Chiều ngày 31/10/2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp về xây dựng kế hoạch hành động thực hiện những nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ về thực Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện theo cam kết của Việt Nam với lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF).
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu về công tác phòng chống rửa tiền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là thành viên của Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo phương pháp luận đánh giá dựa trên 40 khuyến nghị của FATF.
Tháng 6/2023, Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) đã đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là danh sách xám), đồng thời đưa ra 17 khuyến nghị hành động đối với Việt Nam để giải quyết các thiếu hụt trong cơ chế phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Chính phủ Việt Nam đã có cam kết gửi Chủ tịch FATF thực hiện kế hoạch hành động do FATF khuyến nghị với thời gian trong 2 năm.
Nhấn mạnh tính cấp bách của vấn đề, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, việc thực hiện các cam kết, kế hoạch, biện pháp này cũng mang lại lợi ích lâu dài về hoàn thiện môi trường thể chế chính sách; thực hiện các chính sách về phòng, chống tội phạm, nâng cao môi trường đầu tư, kinh doanh, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân thương mại (bao gồm các loại hình doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp) và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm. Thời hạn hoàn thành là tháng 5/2025.
Việc xây dựng Kế hoạch nhằm xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; Thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm APG; Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu; nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng và cần ưu tiên tập trung triển khai. Đồng thời đề nghị đơn vị được giao chủ trì (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động trình Bộ trưởng ban hành Quyết định, trong đó cần quy định rõ sự phân công trách nhiệm của từng đơn vị liên quan để phối hợp, thực hiện.