Kế hoạch phát triển KTXH năm 2025 được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt về kinh tế, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Trong nước, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Thế và lực của đất nước sau gần 40 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn cả về quy mô và sức cạnh tranh; tình hình chính trị-xã hội và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo; nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia đưa vào khai thác; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; vị thế, uy tín của nước ta tiếp tục được nâng lên. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là việc hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

ong nguyen thien nhan doan tau kinh te tp hcm can them dau de chay 1.jpg
Ảnh minh hoạ

Hôm 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. 

Theo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần nắm chắc tình hình, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Mục tiêu xuyên suốt được Thủ tướng quán triệt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị lớn, cảng biển, sân bay.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ định hướng hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực.

Đối với nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chỉ thị nêu rõ, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu 5 - 7%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024…

Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Dự toán chi ngân sách nhà nước sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau, cũng là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý nhiệm vụ bảo đảm nguồn lực để tiếp tục triển khai chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, từ năm ngân sách 2025, các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước không còn được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù về tiền lương, phụ cấp, thu nhập và kinh phí thường xuyên.

Các đơn vị lập dự toán thu, chi năm 2025 trên cơ sở quyết định của cấp có thẩm quyền về cơ chế tài chính áp dụng từ ngày 1/7 và cho năm 2025.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan Trung ương căn cứ vào chế độ tiền lương, lương hưu, trợ cấp đối với người có công, các chính sách an sinh xã hội được cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện trong năm 2024 để rà soát, lập dự toán cho năm 2025.

 Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của quốc gia và địa phương năm 2025, giai đoạn 2023 - 2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương đã ban hành.
 

 Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của quốc gia và địa phương năm 2025, giai đoạn 2023 - 2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và địa phương, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương đã ban hành.