Việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra.
Nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần giảm thiệt hại do thảm họa, sự cố
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, chiều 26/10, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng đã trình bày tờ trình về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; dự thảo luật gồm 7 chương, 71 điều.
Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ: Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo Đại tướng Phan Văn Giang, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn.
Theo đó, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Việc quy định các biện pháp ứng phó cũng chưa có sự thống nhất: Có văn bản quy định biện pháp theo cấp độ, có văn bản quy định theo quy mô, đơn vị hành chính hoặc theo trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan, có văn bản liệt kê theo loại dịch bệnh, có văn bản quy định liệt kê các biện pháp để tùy thuộc tình hình cơ quan có trách nhiệm lựa chọn áp dụng biện pháp thích hợp... dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.
Mặt khác, thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả; nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: Giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế,...
Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp (giai đoạn tiền khẩn cấp) cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất.
Đặc biệt, xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực liên quan đến các bộ, ngành nên có nhiều tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương chỉ đạo trong việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, dẫn đến có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ. Khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thì các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đều vào cuộc, gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ.
Cùng với đó, hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất. Ở Trung ương (cấp quốc gia) tồn tại độc lập nhiều cơ quan, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy (Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,…); trong khi đó, cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương đã hợp nhất các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thành một tổ chức duy nhất là Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo hoặc Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên. Sự thiếu đồng bộ này khiến cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai.
Đáng chú ý, một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Các đạo luật về phòng thủ dân sự ở các quốc gia này thể hiện rõ khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng, công tác chuẩn bị bảo đảm cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
“Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Việc xây dựng dự thảo luật cũng là nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.
Song song với đó là nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
4 cấp độ phòng thủ dân sự
Theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp. Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, không có khả năng lan sang địa phương khác. Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, không có khả năng lan sang địa phương khác.
Cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành có khả năng lan rộng. Cấp độ 4 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong tình trạng khẩn cấp.
Về thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp huyện được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1; chủ tịch UBND cấp tỉnh được ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3. Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp, các địa phương được đặt trong tình trạng khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 4.
Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, việc phân loại cấp độ phòng thủ dân (gồm 4 cấp độ) là nội dung quan trọng, nhằm phân biệt với các dạng cấp độ thảm họa, sự cố tại các luật chuyên ngành. Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, làm rõ cơ sở lý luận, pháp luật, thực tiễn và khoa học, quy định cả phạm vi xảy ra thảm họa, sự cố và hậu quả thiệt hại do các tình huống này gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự cho phù hợp.
Quy định thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt và sát với tình hình thực tiễn khi xử lý thảm họa, sự cố, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.
Văn Công, Nguyễn Bắc, Phạm Công