã được đưa vào các hệ thống bán lẻ lớn.

Chú trọng hạ tầng giao thương, giao lưu hàng hoá

Đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chợ có vai trò quan trọng vì đây chính là nơi giao thương, mua bán hàng hoá, tạo sinh kế ổn định cho bà con.

W-anhchobackan.png
Một góc chợ Phiên Ba Bể, Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn có tổng số 64 chợ đang hoạt động. Trong đó, có một chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 59 chợ hạng 3. Nhìn chung, các chợ trên địa bàn tỉnh đều phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hóa lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Các chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. Vì vậy, khi có nguồn vốn đầu tư, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không có khả năng kêu gọi xã hội hóa.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đối với nội dung 2 tiểu dự án 1 thuộc dự án 4 “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”được thực hiện đối với các chợ trong quy hoạch, thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, tỉnh Bắc Kạn xác định thời gian tới sẽ ưu tiên các chợ đang hoạt động nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, quá tải cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không có khả năng kêu gọi xã hội hóa.

Năm 2023, theo kế hoạch tỉnh Bắc Kạn đầu tư, thực hiện xây mới đối với chợ xã Quang Phong, huyện Na Rì và cải tạo, nâng cấp đối với chợ Tinh xã Yên Hân, huyện Chợ Mới với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Cả hai công trình đều đang được triển khai thực hiện dự kiến sẽ bàn giao đưa vào sử dụng trong năm nay.

Ông Vũ Đình Tiến, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Ban quản lý các công trình xây dựng tỉnh được giao cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với tổng vốn trên 18 tỷ đồng. Các công trình năm 2022 đã hoàn thành trên 90% khối lượng, công trình năm 2023 đang được triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ”.

Bích Thủy và nhóm PV, BTV