Phát triển thành phố thông minh giai đoạn mới
Trong cuộc họp mới đây với Đoàn Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), do ông John Jung, Đồng sáng lập ICF làm trưởng đoàn, ông Mai Hùng Dũng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành thành phố thông minh Bình Dương đã thông tin sơ nét về tỉnh Bình Dương và giới thiệu về Đề án Thành phố thông minh Bình Dương.
Theo đó, đến nay quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng 104 lần so với năm 1997. Lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Tỉnh thu hút được trên 4.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh. Thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, khoảng 400 đô la Mỹ/người/tháng. Trong quá trình phát triển kinh tế, tỉnh nỗ lực đảm bảo công tác bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ năm 2016, nhằm tạo bước đột phá về kinh tế-xã hội, Bình Dương triển khai xây dựng Đề án Thành phố thông minh hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị năng động, đáng sống. Tỉnh đã vận dụng mô hình ba nhà (Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà trường) trong xây dựng thành phố thông minh và tập trung phát triển 4 yếu tố chủ chốt, gồm: phát triển con người, công nghệ, các yếu tố nền tảng, doanh nghiệp và đã đạt được những kết quả bước đầu ấn tượng. Bình Dương ngày càng có uy tín trên trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu và đầu tư tại Bình Dương trong các lĩnh vực hạ tầng, logistic, đô thị thông minh, giáo dục thông minh;…
Những năm qua, Bình Dương đã nỗ lực xây dựng môi trường xanh, bền vững, sạch đẹp. Nhiều dự án xử lý môi trường về bụi, nước thải, rác thải đã được triển khai. Bình Dương đang xây dựng trường học thông minh, hạnh phúc để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Trong lĩnh vực y tế, tỉnh phát triển y tế thông minh, đưa chính sách y tế đến người lao động, người yếu thế. Tại các khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng để nắm bắt khó khăn vướng mắc, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến… Trong quy hoạch, tỉnh ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, y tế, không gian phục vụ cộng đồng; phấn đấu đạt mục tiêu 10m2 cây xanh/người.
Bình Dương cũng đang trong quá trình xây dựng và phê duyệt chiến lược phát triển thành phố thông minh giai đoạn mới, với những định hướng phát triển phù hợp quy hoạch tổng thể mới của tỉnh.
Giải pháp mô hình 5 lớp
Ông Mai Hùng Dũng cho biết tỉnh Bình Dương đang triển khai xây dựng Đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo với mô hình 5 lớp. Đây là mô hình được đúc kết từ thực tiễn xây dựng và phát triển tỉnh Bình Dương, là sự cô đọng của chiến lược phát triển thông minh của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn vừa qua, nhằm định hình rõ những lớp chiến lược đã được kiểm chứng qua thực tế, qua đó khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh Bình Dương. Đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, giải pháp mô hình 5 lớp có tác động lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực. Mỗi lớp trong mô hình 5 lớp sẽ có vai trò riêng trong chiến lược phát triển lấy con người làm trọng tâm, từ đó tổng hòa tạo thành một chiến lược phát triển liên ngành, toàn diện cho tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, việc 4 lần liên tiếp được ICF ghi nhận trong Top 21 và 2 lần liên tiếp được vinh danh trong TOP7 là niềm vinh dự, tự hào, là thành quả xứng đáng cho những cố gắng và sáng tạo của tỉnh trong việc lựa chọn chiến lược phát triển tỉnh Bình Dương trong những năm qua.
Tái định hình mô hình phát triển mới
Định hướng đến năm 2030, Bình Dương tiếp tục vận dụng mô hình ba nhà, đồng thời tập trung vào chuyển đổi số, đô thị thông minh, triển khai hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Bình Dương và chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho giáo dục, chăm lo cho người yếu thế, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Để phù hợp những yêu cầu mới và tìm kiếm động lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Tổng công ty Becamex IDC và tỉnh Bình Dương đã và đang tái định hình mô hình phát triển mới của mình, được xác định rõ trong phương hướng xây dựng bản quy hoạch tích hợp của tỉnh giai đoạn tiếp theo, trong đó chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp, từ công nghiệp – đô thị - dịch vụ sang công nghiệp – đô thị - dịch vụ thông minh, sinh thái, bao gồm: nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, như xây mới các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data,… giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động nội tỉnh.
Từ đó, tiến tới phát triển các khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các viện trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số, nhằm thu hút và tiến lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp. Đây được xem là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các khu công nghiệp, là điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân toàn khu vực.
Không khó để nhận thấy, Bình Dương đã và đang thực hiện những chương trình phát triển chiến lược, đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững hơn như: thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp 4.0…, tạo môi trường sống xanh - sạch hơn, từ đó tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đề án Thành phố thông minh Bình Dương là mô hình thực sự đầy tiềm năng
Tại buổi làm việc với Ban Điều hành Thành phố thông minh Bình Dương, sau khi nghe giới thiệu về việc triển khai thực hiện băng thông rộng, chuyển đổi số và các dự án kết nối, chương trình đào tạo nguồn nhân lực, ông John Jung rất ấn tượng và đánh giá Bình Dương không chỉ thực hiện những tiêu chí ICF đưa ra, mà còn đưa vào thực hiện những yếu tố văn hóa đặc thù của địa phương. Đây chính là những điểm cộng của Bình Dương trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh.
Ông John Jung đánh giá cao sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ của Bình Dương và cho rằng, những kết quả bước đầu trong quá trình thực hiện Đề án Thành phố thông minh đã tạo điểm nhấn, nền tảng để tỉnh tiếp tục phát triển đột phá trong giai đoạn kế tiếp.
Đặc biệt, việc xây dựng Thành phố thông minh, tham gia vào các tổ chức quốc tế như ICF đã góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh tỉnh Bình Dương trên trường quốc tế. Đề án Thành phố thông minh Bình Dương là mô hình thực sự đầy tiềm năng, minh chứng rõ nhất là Bình Dương đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều tập đoàn lớn có thương hiệu trên thế giới, đây chính là thành công của Bình Dương.
Cửu Long